Truyền thông tin nhanh, ít độ trễ
5G là công nghệ internet di động mới đang được một số nhà mạng triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Khoa học và Công nghệ), 5G cung cấp lượng dữ liệu lớn, sử dụng năng lượng ít, hỗ trợ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, có độ trễ gửi và nhận tín hiệu ít hơn nhiều lần so với 4G. Sử dụng mạng 5G không chỉ tạo thuận lợi hơn trong giao tiếp, gửi tín hiệu giữa con người với con người mà còn giữa người máy với người máy trong sản xuất cũng như vận hành các thiết bị ở nhiều lĩnh vực. Vì thế, việc giảm độ trễ hay tiến tới không còn độ trễ trong gửi tín hiệu là mục tiêu quan trọng. “Nhờ những lợi thế về tốc độ, kết nối và bảo mật, 5G cho phép các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn với chi phí tối ưu” - ông Đức nói.
Nhân viên Viettel Bắc Giang hướng dẫn dịch vụ 5G cho khách hàng. |
Chị Lã Cẩm Vy, phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang) chia sẻ, là người hay săn hàng giảm giá của một số hãng thời trang ở trong và ngoài nước nên khi biết có dịch vụ 5G có tốc độ nhanh chị chuyển sang dùng ứng dụng. Theo chị Vy, từ khi sử dụng 5G trên thiết bị di động, mạng khỏe, nhanh, chị đã chốt được nhiều sản phẩm ưng ý. Chị Vy cho biết: “Có nhiều đồ giảm giá, chất lượng nhưng nhiều lần tôi không chốt đơn kịp vì mạng internet kém. Tình trạng này đã khác hẳn khi tôi dùng mạng 5G và sử dụng đến nay được hơn 3 tháng”. Những người kinh doanh online hay dùng 5G cho bất kỳ hoạt động quảng bá sản phẩm, bán hàng… cũng nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong việc truyền tín hiệu.
Đến nay, Viettel Bắc Giang đã lắp đặt 34 trạm 5G phủ sóng trên địa bàn tỉnh, tập trung tại thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Tân Yên. Sau 6 tháng đi vào kinh doanh đã có 90 nghìn khách hàng sử dụng dịch vụ 5G, chiếm trên 7% tổng thuê bao của Viettel đang hoạt động và chiếm 30% số lượng người đang sử dụng thiết bị 5G của Viettel. Để khách hàng được tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ 5G, Viettel đã ban hành trên 10 gói cước giúp khách hàng dễ dàng đăng ký và sử dụng. Ngoài Viettel, VNPT cũng đang lắp đặt 2 trạm thử nghiệm 5G.
Đầu tư, nhân rộng trạm phát sóng
Với nhiều lợi thế của 5G, trong tương lai công nghệ này sẽ được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống như: Doanh nghiệp logistics; điều tiết, giám sát giao thông; giao hàng, hàng không… qua đó ngày càng thúc đẩy kinh tế số phát triển. Thực tế cho thấy, kinh tế số ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP trên 20% thì Bắc Giang dẫn đầu với 43,6%. Như vậy, kinh tế số của Bắc Giang đã có bước chuyển nhất định.
Toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2025 chuyển 50% thuê bao sử dụng 4G hiện nay sang 5G. Về phát triển hạ tầng 5G, trong năm 2025 dự kiến các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone sẽ phát triển thêm khoảng 500-600 trạm phát sóng 5G, trước mắt tập trung phủ sóng khu vực trung tâm, địa phương, khu công nghiệp, khu du lịch của tỉnh. |
Xác định muốn phát triển kinh tế số cần có hạ tầng số, đặc biệt là đường truyền nhanh, băng thông rộng, Bắc Giang chú trọng phát triển 5G. Toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2025 chuyển 50% thuê bao sử dụng 4G hiện nay sang 5G. Về phát triển hạ tầng 5G, trong năm 2025 dự kiến các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone sẽ phát triển thêm khoảng 500 - 600 trạm phát sóng 5G trước mắt tập trung phủ sóng khu vực trung tâm, địa phương, khu công nghiệp, khu du lịch của tỉnh… Đến năm 2030 phủ sóng 5G trên toàn tỉnh với 99% dân số sử dụng 5G. Trong đó, riêng Viettel phấn đấu lắp đặt 300 trạm 5G mới trong năm 2025 để phục vụ chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân tham gia sử dụng.
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang và Tập đoàn Viettel ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Nghị quyết số 57 - NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện để Tập đoàn sớm nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư hạ tầng số phát triển trạm viễn thông 5G, trung tâm tích hợp dữ liệu, y tế thông minh, giáo dục thông minh. Tập đoàn Viettel tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Ngoài Tập đoàn Viettel, Bắc Giang cũng ký thỏa thuận với 3 tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin trong cả nước để thúc đẩy hạ tầng số. UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về vị trí đặt trạm phát sóng, các thủ tục cấp phép, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông.
Được biết, tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến tham mưu tổ chức hội nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp khi đặt các trạm phát sóng trên đất công. Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương phải tích cực phủ sóng 5G, phát triển hệ thống vệ tinh. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương phải xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thời đại công nghệ số.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/bac-giang-thuc-day-phu-song-mang-5g-postid416328.bbg
Bình luận (0)