
Ba tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư và lên kế hoạch tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 19% so với cùng kỳ; lũy kế quý I tăng 22,2%, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao trên cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trong tháng 3 ước đạt 190 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2024; lũy kế ba tháng ước đạt hơn 602 tỷ đồng, đạt 26,46% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công Thương, quy mô công nghiệp Bắc Kạn vẫn còn khiêm tốn so với khu vực và cả nước. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh mới đạt khoảng 4.800 tỷ đồng, tăng trưởng chỉ khoảng 08%. Để bứt phá và đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên trong năm 2025, tỉnh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ông Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Tỉnh có nhiều thế mạnh về khoáng sản như chì, kẽm, mangan, sắt; về lâm sản như gỗ, quế, hồi; cùng với nông sản đặc sản như miến dong, cam, quýt, hạt dẻ... Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm hiện mới dừng lại ở khâu sơ chế, chưa phát huy hết tiềm năng. Vì vậy, tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến khoáng sản, sản xuất hợp kim, vật liệu mới và xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản đạt chuẩn xuất khẩu.

Bắc Kạn đã quy hoạch và từng bước xây dựng một số khu, cụm công nghiệp như Khu Công nghiệp Thanh Bình, Cụm Công nghiệp Huyền Tụng, Cụm Công nghiệp Quảng Chu. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh xác định cần ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ ban hành chính sách ưu đãi riêng để thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động. Các hội nghị xúc tiến đầu tư cũng sẽ được tổ chức để giới thiệu tiềm năng công nghiệp của tỉnh đến doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững. Theo đó, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật tư, linh kiện phục vụ ngành chế biến, vận tải và xây dựng. Ưu tiên phát triển các dự án sản xuất vật liệu tại chỗ như pallet gỗ, bao bì giấy, vật liệu xây dựng không nung. Song song đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường.
Nguồn nhân lực hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến sâu và công nghệ cao. Do đó, tỉnh sẽ tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghề để đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo tại chỗ và thu hút lao động kỹ thuật cao trở về địa phương.

Hệ thống giao thông kết nối các tỉnh lân cận và hạ tầng logistics sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Tỉnh sẽ ưu tiên cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng…, đồng thời đầu tư xây dựng kho bãi, trung tâm logistics và ứng dụng công nghệ số vào vận hành để giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa.
Để tạo đột phá trong thu hút đầu tư, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Chính quyền tỉnh cũng tăng cường đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án.
Với định hướng rõ ràng, chính sách linh hoạt và sự đồng hành giữa chính quyền và doanh nghiệp, Bắc Kạn hoàn toàn có cơ sở để đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp trên 13,5% trong năm 2025./.
Nguồn: https://baobackan.vn/bac-kan-phan-dau-tang-truong-cong-nghiep-dat-hai-con-so-post70526.html
Bình luận (0)