Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lủng Sao ghi dấu chân Bác

BBK - Trong hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ tại Lủng Sao, nay là thôn Vi Ba, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn - điểm dừng chân đầu tiên của Bác trên địa bàn tỉnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cách mạng địa phương.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn02/05/2025

t4-khu-vuc-lung-sao-thuoc-thon-vi-ba-xa-bang-van-ngan-son.jpg
Khu vực Lủng Sao, thuộc thôn Vi Ba, xã Bằng Vân (Ngân Sơn).

Hành trình lịch sử qua Lủng Sao

Năm 1945, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, chiến tranh thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, ở trong nước Nhật đảo chính Pháp, đây là cơ hội hết sức thuận lợi cho cách mạng Việt Nam lãnh đạo toàn dân đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Trước yêu cầu cấp bách của cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang), nơi được chọn làm trung tâm chỉ đạo tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Khoảng 09 giờ sáng ngày 04/5/1945, Bác Hồ cùng các đồng chí trong đoàn công tác rời lán Khuổi Nặm (Pác Bó) và bắt đầu hành trình lịch sử. Đến chiều tối ngày 10/5/1945, đoàn đến địa phận Bắc Kạn và dừng chân nghỉ đêm tại bản Lủng Sao, xã Bằng Vân – một bản người Dao nhỏ với khoảng 10 hộ dân sinh sống. Tại đây, Bác được bố trí nghỉ tại nhà ông Bàn Tài Vện; các thành viên khác trong đoàn nghỉ rải rác ở các nhà xung quanh.

Dù nơi dừng chân hẻo lánh, xa đường lớn, nhưng cũng nhờ đó mà bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác và đoàn. Trước bữa cơm tối, Bác không quên cảm ơn sự đón tiếp của bà con địa phương. Sau bữa ăn, Bác tranh thủ trò chuyện, trao đổi công việc với các cán bộ cơ sở địa phương khoảng một giờ đồng hồ. Sáng sớm hôm sau (11/5/1945), trong tiết trời ẩm ướt, đoàn tiếp tục hành quân qua núi rừng hiểm trở để đến xã Thượng Ân, điểm dừng tiếp theo là bản Hoàng Phài, xã Cốc Đán.

Việc Bác Hồ nghỉ tại nhà dân ở Lủng Sao là một sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ hoạt động cách mạng đầy gian khổ, ghi dấu tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng của người dân nơi đây, đồng thời là niềm vinh dự lớn lao đối với đồng bào dân tộc Dao ở Lủng Sao nói riêng và Nhân dân xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn nói chung.

t4-di-tich-lich-su-lung-sao-noi-bac-ho-va-doan-cong-tac-dung-chan-nghi-tren-duong-tu-pac-bo-cao-bang-ve-tan-trao-tuyen-quang.jpg
Di tích lịch sử Lủng Sao nơi Bác Hồ và đoàn công tác dừng chân nghỉ trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang).

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Thôn Lủng Sao, nay là thôn Vi Ba, thuộc xã Bằng Vân (Ngân Sơn), là nơi sinh sống của các hộ dân tộc Dao, Tày, Nùng, Hoa. Từ trung tâm TP. Bắc Kạn, theo Quốc lộ 3 hướng đi Cao Bằng khoảng 77km, rẽ trái tại đỉnh đèo Cao Bắc đi thêm khoảng 02km sẽ đến khu di tích. Thôn Vi Ba nằm cách trung tâm xã gần 10km, khá biệt lập giữa núi rừng.

Bí thư Chi bộ thôn Vi Ba, đồng chí Bàn Văn Thắng chia sẻ: Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hạ tầng giao thông trong thôn từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đời sống của bà con vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Dù vậy, người dân luôn tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hiện tại, dấu tích duy nhất còn lại tại Khu di tích Lủng Sao là tấm bia đá khắc dòng chữ: “Nơi Bác Hồ và đoàn công tác dừng chân nghỉ trên đường đi từ Pác Bó về Tân Trào, ngày 10 tháng 5 năm 1945”. Gần tấm bia là nền nhà cũ được cho là của gia đình ông Bàn Tài Vện, nơi Bác và đoàn nghỉ lại. Mặc dù những công trình nguyên gốc không còn, nhưng người dân và chính quyền địa phương luôn trân trọng, giữ gìn, thường xuyên tổ chức dâng hương, vệ sinh khu vực di tích vào các ngày lễ lớn.

Đồng chí Nông Hồng Quảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bằng Vân chia sẻ: “Việc Bác Hồ từng nghỉ tại thôn Lủng Sao là niềm vinh dự, tự hào to lớn với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Nhận thức được ý nghĩa lịch sử sâu sắc ấy, những năm qua xã đã tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả tích cực”.

Khu di tích lịch sử Lủng Sao đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 25/4/2019. Đây là một trong số ít địa danh trên địa bàn tỉnh gắn liền với dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình lịch sử, trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

Nguồn: https://baobackan.vn/lung-sao-ghi-dau-chan-bac-post70530.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm