"Mai phục" hơn 3 năm để "bắt" cơn loạn nhịp tim
Chị H. (quê Gia Lai) thỉnh thoảng rơi vào trạng thái hồi hộp, lo âu, tim đập bất thường. Chị đi khám nhiều lần tại bệnh viện tỉnh nhưng không tìm ra vấn đề gì ở tim, các bác sĩ cho chị dùng thuốc rối loạn tâm thần. Những cơn hồi hộp vẫn xuất hiện mỗi tháng vài lần, nhưng vào bệnh viện thì bác sĩ không ghi nhận có gì bất thường. Tình trạng ra vào bệnh viện như thế kéo dài nhiều năm, tới mức người nhà cho rằng chị mắc bệnh "giả đò". Mệt mỏi và khổ tâm, chị quyết định lên TP.HCM tìm cho ra mình mắc bệnh gì.
Bác sĩ Hoàng Quang Minh - Khoa tim mạch và Tim mạch Can thiệp Bệnh viện FV
Khám cho chị H., bác sĩ Hoàng Quang Minh - Khoa tim mạch và Tim mạch Can thiệp Bệnh viện FV nghi ngờ các triệu chứng của chị liên quan tới rối loạn nhịp tim - căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, có thể khiến tim ngừng đập. Bác sĩ Minh cho chị đeo máy theo dõi nhịp tim.
Hơn 1 tháng sau, cơn hồi hộp xuất hiện, bác sĩ xác định đúng là chị H. bị loạn nhịp tim. Anh dùng phương pháp triệt đốt điện tim để điều trị cho bệnh nhân. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, dùng năng lượng nhiệt để tạo các vết sẹo trên mô tim, ngăn chặn các tín hiệu điện không ổn định, khôi phục nhịp tim bình thường. Sau thủ thuật, bệnh nhân hết hẳn các cơn hồi hộp. Chị vui mừng và cảm kích khi xóa được tiếng oan "giả đò" và cải thiện chất lượng sống.
Là chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm về rối loạn nhịp tim, bác sĩ Minh cho biết căn bệnh này ngày càng gia tăng trong cộng đồng, đe dọa tính mạng người bệnh. Các cơn loạn nhịp không xảy ra thường xuyên nên khó phát hiện, bệnh nhân đi khám không tìm được nguyên nhân nên cũng xem nhẹ, cho đến khi bệnh trở nặng…
Tại FV, bác sĩ Minh kiên nhẫn giải thích, thuyết phục người bệnh hợp tác để cùng "mai phục" tìm cho ra ổ loạn nhịp. "Quá trình "bắt" cơn loạn nhịp có thể mất vài năm, ca lâu nhất tôi gặp là bệnh nhân đột quỵ cơn thoáng thiếu máu não, được cấy máy theo dõi rối loạn nhịp và sau 2 năm thì bắt được cơn rung nhĩ", bác sĩ Minh chia sẻ.
Chọn ngành Tim mạch vì đam mê cứu người trong cơn sinh tử
Bác sĩ Hoàng Quang Minh đến với ngành Tim mạch như một cái duyên. Thời là sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, những đêm trực trong bệnh viện, khoa Tim mạch luôn cho anh ấn tượng mạnh mẽ khi chứng kiến những người bệnh trong tình trạng hấp hối vì tim ngừng đập, được bác sĩ tim mạch cứu sống một cách ngoạn mục. "Hình ảnh người bác sĩ tim mạch ăn sâu trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi được góp phần cứu người trong cơn sinh tử", bác sĩ Minh nhớ lại.
Sau khi ra trường, bác sĩ Minh đi sâu vào lĩnh vực Nội khoa tim mạch, được sống hết mình cho lý tưởng cứu người. Những lần cùng đồng nghiệp giành giật bệnh nhân khỏi bàn tay tử thần giúp anh trui rèn khả năng nhạy bén trong xử lý tình huống. Tài năng của anh đã cứu sống rất nhiều người trong cơn nguy kịch, tạo nên hình ảnh một bác sĩ nhẹ nhàng, cẩn trọng và nhiệt tâm trong lòng bệnh nhân.
Niềm vui của bác sĩ Minh khi bệnh nhân hồi phục, chuẩn bị xuất viện
Nguy cơ từ những trái tim lỗi nhịp
Các chuyên trong nước và thế giới vẫn đang nỗ lực giải quyết vấn đề rối loạn nhịp - vấn đề có thể gây ra hậu quả lớn, điển hình như rung nhĩ - căn bệnh tạo cục máu đông gây đột quỵ não. Theo thống kê, cứ 4 người bị đột quỵ thì có một trường hợp nguyên nhân do rung nhĩ. Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng ngàn người đột quỵ vì biến chứng từ căn bệnh này, trong đó tỷ lệ tử vong và tàn phế chiếm phần lớn.
Để điều trị rối loạn nhịp tim, các phương tiện để chẩn đoán và điều trị tiên tiến là vô cùng quan trọng, tuy vậy không nhiều cơ sở y tế có đủ các trang thiết bị rất đắt đỏ này, khiến nhiều bác sĩ thiếu đi vũ khí cần thiết. Còn bác sĩ Minh lại luôn tâm tư: làm sao giải quyết được chứng rung nhĩ cho bệnh nhân từ khi chưa thực sự khởi phát, như vậy mới có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Gia nhập Bệnh viện FV năm 2020, với chuyên môn sâu, vững vàng và nhiệt huyết, bác sĩ Minh đã đóng góp rất nhiều vào mảng điều trị rối loạn nhịp tim, hoàn thiện mảnh ghép để Khoa Tim mạch và Tim mạch Can thiệp của Bệnh FV trở thành trung tâm tim mạch hàng đầu.
Bệnh viện FV trang bị đầy đủ các phương tiện điều trị nhịp tim tiên tiến nhất. Đơn cử như với chứng rung nhĩ, FV dùng phương pháp triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần kết hợp hệ thống lập bản đồ 3D giúp bác sĩ xác định chính xác vùng tim cần điều trị, tỷ lệ thành công tới 98-99%.
FV cũng triển khai nhiều công nghệ tầm soát nhịp tim hiện đại, như điện tâm đồ 24 giờ, 7 ngày, 30 ngày hoặc cấy máy theo dõi nhịp tim trong 3 năm giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường ở nhịp tim ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng rõ ràng.. mở ra cơ hội điều trị sớm và giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng nguy hiểm, như suy tim hoặc đột quỵ.
Theo bác sĩ Minh, mảng điều trị rối loạn nhịp tim còn nhiều thách thức, vì vậy, anh tích cực học tập, nghiên cứu chuyên sâu. Vừa chữa bệnh, anh vừa tranh thủ tham gia các khóa học, dự hội thảo Tim ở Mỹ, Hồng Kong, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản… để cập nhật kiến thức đồng thời mở rộng mạng lưới kết nối với đồng nghiệp trên thế giới, phối hợp điều trị cho các ca phức tạp.
"Mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt, không có công thức nào chung áp dụng cho mọi trường hợp. Vì vậy làm bác sĩ là phải học tập suốt đời", bác sĩ Minh khẳng định.
Bác sĩ Minh trình bày báo cáo khoa học trong một hội nghị khoa học quốc tế
Ảnh: FV
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-hoang-quang-minh-benh-vien-fv-chuyen-gia-sua-loi-nhip-tim-185250417110455928.htm
Bình luận (0)