Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt tướng lĩnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

Chiều 21.4, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Báo Thanh niênBáo Thanh niên21/04/2025



Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Cùng dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và TP.HCM.

Đề ra nhiều quyết sách chiến lược mang tính cách mạng, đột phá

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự vui mừng trân trọng, cảm phục, đánh giá cao những chiến công và đóng góp to lớn của các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là đại diện của một thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng, được bạn bè năm châu khâm phục, trân trọng, suy tôn; cho dù trên mọi cương vị cũng luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và tâm huyết của người chiến sĩ cách mạng, cống hiến, hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khái quát những thành tựu đạt được của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sau 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh. 

Trong đó nhấn mạnh những kết quả đạt được kể từ sau Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII (tháng 9.2024) đến nay, dưới sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, toàn Đảng thống nhất ý chí và hành động, đoàn kết một lòng, tất cả vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tướng lĩnh tham gia chiếndịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

ẢNH: MAI THANH HẢI

Với khát vọng lớn, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, sát thực tiễn, Trung ương đã đề ra nhiều quyết sách chiến lược mang tính cách mạng, đột phá, tạo nền tảng vững chắc để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với mục tiêu cao nhất là giữ vững ổn định đất nước, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong đó đột phá quan trọng hàng đầu là việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 18 ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", không cầu toàn, song cũng không nóng vội, không được để gián đoạn công việc.

Mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ, có bước đi, lộ trình bài bản, đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng và định hướng chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, phải được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, với phương châm "làm từ trên xuống dưới", "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin một số kết quả chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng (dự kiến sẽ diễn ra trong quý 1/2026). Đây sẽ là kỳ đại hội đánh dấu khởi điểm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng...

Tiếp đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khái quát những kết quả đạt được trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, và nhấn mạnh: Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân năm 1975, quân đội và công an đã phối hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc; tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường trên nhiều mặt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc.

Quân đội nhân dân và công an nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa". Có đối sách, giải pháp phù hợp, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, quân đội phối hợp công an kịp thời có mặt trên tuyến đầu, ở những nơi xung yếu giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm, cứu nạn, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Điển hình trong đại dịch Covid-19 và siêu bão Yagi, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, dân quân tự vệ và công an đã không quản gian khổ, hiểm nguy kịp thời cứu tính mạng, tài sản của dân, giúp dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân rất trân trọng, cảm phục và đánh giá cao; tỏa sáng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an nhân dân thời kỳ mới.

Trong thực hiện nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc, khắc phục thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar và nhiều nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, an ninh quan trọng khác, các cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quân đội, công an và đất nước trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tướng lĩnh tham gia chiếndịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt

ẢNH: MAI THANH HẢI

Một số định hướng phát triển đất nước

Về một số định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ. Thứ hai, tăng cường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh, gọn bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 121 về tổng kết Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII; Kết luận số 126 ngày về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thứ tư, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 193 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh phong trào "Bình dân học vụ số", phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho mọi tầng lớp Nhân dân.

Thứ năm, đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Thứ sáu, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ bảy, về kinh tế, đây là trụ cột nền tảng quyết định thành công của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Yêu cầu đặt ra phải có bước đột phá, táo bạo, đi tắt, đón đầu, đúng với phương châm chỉ đạo của chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa, đó là: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo báo, táo bạo hơn nữa; xốc tới mặt trận, quyết chiến và toàn thắng".

Năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên và hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Điều này đòi hỏi phải triển khai tổng thể các giải pháp, phải có quyết tâm chính trị lớn, hành động quyết liệt, giải phóng tối đa nguồn lực trong dân, trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; cần nhận thức thấu suốt về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước, xóa bỏ định kiến, không sợ kinh tế tư nhân phát triển sẽ làm chệch hướng XHCN...

Đồng thời, gắn chặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với thực hiện tốt các mục tiêu chăm lo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.


Nguồn: https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-to-lam-gap-mat-dai-bieu-tuong-linh-tham-gia-chien-dich-ho-chi-minh-185250421183658116.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm