Ngân sách hạn hẹp, nhân lực thiếu
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BVMT trên địa bàn được UBND tỉnh chỉ rõ. Cụ thể, so với năm 2022, một số chỉ tiêu BVMT đến năm 2024 tăng chậm, như: tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; tỷ lệ điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật được lập dự án xử lý (44,8%); tỷ lệ cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (năm 2022, 2023 là 80%, 2024 là 88,9%); tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (năm 2022 là 39%, năm 2023, 2024 là 40%)…
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng, còn những bất cập, như: bãi rác chưa bảo đảm về khoảng cách; chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp; còn nhiều bãi rác tự phát... Nhiều dự án thu hút đầu tư cơ sở xử lý rác thải chỉ mới dừng lại ở chủ trương đầu tư mà chưa được xây dựng hoặc triển khai rất chậm; một số dự án triển khai quy mô và công nghệ chưa phù hợp thực tế…

Thực trạng trên, bên cạnh do ngân sách hạn hẹp, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác BVMT còn hạn chế; doanh nghiệp, người dân chưa nhận thức được tính bền vững, tầm quan trọng của BVMT đối với hoạt động đầu tư… còn do nhân lực cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn thiếu. Cụ thể, cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện đa số còn kiêm nhiệm (phần lớn mỗi huyện chỉ có một cán bộ). Còn đối với cấp xã, trung bình mỗi xã có 2-3 công chức được tuyển dụng theo chức danh địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường phụ trách cùng lúc các lĩnh vực... Do đó, việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo xử lý các vấn đề môi trường tại địa phương còn nhiều hạn chế.
Tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra
Từ thực tiễn địa phương, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp đối với công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về BVMT; hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn quy trình thực hiện, quản lý các đề tài, đề án về BVMT sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp BVMT... Đồng thời, ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình, kỹ thuật thực hiện cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, bảo đảm yêu cầu về BVMT...
Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ các địa phương tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí Trung ương cho hoạt động BVMT. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước tại các địa phương; tạo điều kiện cho cán bộ của tỉnh, thành phố tham gia các chương trình, dự án về BVMT để nâng cao trình độ quản lý của cán bộ cơ sở...
Trước yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Nghệ An xác định rõ thời gian tới là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT theo hướng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng trong BVMT, hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ có thời hạn và các nhiệm vụ gắn với thực hiện mục tiêu BVMT đến năm 2025 tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 2.3.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt khi cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án và thẩm định các hồ sơ môi trường...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ gắn với thực hiện mục tiêu BVMT; ưu tiên xây dựng hạ tầng xử lý rác thải, nước sạch, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm người dân, doanh nghiệp, đơn vị trong thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra công tác BVMT đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề... Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các quy định về BVMT và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Thị Minh Sinh đề nghị UBND tỉnh, các ngành, đơn vị trên địa bàn quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đặc biệt, UBND tỉnh cần quan tâm việc phân loại xử lý rác thải sinh hoạt; bố trí kinh phí, chú trọng công tác tuyên truyền việc phân loại rác thải trong các khu dân cư…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-tang-cuong-thuc-thi-phap-luat-de-phat-trien-ben-vung-post410114.html
Bình luận (0)