Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 19 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 117,7 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 14; di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20-25km/giờ, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220km về phía đông.
Đến tối 21/7, bão có thể đạt cấp 10-11, giật cấp 13 trên vùng biển phía bắc vịnh Bắc Bộ và chuyển hướng tây tây nam, tốc độ 15 km/giờ, sau đó, khoảng 19 giờ, ngày 22/7, bão số 3 sẽ vào đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa với cường độ khoảng cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5-10km và tiếp tục suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao 5-7m. Biển động dữ dội.
Từ ngày 21/7, vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Cát Bà) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm 3-5m. Biển động dữ dội.
Từ chiều 21/7, vùng biển nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m. Biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn nên cần đặc biệt lưu ý an toàn.
Tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ngày 19/7, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định bão số 3 có quỹ đạo tương tự bão Yagi trước đó, cường độ có thể không mạnh bằng nhưng nguy cơ gây mưa lớn diện rộng cho Bắc Bộ.
Trong công điện khẩn về việc ứng phó với bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo:
Đối với khu vực vùng núi (trong đó có tỉnh Lào Cai - pv) cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo chính quyền cấp xã thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kiểm tra, rà soát xung quanh nơi ở để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm;
Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướngdẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra sạt lở;
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, thủy lợi nhỏ, hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Thường xuyên theo dõi thông tin từ các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương về diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Nguồn: https://baolaocai.vn/bao-so-3-dang-manh-len-cap-10-11-giat-cap-14-tren-bien-dong-post649236.html
Bình luận (0)