Đơn thuốc viết tay khó đọc chính xác
Theo ghi nhận từ các bệnh viện lớn, hàng ngàn đơn thuốc được kê/ngày. Bệnh viện hạng đặc biệt, cao điểm có thể đến 7.000 - 8.000 đơn thuốc/ngày.
Phản ánh từ một số người bệnh cho biết, đơn thuốc ghi tay có thể khó đọc hoặc không thể đọc được nếu bác sĩ viết vội, nét chữ không đầy đủ.
Một đơn thuốc ghi tay mà người bệnh rất khó có thể đọc đúng
ẢNH: NAM SƠN
Chia sẻ về thực tế đã gặp, chị Nguyệt (39 tuổi, ở Hà Nội), cho biết trong lần đi khám lại sau mổ, chị được bác sĩ kê đơn thuốc. Cầm đơn trên tay, sau khi cố gắng suy luận, chị đọc được dòng cuối với chẩn đoán "sau mổ ổn định", nhưng 3 dòng kê đơn thuốc và liều dùng thì chị không thể đọc được.
"Có lẽ do có rất nhiều bệnh nhân ngồi chờ tới lượt được bác sĩ khám, nên bác sĩ phải ghi đơn nhanh nhất. Và có thể, bác sĩ cho rằng người bán thuốc sẽ luận ra được, lấy thuốc và hướng dẫn cho bệnh nhân như chúng tôi", chị Nguyệt phỏng đoán.
Theo chị Nguyệt, với đơn thuốc khó đọc, chị cũng mua được đầy đủ khi đến nhà thuốc.
"Nhưng tôi vẫn có chút thấp thỏm, vì không biết chắc chắn thuốc mua có đúng với thuốc đã kê không, bởi bác sĩ mới hiểu rõ nhất. Chỉ khi uống thấy sức khỏe được cải thiện thì mới yên tâm", chị Nguyệt chia sẻ.
Vẫn theo chị Nguyệt, gần đây hầu hết bệnh viện ở Hà Nội đã có đơn trên máy tính rất rõ ràng, và lưu đơn. Cách này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế, tránh nhầm lẫn cho người bệnh.
Gặp tình huống tương tự chị Nguyệt, anh Thành (30 tuổi) ở Q.Đống Đa cho hay đơn thuốc "chữ xấu" mà anh được bác sĩ tại Hà Nội kê là khi anh đi khám do bị đau tay do chơi thể thao.
"Sau khi khám và qua kết quả chụp, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh, tư vấn cho tôi về tình trạng sức khỏe, ghi chẩn đoán trong y bạ cùng với đơn thuốc", anh Thành cho biết.
Theo anh Thành, khi tới nhà thuốc anh chỉ có thể luận được chẩn đoán của bác sĩ là chấn thương thể thao với dòng ghi tắt: "CT thể thao". Còn chữ ghi hàm lượng "16 mg", mà trong đơn ghi, anh Thành đọc ra ...167.
"Còn tên thuốc thì tôi không đọc được, ngoài dòng chữ "20 v", mà theo tôi hiểu là, số lượng cần mua 20 viên, nhưng không biết là thuốc gì. Rất may, liên lạc lại với bác sĩ, tôi đã được nhận được đơn rõ ràng, đọc được đầy đủ về tên thuốc, hàm lượng, liều dùng", anh Thành cười nói.
Đơn thuốc điện tử minh bạch nhưng chậm tiến độ
Một chuyên gia cho hay, hiện có gần 250 thuốc trong danh mục thuốc không kê đơn, trong số khoảng 20.000 thuốc được cấp số đăng ký. Như vậy, rất nhiều thuốc phải kê đơn. Bộ Y tế đã có quy định về kê đơn thuốc điện tử, liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia để giám sát được việc hành nghề kê đơn của mỗi bác sĩ, đảm bảo tính minh bạch, chính xác.
Trên mỗi đơn thuốc điện tử, cơ quan quản lý luôn truy xuất được thông tin chi tiết nguồn gốc đơn; xem được thông tin chi tiết của từng bác sĩ kê đơn, tài liệu chứng chỉ hành nghề, cơ sở hoạt động… Từ đó đảm bảo đơn thuốc phát sinh ra từ cơ sở là đúng, đủ, chính xác, đúng thẩm quyền hành nghề cũng như có công cụ tra cứu truy vết các hình thức kê đơn không phù hợp.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay, tại cuộc họp hôm nay 14.4, ban soạn thảo thông tư về kê đơn thuốc ngoại trú đề xuất thời hạn cuối phải thực hiện đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia là 30.9.2025, áp dụng với các đơn vị có giường bệnh. Hạn cuối 31.12.2025 với tất cả các cơ sở y tế khác, trong đó có các nhà thuốc, các phòng khám tư nhân.
Trước đó, Bộ Y tế đã có quy định hạn hoàn thành đơn thuốc điện tử với các cơ sở điều trị là 30.6.2023.
Theo thống kê mới nhất của Hội Tin học y tế Việt Nam, hiện chỉ có 59% các bệnh viện thực hiện kê đơn điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia.
Với các trạm y tế, tỷ lệ này đạt 77%. Khu vực y tế tư nhân (các phòng khám đa khoa, chuyên khoa) có tỷ lệ thấp nhất, chưa đến 20% đã thực hiện.
Nguồn: https://thanhnien.vn/benh-nhan-ban-loan-khi-doc-don-thuoc-viet-tay-185250414191012982.htm
Bình luận (0)