KỶ NIỆM 70 NĂM CÁN BỘ, CHIẾN SĨ VÀ ÐỒNG BÀO TẬP KẾT RA BẮC TẠI QUY NHƠN (16.5.1955 - 16.5.2025):
Theo đánh giá trong tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1945 - 1954), việc tập kết lực lượng vũ trang và cán bộ chính trị ra miền Bắc là một nội dung trọng yếu trong quá trình thực hiện Hiệp định Giơnevơ - nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Liên khu V. Tỉnh Bình Định được chọn là địa bàn tập kết trong 300 ngày và Cảng Quy Nhơn trở thành điểm chuyển quân duy nhất để đưa các lực lượng từ khắp Liên khu V ra Bắc.
300 ngày ghi dấu lịch sử
Lực lượng tập kết rất đông đảo, gồm toàn bộ bộ đội chủ lực, phần lớn cán bộ các cấp, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, con em cán bộ và học sinh được gửi ra Bắc học tập theo diện tự túc. Ngoài ra, còn có các gia đình đồng bào quê gốc miền Bắc xin hồi hương. Riêng tỉnh Bình Định có khoảng 10.700 người đi tập kết.
Người dân Quy Nhơn xuống đường tiễn người thân tập kết ra Bắc. Ảnh: Tư liệu đang trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh |
Theo tập sách Phụ nữ Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), vào cuối năm 1954, đầu năm 1955 - khi bộ đội từ các chiến trường trở về đồng bằng để chuẩn bị tập kết - bà con nhân dân, đặc biệt là các mẹ, các chị, đã hết lòng giúp đỡ. Họ góp tre nứa dựng lán trại, quyên góp lương thực, chăm sóc sức khỏe bộ đội như người thân.
Nhiều địa phương tổ chức các cuộc mít tinh tạm biệt đầy xúc động. Tại đầu cầu Bồng Sơn (Hoài Nhơn), một cuộc mít tinh với hàng nghìn người, phần lớn là phụ nữ, đã được tổ chức để chia tay bộ đội. Một cuộc mít tinh lớn khác diễn ra tại sân vận động Quy Nhơn - trở thành dấu son cảm động trong ký ức của những người từng chứng kiến cuộc chuyển quân lịch sử năm xưa.
Trong hồ sơ di tích “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc” của Bảo tàng tỉnh, có ghi rõ: Thị ủy và Ủy ban Hành chính TX Quy Nhơn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm ANTT trong khu vực. Lực lượng du kích phối hợp cùng bộ đội tổ chức bố phòng chặt chẽ dọc ven biển và các xã như Phước Hải, Phước Châu, luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tại nội thị, các tổ chức như ban quân quản, tổ giám sát, tổ kiểm soát của Ủy ban Quốc tế cũng được thành lập, phối hợp hoạt động nhịp nhàng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khu vực.
Di tích Địa điểm chuyển quân tập kết ra miền Bắc tại TP Quy Nhơn. Ảnh:H.THU |
Sau khi trải qua nhiều thử thách, đã hoàn thành việc tập kết ra Bắc tại tỉnh Bình Định theo đúng kế hoạch. Ngày 16.5.1955, chuyến tàu cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn, chính thức khép lại trang sử 300 ngày (thực hiện chuyển quân tập kết từ ngày 20.7.1954).
Trong ký ức sống của những “hạt giống đỏ”
Trong dòng người tập kết năm ấy có một cậu bé mới 9 tuổi - Nguyễn Tấn Hiểu, quê ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn; hiện sinh sống tại phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), về sau, ông trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
“Là con trai Chủ tịch Nông hội huyện Hoài Nhơn, tôi được đi tập kết ra Bắc vào năm 1954. Trong buổi chia tay ở lớp 1 trường làng, thầy tôi nói với cả lớp: “Các em đứng dậy tiễn bạn Hiểu ra Bắc học tập, được gặp Bác Hồ. Chúc em Hiểu học tập tốt để sau này về xây dựng quê hương’”, ông Hiểu xúc động nhớ lại.
Ngày lên đường, cha mẹ chuẩn bị cho cậu con trai nhỏ một bộ áo quần lành lặn, một chiếc xà cột đựng gạo, một ống lương khô và ống tre đựng nước. Cha chở con từ nhà ra đến bờ Bắc sông Lại Giang (nay thuộc phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn), rồi đứng trên bờ dõi theo bóng con xuống đò qua bờ Nam.
Theo lời cha dặn, cậu bé Hiểu một mình đi bộ men theo quốc lộ, đến chiều tối được các điểm kết nối đón người đi tập kết hướng dẫn vào nhà dân nghỉ ngơi, đến sáng hôm sau tiếp tục lên đường. “Tại Quy Nhơn, thiếu nhi từ nhiều nơi được tổ chức thành các đoàn. Mỗi đoàn có một anh học sinh lớn tuổi hơn, cũng là người đi tập kết, phụ trách dẫn các em xuống tàu cùng đi và hỗ trợ các em khi mới đến miền Bắc”, ông Hiểu kể.
Trường học sinh miền Nam số 6 tại TP Hải Phòng năm 1964. Ảnh: XUÂN MAI |
Đã 70 năm trôi qua, nhà thơ, nhà báo Bùi Thị Xuân Mai (SN 1948, quê ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh; hiện sinh sống tại phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) vẫn không nguôi xúc động mỗi khi nhớ lại ký ức tuổi thơ: “Đầu năm 1955, tôi vẫn còn là một cô bé nhỏ xíu, tóc bum bê theo má tập kết ra Bắc. Tàu Ba Lan cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa) giữa tiết trời căm căm rét buốt. Bà con đón tiếp ân tình lắm… Hai má con được đưa về sống cùng một gia đình, có cụ già mọi người gọi là bà bủ. Má con tôi được bà nhường cho chiếc ổ rơm chống rét…”
Theo bà Mai, các học sinh miền Nam sau đó được đưa về học ở các trường nội trú ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc như Thanh Hóa, Hà Đông, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc… nhưng đông nhất là ở Hải Phòng.
Bà Mai khắc ghi trong tim kỷ niệm vào tháng 1.1963, khi Bác Hồ về thăm các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng: “Bác căn dặn chúng tôi phải cố gắng học giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, là hạt giống đỏ của miền Nam trên đất Bắc. Người còn nhắc thầy cô phải chăm lo nhiều hơn cho các cháu, vì các cháu thiếu tình thương của cha mẹ…”
Theo ông Hiểu, phần lớn học sinh miền Nam tập kết đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, học vấn còn hạn chế. Nhờ Đảng, Bác Hồ rất quan tâm, các học sinh sau khi được ra Bắc học tập hầu hết đều tốt nghiệp đại học, nhiều người sau này trở thành nhà khoa học đầu ngành của đất nước. Riêng tỉnh Bình Định, theo thống kê trong sách Tiến sĩ Bình Định hiện đại của hai tác giả Nguyễn Phu - Nguyễn Thiều (xuất bản năm 2007), có gần 300 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư trưởng thành từ lớp học sinh miền Nam được đào tạo ở miền Bắc.
“Được tập kết ra Bắc là cơ hội đổi đời. Chúng tôi được học hành bài bản, không ngừng quyết tâm rèn luyện để sau đó trở thành những người góp phần vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, ngày 16.5.2025, Tỉnh ủy sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc tại Bình Định, nhân 70 năm diễn ra sự kiện này. Hội thảo tập trung vào các vấn đề sau: Khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định chuyển cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, chuẩn bị lực lượng quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất và xây dựng đất nước. Đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh qua sự kiện lịch sử trên. Tri ân, tôn vinh những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực tự cường dân tộc.
HOÀI THU
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355192
Bình luận (0)