Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảm xúc đọng lại sau đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

(Dân trí) - Biển người hát xuyên đêm trên đường Lê Lợi, ánh mắt ngỡ ngàng xen lẫn thích thú từ khách nước ngoài... đại lễ 30/4 tại TPHCM đã để lại ấn tượng đẹp sau nhiều ngày các lực lượng khổ công chuẩn bị.

Báo Dân tríBáo Dân trí30/04/2025

1.webp

Clement Lormeteau (40 tuổi, đến từ Pháp) cùng vợ và 2 con nhỏ đã định chỉ ở lại TPHCM 2 ngày trong chuyến du lịch qua nhiều nước Đông Nam Á. Thế rồi khi từ Campuchia đến TPHCM bằng đường bộ, vị khách thấy những tấm biển lớn ghi ngày 30/4 ở khắp mọi nơi.

"Khi đó, tôi nghĩ trong đời mình chắc hẳn sẽ còn quay lại Việt Nam, nhưng gặp được đúng dịp kỷ niệm 50 năm thì không thể", Lormeteau nói.

Người đàn ông Pháp đã quyết định kéo dài thời gian lưu trú tại TPHCM lên 5 ngày, để rồi nán lại thành phố xem pháo hoa, trình diễn drone..., và đến sáng 30/4 là lễ diễu binh cấp Nhà nước.

Hàng triệu gương mặt người Việt Nam hào hứng, toát lên niềm tự hào, hạnh phúc và chắc chắn sẽ là cảm xúc khó quên.

2.webp

Người dân tay cầm cờ, liên tục hò reo, hát vang (Ảnh: Anh Khoa).

Hòa niềm vui chung xuyên đêm

Chiều đến tối 29/4, tuyến phố Lê Lợi (quận 1) chứng kiến sự lấp đầy nhanh chóng của một biển người ùn ùn đổ về. Một tập hợp của những người dân địa phương, khách du lịch, các cựu chiến binh và những người có phận sự như cảnh sát, an ninh, báo chí... 

Lực lượng chức năng vạch ra ranh giới tuyến đường đoàn diễu binh sẽ đi qua. Người dân nhanh chóng tụ lại ngay sát ranh giới đó. Những người đầu tiên đã có mặt để "xí" chỗ từ chiều 29/4.

3.webp

Biển người tại giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Trương Xuân Tình (69 tuổi), một cựu chiến binh từ Hà Nội, đã đi máy bay cùng vợ vào TPHCM để dự đại lễ 30/4. Ông cũng chọn ngồi ở vỉa hè từ đêm trước, ước tính 12 tiếng đồng hồ chờ đợi trước khi đại lễ bắt đầu.

Ông Tình chia sẻ cha mình là chiến sĩ Điện Biên Phủ, anh trai ông chiến đấu và hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến lượt ông tham gia bảo vệ Tổ quốc tại biên giới Cao Bằng vào năm 1979. Ông coi chuyến đi vào TPHCM lần này như dịp để nhìn ngắm hòa bình của đất nước.

"50 năm sau các bạn còn có thể quay lại được, còn 50 năm sau tôi ở chỗ khác rồi", người lính già cất giọng hóm hỉnh giữa đám đông thanh niên, khiến nhiều người bật cười. Rồi như một nỗ lực kết nối thế hệ, ông Tình bắt nhịp bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Tiếng hát bắt đầu từ vài người rồi lan ra cả đám đông. Tiếng vỗ tay cũng rộ lên theo. Họ dành cho người lính già cái nhìn trìu mến và kính trọng. Không chỉ riêng ông, sự xuất hiện của bất cứ người lớn tuổi mặc áo lính nào cũng được đám đông chào đón nồng nhiệt.

4.webp

Cựu chiến binh Trương Xuân Tình tại đường Lê Lợi (Ảnh: Ngọc Tân).

Mọi người tặng nước hoặc mời các cựu chiến binh một ly cà phê, nhường cho các bậc lão thành những vị trí đẹp để quan sát đoàn diễu binh. "Bác thấy hòa bình có đẹp không ạ?", một cô gái cất tiếng hỏi và ông Tỉnh bật cười gật đầu.

"Em cảm thấy rất biết ơn các anh hùng liệt sỹ, các cựu chiến binh đã hy sinh tuổi thanh xuân và cuộc sống của mình để giành được hòa bình cho thế hệ sau. Em thấy rất tự hào và biết ơn. Hy vọng sau này, thế hệ sau nữa cũng có cảm xúc như em đang có", Cao Thị Bích Ngọc (sinh viên năm 3 Đại học Y dược TPHCM) chia sẻ với phóng viên.

Khi bình minh của ngày 30/4 ló rạng trên chóp của một tòa cao ốc, Bích Ngọc cuối cùng cũng được chứng kiến điều cô mong chờ nhất. Dàn tiêm kích SU-30MK2 bay cắt qua bầu trời. Hai tốp máy bay sau cùng thả bẫy mồi nhiệt, tạo ra một cảnh tượng ngoạn mục.

Lát sau, giọng Bích Ngọc lạc đi cùng những tiếng hú hét phấn khích khi các khối diễu binh đi qua đường Lê Lợi. "Em đã đi xem diễu binh 3 lần rồi, cả sơ duyệt và tổng duyệt, đến hôm chính lễ mới được đứng gần các khối diễu binh đến vậy", nữ sinh hồ hởi chia sẻ.

5.webp

Lực lượng diễu binh đi trong vòng tay nhân dân (Ảnh: Bảo Quyên).

Ngỡ ngàng hình ảnh Việt Nam

Khi dàn máy bay biểu diễn trên không, Arthur, cậu con trai 6 tuổi của Clement Lormeteau, được cha cõng trên vai. Cậu đã hỏi cha về mọi thứ, từ những chiếc máy bay đó đến từ đâu, ai lái chúng, khối diễu hành kia có phải hải quân không... cuộc diễu binh này là ký ức đầu đời của cậu nhóc.

"Thật ngỡ ngàng với không khí hôm nay tại TPHCM. Tôi cảm thấy đám đông tận hưởng từng khoảnh khắc. Sự kiện này là một điều thiêng liêng đối với các bạn. Những người lính trong đoàn diễu binh thì thật gần gũi. Tôi bất ngờ nhận ra cả binh sĩ Lào, Campuchia và Trung Quốc cũng tham gia", Lormeteau chia sẻ.

Trong lần đầu tiên đến Việt Nam, TPHCM đã cho vị khách Pháp ấn tượng về "thành phố không ngủ", việc tiếp cận mọi dịch vụ đều thuận lợi bất kể ngày đêm. "Tuy nhiên, thành phố cũng không vì thế mà kém sạch sẽ. Thực sự nhiều thành phố ở châu Âu còn nhiều rác thải hơn nơi này. Mọi người ở đây tôn trọng luật lệ và tôn trọng lẫn nhau", ông nói.

6.webp

Clement Lormeteau và con trai sau khi xem diễu binh (Ảnh: Ngọc Tân).

Đến TPHCM với tư cách khách du lịch, ông Lormeteau cho biết không hề thấy phiền về việc cấm đường để tổ chức diễu binh, thậm chí còn thấy quen thuộc với việc đó. Ở Pháp, vào ngày 14/7 hàng năm, chính phủ cũng cấm đường và diễu binh mừng ngày Quốc khánh.

Theo dõi lễ diễu binh tại TPHCM, điều ấn tượng nhất với vị khách Pháp là hình ảnh máy bay tiêm kích thả đạn mồi nhiệt. Được chứng kiến những tiết mục hoành tráng như vậy vào ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất của Việt Nam là điều tuyệt vời.

7.webp

Màn trình diễn của phi công SU-30MK2 trên bầu trời TPHCM sáng 30/4 (Ảnh: Hải Long).

"Là một người Pháp, tôi cũng quan tâm đến trang sử dài giữa chúng ta. Tôi đã đến thăm Nhà hát thành phố, chợ Bến Thành, tòa nhà UBND thành phố, Nhà thờ Đức Bà... chúng đều là những kiến trúc mà chính quyền thực dân để lại.

Tôi nhận thấy rằng người Việt Nam có thể xóa bỏ tất cả khi những người ngoại bang rời đi, nhưng các bạn đã không làm vậy mà thậm chí còn bảo tồn chúng. Điều đó cho thấy các bạn không oán thù chúng tôi", vị khách chia sẻ. 

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/cam-xuc-dong-lai-sau-dai-le-ky-niem-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-20250430153424098.htm





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm