Những năm qua, văn học Vĩnh Phúc đã có sự phát triển ở tất cả các thể loại. Các nhà văn, nhà thơ cùng tập hợp, sinh hoạt dưới mái nhà chung của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh. Từ năm 2019 - 2024, Chi hội Văn xuôi thuộc Hội VHNT tỉnh có nhiều đóng góp cả về số lượng, chất lượng tác phẩm với 11 đầu sách, trong đó có 3 tập tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn và 2 tập thơ.
Các tác phẩm có sự mở rộng về đề tài và thể loại. Các tác giả mạnh dạn hơn trong ý tưởng, tư duy và bút pháp, điều đó khẳng định sức sáng tạo, tinh thần lao động nghiêm túc, trách nhiệm của đội ngũ nhà văn Vĩnh Phúc. Các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, phản ánh sự phát triển mọi mặt của quê hương Vĩnh Phúc.
Nhiều tác phẩm văn xuôi của hội viên đã đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học với các chủ đề “Vĩnh Phúc chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Vĩnh Phúc vững bước đi lên”, “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu” và một số cuộc thi do Hội Nhà báo, Bộ Công an tổ chức…
Đặc biệt, tác giả Phùng Kim Trọng đoạt giải Khuyến khích giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tiểu thuyết “Lỗi mùa sinh”; tác giả Nguyễn Thị Minh Ánh đoạt nhiều giải thưởng của Bộ Công an và các giải thưởng báo chí; tác giả Hoàng Cúc, Đỗ Hà, Trần Quang Hải đoạt nhiều giải thưởng báo chí của tỉnh....
Trong 5 năm (2019 - 2024), Chi hội Thơ thuộc Hội VHNT tỉnh có 32 tác giả in sách với 47 tập thơ, 1 tập văn thơ, 1 tập tản văn, 2 tập ký, 4 trường ca, 2 tập chính luận. Các tác phẩm phản ánh sinh động đời sống xã hội, tích cực truyên truyền về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay, phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”... Các đề tài về xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa kiểu mẫu được phản ánh khá đậm nét.
Thơ đã có bước tiến cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Điều này thể hiện qua các cuộc thi, các giải thưởng cấp trung ương và địa phương. Từ năm 2019 - 2024, hội viên Chi hội Thơ đã đoạt 1 giải Nhì cuộc thi sáng tác thơ do Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức; 1 giải B cuộc thi “Tổ quốc gọi tên mình” do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch Việt Nam tổ chức; 1 giải C cuộc thi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức; 1 giải B cuộc thi do Hội VHNT tỉnh Cao Bằng tổ chức... Giải thưởng 5 năm về VHNT, hội viên chuyên ngành Thơ đã đoạt 2 giải A, 2 giải B và 7 giải C.
Trung bình mỗi năm, chi hội có khoảng 72 lượt tác giả có bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, có từ 100 - 120 bài thơ của hội viên đăng trên Báo Vĩnh Phúc, nhiều tác phẩm đăng trên các tập san của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, các ngành, huyện, thành phố, các tạp chí...
Để tạo điều kiện cho hội viên phát huy năng lực, sáng tác các tác phẩm chất lượng, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, Chi hội Thơ tổ chức các chuyến đi sáng tác ở trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, chi hội phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam, đưa thơ ca đến gần hơn với công chúng, tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thơ trong và ngoài tỉnh.
Chi hội tổ chức hội thảo thơ với chủ đề “Thơ Vĩnh Phúc từ năm 1997 đến nay và giải pháp nâng cao chất lượng thơ trong thời gian tới”. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, chi hội tham gia dàn dựng, phát sóng chương trình thơ - nhạc “Mừng Đảng, mừng Xuân” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Văn học Vĩnh Phúc luôn bám sát chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực phản ánh thực tiễn sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu gương những điển hình tiên tiến trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa; đồng thời đấu tranh, phê phán, đẩy lùi những cái xấu, cái ác, góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Bạch Nga
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127021/Buoc-chuyen-minh-sinh-dong-cua-van-hoc-Vinh-Phuc
Bình luận (0)