Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cách Canada sống tốt bên cạnh ‘người khổng lồ’

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế30/03/2025

Thuế quan của Tổng thống Donald Trump gần đây và biện pháp đáp trả của Ottawa đang thử thách mối quan hệ láng giềng thân thiết Mỹ-Canada.


Để sống tốt bên ‘người khổng lồ’
Cách tiếp cận thuế quan của Tổng thống Trump gây căng thẳng chưa từng có với mối quan hệ láng giềng Mỹ - Canada. Ảnh minh họa. (Nguồn: TGL.CO)

Mỹ và Canada là những đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Năm 2024, Canada đóng góp gần 13% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, trong đó dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 60%. Ngược lại, hàng hóa từ Mỹ chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu của Canada. Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Canada, trong khi Ottawa giữ vai trò nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho nền kinh tế số một thế giới.

Phụ thuộc lẫn nhau

Ngoài phụ thuộc kinh tế, Mỹ và Canada còn có sự tương đồng về văn hóa, hệ thống pháp lý và chia sẻ nhiều cơ sở hạ tầng, như cảng biển, đường sắt và cầu. Hai nước xây dựng thêm nhiều công trình, như cầu treo Gordie Howe International nối Windsor and Detroit, góp phần đẩy mạnh thương mại song phương khi thông xe trong năm nay.

Theo thống kê, mỗi ngày, khoảng 400.000 người qua lại giữa biên giới hai nước. Người Canada ở phía Tây thậm chí sang Seattle (Mỹ) nhiều hơn là tới Toronto.

Những động thái leo thang căng thẳng “ăn miếng, trả miếng” về thuế quan đang cho thấy rõ sự phức tạp trong quan hệ thương mại, khi cả hai nền kinh tế phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau. Trong một phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Tiff Macklem nhận định, cuộc chiến thuế quan kéo dài giữa Mỹ và Canada có thể khiến GDP của nước này giảm gần 3% và “xóa sạch tăng trưởng” trong trong vòng hai năm.

Một số nhà kinh tế cho rằng, thuế quan trả đũa của Canada làm tình hình thêm tồi tệ, gây áp lực cho nền kinh tế và gia tăng lạm phát, trong khi không có tác dụng nhiều trong việc ngăn động thái của Washington.

Quan hệ sẽ về đâu?

Trong cuộc nói chuyện với Foreign Policy về thuế quan của Tổng thống Mỹ và khả năng gây tổn hại quan hệ kinh tế xuyên biên giới, bà Martine Biron - người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của vùng Quebec ví von rằng - đây là thời điểm kỳ lạ trong quan hệ kinh tế với Mỹ: “Thời tiết u ám. Có những đám mây đen trên bầu trời. Và đã lâu rồi mới có những đám mây đen như thế này”.

Bà Biron chia sẻ, thời điểm này khó khăn, chủ yếu vì mọi thứ đều không chắc chắn, với những “dòng trạng thái” khó xác định từ người đứng đầu Nhà Trắng.

Tuy nhiên, theo bà Martine Biron, người Canada cần tập trung vào thực tế, không phải vào các dòng tweet. Bởi “có những dòng tweet có một tuyên bố, nhưng rồi lại có một tuyên bố khác”.

Trước câu hỏi dự đoán về tương lai, bà vẫn tin tưởng vào mối quan hệ “đồng minh, bạn bè” Mỹ - Canada để tiếp tục kinh doanh trong một môi trường lành mạnh. Bởi họ hợp tác không chỉ vì lợi ích của riêng Canada.

Mặc dù vậy, thật khó để biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngay tại thời điểm này, mối quan hệ thân thiện mà Ottawa vẫn luôn có với người Mỹ đang mang tính giao dịch hơn, lạnh lùng hơn.

Người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế Quebec khẳng định, nếu các biện pháp thuế quan hoặc những hạn chế khác gây áp lực lên quan hệ song phương, cả Mỹ và Canada sẽ phải đối mặt với giai đoạn đầy khó khăn. Bà nhấn mạnh, không ai mong muốn tình trạng lạm phát, thất nghiệp hay suy thoái xảy ra.

Liên minh kinh tế Bắc Mỹ

Không đưa ra dự đoán chắc chắn nào về tương lai quan hệ, bà Martine Biron nhắc đến dự kiến sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) vào năm 2026. Khi đó, ba đối tác quan trọng sẽ ngồi lại để xem điều gì đang xảy ra, Tổng thống Trump muốn gì và có thể quản lý quan hệ đối tác này như thế nào.

Trong khi đó, theo chuyên gia Nouriel Roubini, Giáo sư danh dự của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, Canada, Mexico và Mỹ nên bắt đầu soạn thảo một kế hoạch cho Liên minh kinh tế Bắc Mỹ, để giải quyết những căng thẳng hiện tại.

Hiện tại, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước láng giềng đang căng thẳng, với những yêu cầu từ Tổng thống Trump về việc kiểm soát di cư và chất cấm, cùng những chỉ trích về thặng dư thương mại và chính sách thương mại không công bằng.

Để giảm thiểu những xung đột này, trong bài viết mới đây trên Project Syndicate, GS. Roubini đề xuất xây dựng một liên minh kinh tế Bắc Mỹ không chỉ tự do về thương mại hàng hóa, mà còn các dịch vụ, vốn, lao động và công nghệ.

Điều này sẽ đòi hỏi Mexico và Canada điều chỉnh các chính sách công nghiệp để phù hợp với Mỹ và thống nhất các chính sách thương mại, công nghệ và tài chính. Nhưng GS. Roubini tin rằng, có thể giải quyết cả những căng thẳng thương mại và chính trị hiện nay, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng và phúc lợi của khu vực. Liên minh sẽ tạo ra một thị trường duy nhất về hàng hóa, dịch vụ, lao động, công nghệ, dữ liệu và thông tin, mang lại lợi ích lớn hơn so với các thỏa thuận hiện tại như USMCA.

Liên minh cũng có thể bao gồm việc xây dựng một cơ chế tỷ giá hối đoái cố định và một liên minh tiền tệ, tương tự như Khu vực đồng Euro, giúp giảm căng thẳng từ sự biến động tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, một hệ thống ngân hàng và thị trường vốn chung sẽ hỗ trợ việc chia sẻ rủi ro và quản lý các vấn đề như ma túy và di cư. Trong dài hạn, nếu tất cả các bên đồng thuận, có thể sẽ có một liên minh chính trị tương tự như Liên minh châu Âu (EU).

GS. Nouriel Roubini phân tích, nếu không liên minh như vậy, tiềm năng tăng trưởng của Canada và Mexico sẽ bị hạn chế, trong khi Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế về công nghệ. Trong khi đó, Liên minh kinh tế Bắc Mỹ sẽ tận dụng các lợi thế đặc biệt của từng quốc gia. Canada có tài nguyên thiên nhiên phong phú, Mỹ có công nghệ và nguồn vốn mạnh mẽ, còn Mexico có lực lượng lao động giá rẻ. Một liên minh như vậy không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn giúp khu vực này tăng trưởng bền vững và ổn định hơn.

Nền kinh tế Canada vừa trải qua một năm 2024 đầy khó khăn và tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức phía trước, khi người tiêu dùng thận trọng, doanh nghiệp do dự, chính phủ gặp nhiều hạn chế và thương mại vẫn tiềm ẩn bất ổn.

Trong bối cảnh chính phủ Canada có những thay đổi, ông Justin Trudeau từ chức và tân Thủ tướng Mark Carney kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn vào ngày 28/4, với lý do cần một chính phủ mạnh mẽ hơn để đối phó với mối đe dọa từ Nhà Trắng. Giới quan sát nhận định, cuộc bầu cử trước thời hạn này thực chất là một cuộc trưng cầu dân ý về cách Canada nên ứng phó thế nào với đường lối chính sách đối ngoại của ông Trump.

Canada sẽ đón một chính phủ mới vào mùa Xuân. Hãy xem chính sách đối ngoại nào sẽ được hình thành, chính quyền Tổng thống Trump chào đón chính phủ mới ở Ottawa như thế nào... Hy vọng “thời tiết thuận lợi” và các quyết định sáng suốt từ tân chính phủ sẽ đem lại cho Canada tình hình tươi sáng hơn.



Nguồn: https://baoquocte.vn/cach-canada-song-tot-ben-canh-nguoi-khong-lo-308995.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm