Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Canh tác lúa thông minh, giảm thiểu tác động môi trường

Mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” là một trong những mô hình tiên tiến đang được Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh triển khai cho nông dân thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh27/03/2025

Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa phát thải thấp nhờ nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông Vàm Cỏ. Ảnh: Tâm Giang

Chi phí giảm, năng suất tăng- nông dân được lợi

Những ngày này, nhiều nông hộ - thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) An Bình (ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành) rất phấn khởi, vì cánh đồng lúa phát triển tốt, cây lúa chắc khoẻ, cho năng suất cao.

Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, HTX An Bình triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” (Alternate wetting and drying- AWD) trên 32 ha theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh. Đây là một trong những HTX tiên phong ứng dụng mô hình trong canh tác lúa phát thải thấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Cánh đồng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Luôn- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình cho biết, HTX hiện có 50 thành viên với tổng diện tích sản xuất lúa trên 100 ha. Tưới ướt - khô xen kẽ là mô hình mới nên HTX chỉ làm thử nghiệm khoảng 32 ha. Khi áp dụng mô hình, nông dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chặt chẽ.

Nhờ phương pháp rút và bổ sung nước hợp lý, đất không bị nhiễm phèn, rễ lúa phát triển tốt, cây lúa khoẻ, đẻ nhánh mạnh.

Theo đó, mỗi mùa vụ nước được rút ba lần, mỗi lần rút nước kéo dài khoảng ba ngày, nếu ruộng giữ khô được liên tục trong ba ngày, việc rút nước được xem là thành công. Nông dân có thể xác định thời điểm cấp nước bằng cách theo dõi ống đo mực nước trên ruộng. Khi mực nước xuống thấp hơn 15 cm so với mặt ruộng, nước cần được bổ sung trở lại.

Đây là phương pháp dễ thực hiện, nhờ phương pháp rút và bổ sung nước hợp lý, đất không bị nhiễm phèn, rễ lúa phát triển tốt, cây lúa khoẻ, đẻ nhánh mạnh, bông lúa dài và chắc hạt. Đến giai đoạn thu hoạch, lúa ít bị đổ ngã, tránh được thất thoát sau thu hoạch.

“Vụ Hè Thu, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến nông mở rộng, vận động các thành viên tham gia mô hình đầu tư cánh đồng mẫu lớn, để giảm chi phí, nông dân có thêm thu nhập cao”- ông Nguyễn Văn Luôn nói.

 

Chuẩn bị thu hoạch hơn 1 ha lúa OM 5451 nhờ áp dụng mô hình AWD, ông Nguyễn Văn Mẫn (67 tuổi, ấp Thanh Bình, xã An Bình) phấn khởi cho biết, so với cách làm truyền thống, mô hình này có hiệu quả hơn nhiều.

“Cách làm dễ chứ không khó, vừa tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí mà năng suất lúa tăng hơn khoảng 10% - 20%. Vụ Đông Xuân này tôi làm rất đạt, bình quân trên dưới 8 tấn/ha. Nếu làm không đúng bài bản thì đạt khoảng hơn 7 tấn/ha”- ông Mẫn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Mẫn phấn khởi khi áp dụng mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” trên cánh đồng ruộng hơn 1 ha của mình.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Lành (40 tuổi, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình) chuẩn bị cho vụ thu hoạch 1,2 ha lúa của gia đình, qua thực hiện mô hình, theo giai đoạn cây lúa phát triển tốt mà không cần ngập nước, năng suất vượt trội.

Anh Lành cho biết, thay vì phải giữ nước trên mặt ruộng suốt quá trình canh tác theo phương pháp truyền thống, chi phí trung bình mỗi ha khoảng 15 triệu đồng, khi áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ, chi phí giảm xuống còn khoảng 10 triệu đồng/ha, nông dân được hưởng lợi khoảng 5 triệu đồng/ha.

Cánh đồng 32 ha thử nghiệm mô hình AWD của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Bình chuẩn bị vào vụ thu hoạch Đông Xuân 2024-2025.

“Hiện giá lúa đang giảm, dao động từ 5.500 đồng-6.100 đồng/kg, tuỳ theo giống lúa, thấp hơn cùng kỳ 1.000 đồng-1.500 đồng/kg, nhưng với cách làm này, chúng tôi vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm khoảng 40% lượng nước sử dụng, trong khi năng suất tăng hơn 15%, như vậy nông dân vẫn có lợi nhuận tốt”- anh Lành phấn khởi nói.

Bằng phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ, đồng ruộng vừa tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tăng hơn khoảng 10%-20%.

Góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới tín chỉ carbon

Tưới ướt - khô xen kẽ là một kỹ thuật quản lý nước thông qua việc để ruộng ngập nước và khô xen kẽ định kỳ. Đây là phương pháp quan trọng trong việc cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính trong khi vẫn duy trì năng suất trong thâm canh lúa. Theo Trung tâm Khuyến nông, dù giá lúa đang trong giai đoạn giảm sâu, nhưng với phương pháp AWD, không chỉ giảm được số lần bơm nước vào đồng ruộng và chi phí sản xuất mà còn ít bị sâu bệnh, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Nông dân thực hiện phương pháp tháo nước định kỳ trên đồng ruộng.

Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ, mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” là một trong những mô hình tiên tiến đang được Trung tâm triển khai cho nông dân thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước.

Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu khí metan (CH4) thông qua việc làm thông thoáng đất, ngăn chặn sự phân huỷ kỵ khí các chất hữu cơ trong điều kiện ngập nước. Theo ông, đặc điểm của sản xuất lúa nước là đất ruộng thường xuyên ngập nước, dẫn đến quá trình phân huỷ chất hữu cơ trong điều kiện kỵ khí, gây ra khí metan, một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính.

Mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” là một trong những mô hình tiên tiến đang được Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh triển khai cho nông dân.

Tuy nhiên, Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa phát thải thấp nhờ nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông Vàm Cỏ, hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La và hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, giúp kiểm soát tốt lượng nước và giảm thiểu phát thải.

“Hiện nay, hầu hết hệ thống kênh mương thuỷ lợi đã được bê tông hoá, bảo đảm cung cấp nước kịp thời trong mùa vụ, giúp nông dân chủ động trong canh tác mà không lo thiếu nước. Trong khi Nhà nước hỗ trợ chi phí sử dụng nước tưới nên nông dân rất thuận lợi khi áp dụng phương pháp này”- ông Tùng nói.

Với hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, nông dân dễ dàng kiểm soát tốt lượng nước và giảm thiểu phát thải.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, diện tích gieo trồng lúa hàng năm của tỉnh đạt khoảng 145.000 ha/3 vụ, năng suất bình quân khoảng 5,6 tấn/ha/vụ. Năm 2024, sản lượng lúa của tỉnh đạt 821.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm cụ thể hoá và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về tăng cường quản lý phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, bảo đảm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Tây Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa thành các giống lúa chất lượng cao, sản xuất theo quy trình giảm phát thải, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao giá trị thu nhập từ hạt lúa.

Tây Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa thành các giống lúa chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, để hiện thực hoá mục tiêu này, không chỉ cần có sự đầu tư của ngành Nông nghiệp mà còn đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực từ phía người nông dân. Song song đó, hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng thuỷ lợi cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ hiệu quả.

“Đây là mục tiêu bền vững, tạo điều kiện để lúa gạo Tây Ninh không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế với thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, đào tạo kỹ năng kinh tế nông nghiệp cho nông dân là yếu tố quan trọng giúp họ tự tin hơn trong quản lý, tính toán chi phí và lợi nhuận một cách khoa học, hiệu quả, chất lượng sản phẩm lúa gạo được nâng cao, người nông dân tăng thu nhập, khẳng định vị thế của ngành lúa gạo trên thị trường”- ông Nguyễn Đình Xuân cho biết.

Tây Ninh đang kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà khoa học và tổ chức quốc tế để tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các phương án khả thi giúp địa phương tiến nhanh và vững chắc trong việc đạt được tăng trưởng xanh và phát thải thấp. Hy vọng rằng, với những giải pháp cụ thể và sự đồng lòng của toàn ngành, Tây Ninh sẽ xây dựng thành công ngành lúa gạo bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh

Ông cho biết thêm, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành hàng lúa gạo, mới đây, công ty Thanks Carbon, một khởi nghiệp về công nghệ khí hậu đến từ Hàn Quốc, đã quyết định phối hợp với tỉnh Tây Ninh để thực hiện và triển khai đề án giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Tâm Giang

Nguồn: https://baotayninh.vn/canh-tac-lua-thong-minh-giam-thieu-tac-dong-moi-truong-a188059.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm