Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

CEO của Công ty CP Eco Technology 2A Nguyễn Công Ấn: Ứng dụng công nghệ không còn là tùy chọn mà là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu vào châu Âu

Hiện nay, nhiều thị trường trên thế giới yêu cầu cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu. Trong đó, thị trường châu Âu ngày càng đòi hỏi cao đối với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là việc coi trọng các yếu tố về sản xuất xanh, sản phẩm bảo vệ môi trường. Một trong số đó là quy định hàng hóa không đến từ vùng đất phá rừng hoặc gây ra suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR) của Liên minh châu Âu (EU).

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai03/05/2025

 Ông Nguyễn Công Ấn chia sẻ tại khóa tập huấn Tăng cường năng lực thích ứng với quy định chống mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) diễn ra tại Đồng Nai vào đầu tháng 4-2025. Anh3:H.Quân
 Ông Nguyễn Công Ấn chia sẻ tại khóa tập huấn Tăng cường năng lực thích ứng với quy định chống mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) diễn ra tại Đồng Nai vào đầu tháng 4-2025. Ảnh: H.Quân

Phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN CÔNG ẤN, CEO của Công ty CP Eco Technology 2A (thành phố Biên Hòa). Đây là công ty cung cấp các giải pháp về công nghệ giúp các doanh nghiệp trong ngành cao su, cà phê, gỗ và các đơn vị liên quan tuân thủ quy định EUDR của EU.

EUDR mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu

  Thưa ông, quy định EUDR yêu cầu những tiêu chí nào mà doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần lưu ý?

- Quy định của EU về sản xuất hàng hóa không đến từ vùng đất phá rừng hoặc gây ra suy thoái rừng (EUDR) được ban hành vào tháng 6-2023. Mục tiêu của EUDR là ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng, đóng góp vào bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Theo đó, các hàng hóa nông nghiệp thương mại tại thị trường EU sẽ phải đáp ứng và chứng minh các yêu cầu đối với hàng hóa vào thị trường EU về nguồn gốc không đến từ vùng đất gây mất rừng và suy thoái rừng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ông NGUYỄN CÔNG ẤN chia sẻ, trong thời gian tới, EcoTech 2A sẽ sớm phối hợp cùng Sở Khoa học và công nghệ cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan tại Đồng Nai để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh sẵn sàng thích ứng với quy định EUDR.

EUDR quy định 7 ngành hàng thương mại tại EU sẽ bị kiểm soát gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, cà phê, ca cao, thịt bò, cọ dầu và đậu tương. Đối với Việt Nam, 3 ngành hàng: cà phê, cao su, gỗ (có thể sắp tới là ca cao) và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ chịu tác động đáng kể từ quy định của EUDR.

EUDR yêu cầu các sản phẩm như cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm liên quan khi xuất khẩu vào thị trường EU phải chứng minh rằng không gây mất rừng sau ngày 31-12-2020, tuân thủ pháp luật của nước sản xuất và có thể truy xuất nguồn gốc đến vị trí địa lý cụ thể nơi sản phẩm được sản xuất (tọa độ GPS).

  Quy định EUDR sẽ mang lại những thách thức, cơ hội nào đối với các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt cà phê, gỗ và cao su - 3 nhóm mặt hàng quan trọng đang được các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng xuất khẩu sang EU hiện nay?

- Đầu tiên, doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến quy định này. Cụ thể, về đáp ứng truy xuất nguồn gốc đến tận vườn trồng, các doanh nghiệp cần thu thập tọa độ địa lý chính xác của từng lô cà phê, cao su, gỗ nguyên liệu. Việc này đòi hỏi đầu tư vào công nghệ bản đồ (GIS), thiết bị GPS, phần mềm thu thập dữ liệu - điều mà nhiều doanh nghiệp và nông hộ nhỏ vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chứng minh không có lấn rừng sau năm 2020, có hệ thống kiểm tra chồng lấn với bản đồ rừng, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ từ các nguồn như FAO, Sentinel, hoặc dữ liệu của Chính phủ. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống giám sát chuỗi cung ứng, đào tạo người nông dân, cập nhật quy trình kiểm định, kiểm tra định kỳ, lưu trữ dữ liệu... Do đó, chi phí về sản xuất, vận hành sẽ tăng lên để tuân thủ, đáp ứng những quy định nói trên.

Bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cao su và gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu vào thị trường EU. Trong đó, khi tuân thủ EUDR, doanh nghiệp sẽ gia tăng uy tín và năng lực cạnh tranh, tạo được niềm tin với đối tác EU, mở rộng thị phần và có thể bán được giá cao hơn nhờ minh bạch và bền vững.

Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi số và hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Đây là động lực mạnh mẽ để hiện đại hóa hệ thống quản lý, ứng dụng các giải pháp công nghệ như: WebGIS, ứng dụng định vị vườn trồng, hệ thống truy vết sản phẩm bằng QR code, Blockchain...

Ngoài ra, khi đáp ứng EUDR, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các chương trình hỗ trợ quốc tế với các chương trình tài trợ, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để giúp doanh nghiệp nhỏ và nông hộ đáp ứng quy định. Hơn thế nữa, EUDR sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp - nông dân - nhà nước - tổ chức công nghệ, hướng đến chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững.

Phát triển hệ thống truy vết chuỗi hành trình sản xuất

  Giải pháp và ứng dụng truy vết nguồn gốc thích ứng quy định EUDR của Công ty CP Eco Technology 2A (viết tắt là EcoTech 2A) dựa trên những nền tảng nổi bật nào?

- EU đề xuất những nội dung và tiêu chuẩn cần có đối với hồ sơ giải trình (minh chứng), từ đó EcoTech 2A đã phát triển nền tảng đáp ứng tốt nhất khả năng truy vết toàn chuỗi cung ứng từ vườn cây đến thành phẩm cuối cùng và khả năng theo dõi thường xuyên quá trình hình thành sản phẩm thông mã định danh đơn hàng (ví dụ: mã ID đơn hàng, mã QR đại diện) trên hệ thống website.

EcoTech 2A cung ứng giải pháp công nghệ là hệ thống DDS EUDR giúp các doanh nghiệp trong ngành cao su, cà phê, gỗ và các đơn vị liên quan tuân thủ quy định EUDR của EU. Hệ thống hỗ trợ kiểm soát vùng trồng và giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất. DDS EUDR đã được triển khai thành công tại nhiều công ty, góp phần thúc đẩy hợp tác bền vững trong ngành nông sản như cà phê, cao su và gỗ.

  Việc ứng dụng giải pháp này có điểm gì nổi bật và khác biệt so với những giải pháp về công nghệ khác để giúp doanh nghiệp trong nước thích ứng quy định EUDR, kết nối thị trường xuất khẩu sang EU?

- Để đáp ứng tính phù hợp truy vết chuỗi hành trình sản phẩm theo quy định EUDR, EcoTech 2A đã kết hợp hệ thống bản đồ thời gian với ứng dụng quản trị nông nghiệp, quản trị sản xuất và thương mại (nội địa, xuất khẩu) trên cùng nên tảng.

Các tính năng nổi bật của DDS EUDR như: công nghệ định vị nền tảng bản đồ Web-GIS, định vị và theo dõi vùng sản xuất chính xác, minh bạch số lượng và quy trình sản xuất, cho phép khách hàng theo dõi trực tiếp quá trình đơn hàng, cung cấp chuẩn file theo định dạng EUDR, phân quyền đa phòng ban và quản lý dữ liệu, giao diện đa thiết bị và đa nền tảng, tốc độ truy vấn cực nhanh, nâng cao tính bảo mật thông qua hệ thống Cloud Server…

  Các doanh nghiệp xuất khẩu của Đồng Nai cần lưu ý gì trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU, nhất là thích ứng quy định EUDR?

- Đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê, gỗ và cao su sang EU, việc ứng dụng công nghệ không còn là tùy chọn mà là bắt buộc nếu muốn thích ứng quy định EUDR. Doanh nghiệp phải có khả năng truy xuất nguồn gốc đến tọa độ GPS. EUDR yêu cầu định vị chính xác vùng nguyên liệu, doanh nghiệp cần lưu ý sử dụng thiết bị GPS hoặc ứng dụng di động để thu thập vị trí từng lô vườn trồng hoặc khai thác gỗ, cao su, cà phê, ca cao…; lưu trữ dữ liệu dưới dạng có thể kiểm tra được, tích hợp với WebGIS để trực quan hóa và quản lý dữ liệu vùng trồng. Các dữ liệu vị trí cần được đối chiếu với bản đồ rừng sau ngày 31-12-2020 để chứng minh không phá rừng.

Doanh nghiệp cần ứng dụng bản đồ vệ tinh và kiểm tra chồng lấn rừng, kết nối với dữ liệu bản đồ rừng toàn cầu để tự động kiểm tra rủi ro chồng lấn. Doanh nghiệp nên xây dựng quy trình kiểm định vùng nguyên liệu trước khi ký hợp đồng bao tiêu.

  Xin cảm ơn ông!

Hải Quân (thực hiện)

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/ceo-cua-cong-ty-cp-eco-technology-2a-nguyen-cong-an-ung-dung-cong-nghe-khong-con-la-tuy-chon-ma-la-dieu-kien-bat-buoc-de-xuat-khau-vao-chau-au-99708b0/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm