Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Chìa khóa” nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo

(Baothanhhoa.vn) - Là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa hiện đang từng bước khẳng định vị thế trong ngành nông nghiệp với chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo. Không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm sản lượng, tỉnh đang chú trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển thương hiệu và xây dựng chuỗi giá trị bền vững để đưa hạt gạo xứ Thanh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa23/04/2025

“Chìa khóa” nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo

Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo tại Công ty CP Thương mại Sao Khuê.

Với hơn 220.000ha đất canh tác lúa, sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 1,4 triệu tấn, Thanh Hóa từ lâu đã đóng vai trò là “vựa lúa” của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, sản phẩm lúa gạo ở tỉnh chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc lớn vào thương lái và thị trường ngắn hạn. Từ thực tế này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có liên kết với doanh nghiệp và chú trọng chất lượng ngay từ khâu chọn giống, canh tác đến chế biến và tiêu thụ.

Tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), mô hình cánh đồng lớn gần 200ha đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Nông dân tham gia được hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, quy trình canh tác đồng bộ và đặc biệt là cam kết bao tiêu đầu ra với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 300 đến 400 đồng mỗi kg. Ông Lê Văn Cảnh, một nông dân tham gia mô hình, chia sẻ: “Trước đây, gia đình thường loay hoay tìm đầu ra cho lúa, giá cả bấp bênh, nhưng từ khi tham gia sản xuất liên kết, tôi không còn lo chuyện tiêu thụ mà chỉ cần tập trung vào sản xuất lúa đạt chuẩn”.

Một hướng đi quan trọng khác chính là việc chuyển đổi sang các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, tính đến hết năm 2024, diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng cao đã chiếm gần 75% tổng diện tích, tăng đáng kể so với chỉ khoảng 45% năm 2018. Các giống như Bắc Hương 9, Bắc Thịnh, TBR225 hay Thiên Ưu 8 được ưa chuộng bởi khả năng sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh và cho hạt gạo thơm, dẻo, đẹp mắt. Trong đó, giống Bắc Hương 9 đã được Công ty CP Giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao Thanh Hóa đầu tư sản xuất quy mô lớn và phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, giúp định vị lại giá trị của gạo Thanh Hóa trong tâm trí người tiêu dùng.

Song song với việc nâng cao chất lượng, nhiều địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng khôi phục và phát triển thương hiệu gạo đặc sản. Tiêu biểu là mô hình sản xuất gạo nếp cái hoa vàng tại xã Hà Long (Hà Trung), với quyết tâm giữ gìn giống lúa quý, từ năm 2009, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Long đã bắt đầu triển khai trồng thử nghiệm trên diện tích 2,5ha. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt với chân đất thịt nhẹ, ít nước, cùng thời gian sinh trưởng hơn 150 ngày và quy trình canh tác nghiêm ngặt, giống lúa nếp cái hoa vàng đã phát triển ổn định trở lại, cho hạt gạo trắng, tròn, thơm dẻo tự nhiên. Đến nay, HTX đã mở rộng diện tích lên 200ha và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng nông sản.

Đặc biệt, để ổn định đầu ra và nâng cao giá trị thương phẩm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Long đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê và Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng. Mỗi năm, hai doanh nghiệp này tiêu thụ từ 200 đến 300 tấn gạo nếp cái hoa vàng của Hà Long, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất theo quy trình kỹ thuật và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ một sản phẩm tiến vua, nếp cái hoa vàng Hà Long đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao mang thương hiệu “nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang”, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đang là một trong những “chìa khóa” không thể thiếu để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo ở Thanh Hóa. Tại các vùng lúa trọng điểm như Thọ Xuân, Vĩnh Lộc... nhiều HTX đã ứng dụng phần mềm quản lý mùa vụ, sử dụng máy cấy, máy gặt đập liên hợp, hệ thống sấy và bảo quản hiện đại. Nhờ vậy, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm đáng kể, chất lượng hạt gạo được giữ nguyên và có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường cao cấp...

Một “nút thắt” khác đang được tỉnh tập trung tháo gỡ chính là đầu tư vào hạ tầng chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 cơ sở xay xát lúa gạo quy mô vừa và nhỏ, nhưng chỉ khoảng 15 cơ sở đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhận thức được điều này, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hiện đại, có khả năng chế biến sâu, đóng gói bao bì đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Công ty CP Giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao Thanh Hóa và Công ty CP Lương thực Thanh Hóa đang được xem là hai đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này với hệ thống sấy, tách tạp chất, đóng gói tự động hóa, từng bước khẳng định vị thế của gạo xứ Thanh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, một thực tế là dù có tiềm năng lớn, lượng gạo xuất khẩu trực tiếp từ Thanh Hóa hiện chỉ chiếm khoảng 5 - 7% tổng sản lượng toàn tỉnh. Để cải thiện điều này, tỉnh đang xúc tiến xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn GlobalGAP và hữu cơ, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhằm đưa gạo Thanh Hóa đến với thị trường cao cấp như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ...

Từ những kết quả đạt được có thể thấy, “chìa khóa” nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo Thanh Hóa không chỉ đến từ yếu tố sản lượng mà phải dựa trên nền tảng sản xuất quy mô, ứng dụng công nghệ, liên kết chuỗi và phát triển thương hiệu. Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân, hạt gạo xứ Thanh đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chia-khoa-nang-cao-gia-tri-san-pham-lua-gao-246554.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm