Tối ưu hoá nguồn vốn để hỗ trợ nền kinh tế
Từ đầu tháng 4 đến nay, có thêm 3 ngân hàng OCB và MB, VPBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Như vậy, từ sau khi có chỉ đạo của NHNN (cuối tháng 2/2025), đến thời điểm này đã có khoảng 28 NHTM điều chỉnh giảm lãi suất huy động, có ngân hàng giảm nhiều lần. Mức giảm lãi suất của các ngân hàng từ 25/2 tới nay là từ 0,1-1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất nhiều lần trong đó phải kể đến KienlongBank giảm 4 lần lãi suất với mức giảm 0,6-1,05% các kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng (tiền gửi online). Eximbank giảm 7 lần lãi suất với một số chương trình, mức giảm lên tới 0,8%. Một số ngân hàng nhỏ khác giảm lãi suất nhiều kỳ hạn 0,3-0,5% như VietBank, NamABank, VIB, BaoVietBank, BVBank…
Ngân hàng liên tục triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Lãi suất huy động giảm là cơ sở quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tính từ đầu năm, các ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như Agribank đã dành hơn 210 nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ… đến hết năm 2025. Hay như tại LPBank đã triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất chỉ trên 6%/năm, đồng thời rút ngắn thời gian giải ngân. Sacombank triển khai gói 20.000 tỷ đồng cho cá nhân và doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh, mua, xây/sửa nhà, tiêu dùng phục vụ đời sống, với mức lãi suất cạnh tranh chỉ từ 4%/năm.
Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả và trở thành một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến 25/3/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,5% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 0,26%. Đây là tín hiệu khởi sắc, phản ánh hiệu quả các giải pháp điều hành từ NHNN. Đặc biệt, hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng đạt 103% cho thấy nguồn vốn đã được tối ưu hoá để hỗ trợ nền kinh tế.
Giảm lãi suất đối mặt với thách thức mới
Mặc dù xu hướng giảm lãi suất huy động đang tiếp diễn, song giới chuyên môn cho rằng, rất khó để giảm thêm lãi suất trong giai đoạn tới nhất là sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu (136,6 tỷ USD trong năm 2024) và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP. Với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Ước tính xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, có thể lên đến 20- 30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng thị trường. Nếu xuất khẩu của Việt Nam giảm đột ngột, giới chuyên môn nhận định sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, bên cạnh đó còn là dòng vốn FDI có nguy cơ bị chững lại thậm chí rút đi.
Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, áp lực tỷ giá và lạm phát đang tăng sau chính sách mới về thuế quan của Mỹ, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro. Nếu muốn giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, phải cân nhắc rất kỹ về tác động của việc này đối với tỷ giá và lạm phát. Bởi vì lãi suất thấp có thể tác động đến tỷ giá và làm tăng áp lực lạm phát. Dư địa chính sách tiền tệ hiện nay rất hạn chế. Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất không thể giảm thêm nếu không sẽ gây áp lực đối với tỷ giá. “Hiện dư địa điều hành chính sách tiền tệ không phải hạn hẹp mà không còn”, PGS.TS Huân khẳng định.
Ở góc độ ngân hàng cũng lo ngại nếu tiếp tục giảm sâu lãi suất dòng tiền sẽ dịch chuyển ra khỏi hệ thống ngân hàng và đổ vào các kênh đầu tư tài sản khác. Giá đất tăng nóng từ năm ngoái đến nay là cảnh báo rõ nét. Theo kết quả điều tra mới đây của NHNN do Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính thực hiện cho thấy: Các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II/2025 và sẽ tăng nhẹ 0,02%/năm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, tăng 0,17% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống được dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08% trong quý II và cả năm 2025.
Theo công bố mới đây từ NHNN, lãi suất cho vay tiền đồng bình quân của NH đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Con số trên không chỉ phản ánh sự tuân thủ chỉ đạo của NHNN mà còn là nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh hiện tại, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, thay vì tiếp tục giảm lãi suất, Việt Nam cần ưu tiên ổn định vĩ mô, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời tận dụng các công cụ tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chinh-sach-moi-ve-thue-quan-lam-kho-viec-giam-lai-suat-162346.html
Bình luận (0)