TPHCM muốn thu hút doanh nghiệp công nghệ cao

Tại tọa buổi đàm Doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố trong phát triển hạ tầng 2025 tại TPHCM ngày 29/3, các doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thành phố đang triển khai nhiều dự án để quy hoạch trong giai đoạn mới, như hệ thống đường sắt, dự án Cảng quốc tế Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm, dự án công viên ở Củ Chi…  Ông Võ Văn Hoan chia sẻ mong muốn thu hút chủ yếu doanh nghiệp công nghệ ứng dụng, công nghệ cao.

Cũng tại sự kiện, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup đề xuất các giải pháp và chính sách thiết lập khu vực phát thải thấp, mở rộng xe buýt điện trong giao thông công cộng.

Trả lời trước kiến nghị này, ông Võ Văn Hoan đánh giá cao đề xuất và đề nghị Vingroup đẩy nhanh triển khai các nội dung đã bàn với lãnh đạo thành phố như phát triển trạm sạc, chuyển đổi phương tiện… Vingroup đang đầu tư lớn ở Cần Giờ, làm sao xe vào huyện xanh chỉ là xe điện, tàu chạy trong rừng chỉ bằng điện.

Đề xuất khung pháp lý riêng biệt cho khu tài chính toàn cầu

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh đã đề xuất kế hoạch đưa TPHCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Đây không phải là một ước mơ xa vời, mà là cơ hội thực tế, cần thiết cho sự phát triển của thành phố và của cả Việt Nam.

Ông Lê Hồng Minh đưa ra câu chuyện của VNG - một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam được thành lập và phát triển tại TPHCM, là ví dụ sống động cho tiềm năng to lớn của thành phố. Từ một startup nhỏ 5 người, VNG đã phát triển thành công ty có 4.000 nhân viên tại 12 văn phòng khắp châu Á.

IMG_E693F782C7A2 1.jpeg
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG đề xuất kế hoạch đưa TPHCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Ảnh: VNG

Chủ tịch VNG cho rằng, khi định hình TPHCM thành trung tâm tài chính toàn cầu, cần một chiến lược định vị rõ ràng và khác biệt. Thay vì cạnh tranh trực tiếp với Singapore, TPHCM nên phát triển theo hướng bổ sung và hợp tác. 

“Để tạo sự tương thích và hợp tác hiệu quả với Singapore, chúng ta cần học hỏi những điểm mạnh của họ: Tập trung phục vụ thị trường khu vực và toàn cầu, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi với quy định rõ ràng, và thiết lập hệ thống pháp lý hiệu quả”, ông Lê Hồng Minh nói.

Đại diện VNG phân tích tiếp, TPHCM sở hữu những lợi thế độc đáo, khác biệt với Singapore. Đầu tiên là hệ sinh thái nhân tài công nghệ dồi dào và năng động. Mỗi năm, Việt Nam đào tạo hơn 50.000 kỹ sư và sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ với nền tảng giáo dục toán học vững chắc. Điều này tạo nên lực lượng lao động lý tưởng cho việc phát triển các dịch vụ phân tích tài chính và fintech - những lĩnh vực đang định hình tương lai của ngành tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó, TPHCM còn có lợi thế cạnh tranh vượt trội về chi phí nhân lực chuyên nghiệp. Mức lương trung bình trong lĩnh vực tài chính tại TPHCM chỉ bằng khoảng một phần tư so với Singapore (khoảng 20.000 đến 30.000 USD/năm so với 80.000-120.000 USD/năm của Singapore).

Lợi thế chi phí này dự kiến sẽ duy trì trong 15-20 năm tới, tạo cơ hội dài hạn cho sự phát triển bền vững của trung tâm tài chính. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của TPHCM cũng mang tính chiến lược khi là cửa ngõ đến thị trường tiêu dùng 100 triệu dân của Việt Nam và là điểm kết nối tự nhiên giữa Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. 

“Để biến tầm nhìn này thành hiện thực, tôi đề xuất một mô hình đột phá: "Khu Tài chính toàn cầu TPHCM" - một khu vực đặc biệt với khung pháp lý riêng biệt. Khu vực này sẽ hoạt động như một 'khu chế xuất' đặc biệt, phục vụ các công ty hướng đến thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp trong khu vực này sẽ được đối xử tương tự như các công ty nước ngoài không hoạt động tại thị trường Việt Nam, và được miễn trừ khỏi nhiều quy định thông thường của Việt Nam”, ông Lê Hồng Minh nói.

Tuy nhiên, để triển khai được mô hình này cần khung pháp lý chuyên biệt, được thiết kế dựa trên những thông lệ quốc tế tốt nhất, với những chính sách kinh doanh thực sự mở và thuận lợi. Bên cạnh đó, cần xây dựng trung tâm trọng tài quốc tế, chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ kinh doanh chính thức, và áp dụng chế độ thuế, quy trình đăng ký và quy định lao động đặc biệt cho khu vực này.

Chủ tịch VNG nhấn mạnh đến mô hình quản trị hiệu quả là yếu tố then chốt, nên cần thành lập một cơ quan quản lý 'một cửa' với quyền tự chủ cao, chịu trách nhiệm về mọi thủ tục liên quan đến khu tài chính. Cơ quan này sẽ cung cấp dịch vụ một cửa cho tất cả các phê duyệt và được hỗ trợ bởi hội đồng cố vấn quốc tế với các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu, để đảm bảo các quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất.

Ngoài mô hình quản trị, đại diện VNG cũng đưa ra kiến nghị phải có chiến lược thu hút nhân tài như: cần triển khai chế độ visa và giấy phép lao động thuận lợi cho các chuyên gia tài chính quốc tế, áp dụng thuế thu nhập cá nhân ưu đãi dài hạn, và xây dựng quan hệ đối tác giáo dục với các trường đại học hàng đầu. Song song với đó là việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, nâng cao chất lượng sống với các tiện ích quốc tế.

“Với tầm nhìn chiến lược này, TPHCM có tiềm năng trở thành động lực vận hành và đổi mới của ngành tài chính Đông Nam Á, tạo ra hơn 100.000 việc làm chất lượng cao, thiết lập một mô hình mới cho các khu kinh tế đặc biệt tận dụng những lợi thế độc đáo của Việt Nam. Bằng cách xây dựng khung pháp lý sáng tạo, thu hút nhân tài toàn cầu và tận dụng hiệu quả lực lượng lao động trẻ, chúng ta có thể đưa TPHCM vào bản đồ trung tâm tài chính toàn cầu”, Chủ tịch VNG nói.

Trả lời kiến nghị của VNG, ông Võ Văn Hoan cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành đang xây dựng khung pháp lý riêng cho trung tâm tài chính, với tinh thần là một khu vực đặc biệt, có chính sách và cơ chế vận hành độc lập.