Thi công khối hợp long cuối cùng cầu chính cầu Rạch Miễu 2.
Độ khó của cầu dây văng
Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Xây dựng, Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị liên quan đã triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, vượt tiến độ hơn 5% so với kế hoạch chung và hơn 15% đối với phần cầu chính. Dự kiến toàn bộ công trình sẽ được đưa vào khai thác tháng 8-2025, vượt tiến độ hợp đồng gần 6 tháng.
Ông Lê Ngọc Anh - Đội trưởng Đội thi công của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (là 1 trong những nhà thầu liên danh thi công gói thầu XL-02 và cũng là đơn vị thi công trực tiếp đốt hợp long giữa cầu RM2) chia sẻ: “Gói thầu XL-02 xây dựng cầu dây văng cầu RM2, trong đó, đốt hợp long là đốt quan trọng nhất, nối liền 2 bờ Tiền Giang và Bến Tre. Đó cũng là đốt khó thi công nhất. Bởi vì, đốt hợp long liên quan đến kỹ thuật cân bằng cao độ giữa hai cánh dầm, để đảm bảo tất cả yếu tố liên quan đến kỹ thuật, thẩm mĩ. Để đạt được những điều này, nhà thầu phải có đội ngũ kỹ sư, công nhân rất lành nghề và họ đã trải qua những dự án tương tự như thế này. Gần đây nhất, chúng tôi đã thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2. Bên cạnh đó, anh em còn phải tuân thủ toàn bộ trình tự thi công, đảm bảo đúng thiết kế kỹ thuật. Tất cả những thứ thay đổi ở ngoài công trường đều được kiểm soát rất kỹ. Để đảm bảo hợp long theo kế hoạch, nhà thầu đã bố trí đầy đủ nhân sự, máy móc, thiết bị thi công để thi công 3 ca liên tục”.
“Trong thi công cầu dây văng, khó kiểm soát nhất chính là cao độ mặt cầu, trong kỹ thuật gọi là độ vồng thi công. Cầu dây văng là một hệ cầu rất mềm. Tất cả những yếu tố về nhiệt độ, tải trọng thi công, trình tự thi công... đều ảnh hưởng đến cao độ. Hai nhà thầu là Trung Nam và Trung Chính thi công 2 nhịp cầu RM2 đều là những nhà thầu có rất nhiều kinh nghiệm làm công tác này. Nên cầu RM2 có độ vồng thi công rất hài hòa”, ông Lê Ngọc Anh cho hay.
Ông Lê Ngọc Anh chia sẻ thêm: “Cứ mỗi một đốt thi công, nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn công nghệ đều phải ngồi lại, kiểm soát lại và điều chỉnh kịp thời từng đốt một. Có tất cả 13 đốt, cứ hết một đốt sẽ phải điều chỉnh, cập nhật kịp thời... Việc này là để kiểm soát giữa sai số của lý thuyết và thi công, thế nên là khó nhất. Các bạn cứ hình dung, 2 nhịp cách nhau gần 300m, khi xe cẩu chạy đi chạy lại ở một bên nhịp cầu (chưa hợp long), thì mặt cầu bên này sẽ chênh cao thấp đến 40 - 50cm so với mặt cầu nhịp bên kia. Chỉ nhiệt độ khác nhau giữa buổi sáng và buổi chiều, thì mặt cầu 2 bên sẽ bập bênh như cái đòn gánh, cao lên thấp xuống khoảng 10cm. Vì thế, để chọn được thời điểm thi công là rất quan trọng, phải có sự tính toán và phải trải qua kinh nghiệm thực tế. Cầu dây văng vẫn là dạng cầu có hàm lượng kỹ thuật cao nhất tại Việt Nam hiện nay”.
Chuẩn bị lễ hợp long
Cầu RM2 là công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, với tổng chiều dài tuyến hơn 17,6km. Dự án này sẽ góp phần giảm tải cho cầu RM hiện hữu, nâng cao năng lực vận tải trên tuyến quốc lộ 60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết: “Ngày 19-4-2025, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ tổ chức lễ hợp long cầu RM2. Sau gần 25 tháng thi công liên tục, cầu chính dây văng dài 1,971km đã hoàn thành 100% thân trụ tháp, lắp đặt đủ 112 bó cáp và đang thi công khối đốt hợp long cuối cùng. Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trong tiến độ thi công và là tiền đề quan trọng để hoàn thành công trình và đưa vào khai thác theo mục tiêu đã đề ra”.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu RM2 bắc qua sông Tiền nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, nằm cách cầu RM hiện tại khoảng 4km về phía thượng lưu sông Tiền. Công trình có tổng chiều dài hơn 17,6km, gồm: các tuyến đường dẫn có điểm đầu kết nối ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa QL.1 và Đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối Km16+660 QL.60, thuộc địa phận TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre, cách cầu Hàm Luông khoảng 0,71km.
Riêng phần cầu chính RM2 có chiều dài 1,971km được thiết kế là câu dây văng, 2 mặt phẳng dây, sơ đồ nhịp chính 120m+270m+120m, có 4 làn xe cơ giới với bề rộng 21,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, toàn cầu có 112 bó cáp dây văng, hai trụ tháp cao 113,5m, bệ móng trụ tháp với 24 cọc khoan nhồi đường kính 2m dài 80m. Dự án có tổng mức đầu tư 6.810,11 tỷ đồng, khởi công từ tháng 3-2022 (cho phần đường dẫn), từ tháng 3-2023 (cho cầu chính dây văng).
Kể từ khi khởi công đến nay, dự án đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Xây dựng, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần trực tiếp đến kiểm tra, động viên các cán bộ, kỹ sự, công nhân đang thi công dự án. Sự kiện hợp long cầu chính RM2 không chỉ khẳng định quyết tâm cao độ của đội ngũ thi công mà còn là bước đệm vững chắc hướng tới mục tiêu khánh thành cầu RM2 đúng dịp Quốc khánh 2-9 và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). |
Bài, ảnh: Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/chuan-bi-hop-long-cau-rach-mieu-2-14042025-a145123.html
Bình luận (0)