Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nghiệp Hải Dương bứt phá mạnh mẽ sau nửa thế kỷ thống nhất

50 năm non sông thống nhất cũng là chừng đó năm công nghiệp Hải Dương vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, vươn lên bứt phá mạnh mẽ.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương01/05/2025

ford-hai-duong.jpg
Sau nửa thế kỷ, công nghiệp Hải Dương từ quy mô nhỏ lẻ đã bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ với hàng loạt dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao

Từng bước mở rộng sản xuất

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, mở ra một kỷ nguyên độc lập, hòa bình và phát triển.

Tuy nhiên, Hải Dương cũng như nhiều địa phương khác ở miền Bắc bước ra từ chiến tranh với nhiều tổn thất, cơ sở vật chất lạc hậu, sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ.

Năm 1975 là năm kết thúc kế hoạch 2 năm khôi phục và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 22-NQ/TW của Trung ương Đảng, đồng thời là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I. Đến năm 1976, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch nhà nước 5 năm 1976 - 1980, trước yêu cầu của cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, trên cơ sở những chỉ tiêu đề ra trong nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương.

Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh như Nhà máy Sứ Hải Dương, Nhà máy Xay Hải Dương, Nhà máy Đá mài Hải Dương, Nhà máy Chế tạo bơm, Xí nghiệp Bao bì được đầu tư mở rộng cả về quy mô và trang thiết bị máy móc. Đặc biệt, đầu năm 1984, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch thuộc xã Minh Tân (Kinh Môn) sau hơn 7 năm xây dựng đã xuất xưởng những bao xi măng đầu tiên. Đây là một trong những nhà máy xi măng có công suất lớn nhất Việt Nam thời đó.

nha-may-su-hai-duong.jpg
Nhà máy Sứ Hải Dương - một trong những biểu tượng công nghiệp đầu tiên của Hải Dương. Ảnh tư liệu của THÀNH CHUNG

Kết thúc giai đoạn 1975 - 1980, công nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng từ 30,906 triệu đồng năm 1975 lên 136,459 triệu đồng năm 1980. Những ngành có mức tăng trưởng cao như công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng và chế biến lương thực, thực phẩm.

Những năm trước đổi mới, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hải Dương đã chủ động liên kết kinh tế với các xí nghiệp ở trung ương và tỉnh bạn. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 1981 - 1985 tăng bình quân 6%/năm, trong đó khu vực quốc doanh tăng 2,5%, tiểu thủ công nghiệp tăng 6,6%. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công nghiệp còn chậm, hàng hóa nghèo nàn, chất lượng thấp.

Từ năm 1986, khi công cuộc đổi mới bắt đầu, tư duy phát triển kinh tế của Hải Dương dần thay đổi. Tỉnh bắt đầu chú trọng đến sản xuất công nghiệp, từng bước nâng cao năng lực, tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Một số cụm công nghiệp ven quốc lộ 5 từng bước hình thành.

Đặc biệt, ngày 29/12/1987, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những năm sau đó, từ một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô nhỏ, tổng số vốn đăng ký chưa đầy 10 triệu USD, Hải Dương đã từng bước chứng minh là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế khi dần tiếp nhận hàng chục dự án FDI khác, với tổng số vốn hàng trăm triệu USD.

Hội nhập và thu hút FDI

khu-cong-nghiep-phuc-dien-hai-duong.jpg
Môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, hạ tầng công nghiệp hiện đại giúp Hải Dương ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: THÀNH CHUNG

Một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư rất sớm tại Hải Dương giai đoạn hội nhập quốc tế là Tập đoàn Ford Motor của Mỹ với dự án Nhà máy Ford Hải Dương.

Khởi đầu với nhà máy lắp ráp xây dựng trên diện tích hơn 30 ha tại thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), số vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, sau gần 30 năm, Ford Việt Nam luôn là doanh nghiệp FDI có mức đóng góp rất cao vào ngân sách tỉnh. Tính riêng năm 2024, doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 4.634 tỷ đồng, cao nhất trong các doanh nghiệp.

Giai đoạn 2006 - 2010, dòng vốn FDI đổ về Hải Dương lên tới gần 1.970 triệu USD, tính cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, với tổng 151 dự án. Giai đoạn này, số dự án FDI mở rộng sản xuất, tăng vốn liên tục tăng.

Chỉ tính riêng năm 2006, một năm đặc biệt với số vốn FDI lên đến 663,6 triệu USD, gần bằng tổng lượng vốn FDI của 10 năm trước đó cộng lại.

Đầu tư tại Hải Dương từ năm 2006, Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) luôn giữ nhịp tăng trưởng doanh thu đều qua các năm. Từ đó nâng mức thu nhập của người lao động hiện tại lên bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 35,71% so với 5 năm trước.

“Chúng tôi đã đúng khi chọn Hải Dương là địa điểm đầu tư. Chính quyền tỉnh và các cơ quan chức năng đã thể hiện rõ sự đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khối FDI nói riêng. Các vướng mắc về hạ tầng giao thông, nguồn điện, thủ tục hành chính đều được lắng nghe và có biện pháp giải quyết, đóng góp không nhỏ vào thành công chung của doanh nghiệp chúng tôi”, ông Tsuzuranuki Hiroshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam nói.

Hành trình hội nhập và thu hút vốn đầu tư của Hải Dương những năm qua đã ghi nhận kết quả tích cực. Trong số 32 khu công nghiệp được phê duyệt phát triển đến năm 2030, có 18 khu đã được thành lập, tổng diện tích quy hoạch gần 3.000 ha. 12 khu công nghiệp trong số này, tổng diện tích gần 1.700 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Lũy kế đến tháng 4/2025, toàn tỉnh có 426 dự án đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp, trong đó 332 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD, 94 dự án đầu tư trong nước (DDI), tổng vốn đăng ký khoảng 20.234 tỷ đồng, tương đương khoảng 784 triệu USD (theo giá quy đổi ngày 14/4).

Toàn tỉnh đã thành lập 60 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 3.050 ha. Trong đó, 32 cụm thu hút nhà đầu tư thứ cấp với hơn 400 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%.

khu-cum-cong-nghiep.jpg
Đồ họa số liệu thu hút đầu tư công nghiệp tại Hải Dương

Hải Dương là một trong những tỉnh thu hút dòng vốn FDI hàng đầu cả nước. Thời gian tới, Hải Dương dự kiến sẽ hợp nhất với TP Hải Phòng. Việc hợp nhất này có thể tạo ra những chuỗi giá trị công nghiệp lớn hơn, như sản xuất ô tô, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến hay hàng loạt dự án công nghiệp công nghệ cao khác.

Một khu vực công nghiệp năng động, bền vững, hiện đại sẽ sớm hình thành, giúp tỉnh viết tiếp câu chuyện phát triển công nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

HÀ KIÊN - MINH NGUYỆT

Nguồn: https://baohaiduong.vn/cong-nghiep-hai-duong-but-pha-manh-me-sau-nua-the-ky-thong-nhat-409737.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm