“Điểm nghẽn” được tháo gỡ, người dân và chính quyền các xã ở huyện Chư Prông kỳ vọng tuyến kênh nhánh xuyên rừng sớm được thi công, đưa nguồn nước tưới mát những cánh đồng khô hạn ở vùng biên, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con.
Nước sẽ xuyên rừng về đồng ruộng
Công trình thủy lợi Ia Mơr được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với mục tiêu cung cấp nguồn nước tưới cho 14.000 ha lúa tại huyện Chư Prông và 4.000 ha cây trồng tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk); đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Đến nay, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên công trình chỉ mới đáp ứng tưới cho khoảng 7.170 ha cây trồng (huyện Chư Prông khoảng 3.170 ha, huyện Ea Súp 4.000 ha), gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Nguyên nhân là do hệ thống kênh nhánh chưa được đầu tư hoàn thiện khi mà hầu hết các tuyến kênh đều nằm trên diện tích đất rừng.
Để công trình phát huy hiệu quả, tỉnh Gia Lai đã tích cực lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư hạng mục còn lại nhằm phục vụ tưới cho khoảng 4.898 ha với điều kiện phải chuyển đổi 4.757 ha đất có rừng sang làm khu tưới. Sau nhiều nỗ lực tháo gỡ, đầu tháng 3 năm nay, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 475/NQ-HĐND quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng hệ thống kênh nhánh công trình thủy lợi Ia Mơr.
Theo đó, diện tích rừng chuyển đổi là 4,57 ha; trong đó có 3,97 ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và 0,6 ha nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Vướng mắc lớn nhất đã được tháo gỡ, người dân và chính quyền địa phương mong muốn các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai, sớm đưa nguồn nước về cánh đồng phục vụ sản xuất.

Làng Klăh (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) được thụ hưởng nguồn nước của công trình thủy lợi Ia Mơr. Trước đây, khi chưa có kênh mương thủy lợi, dân làng sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Nắng hạn thường xuyên nên năng suất bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Ông Rmah Tuýt cho biết: Những năm gần đây, nhờ có một số tuyến kênh mương dẫn nước từ hồ Ia Mơr về tới cánh đồng của làng nên bà con sản xuất lúa 2 vụ. Hộ ít thì 1-2 sào, nhiều thì 7-8 sào. Bà con không chỉ đủ nguồn lương thực quanh năm mà còn bán ra thị trường nữa. Nhờ sự quan tâm hướng dẫn của các cấp, ngành về kỹ thuật, hỗ trợ giống lúa mới chất lượng cao nên năng suất lúa tăng gấp 3-4 lần so với trước đây.
“Với 7 sào lúa nước, gia đình tôi thu được 7-8 tấn lúa khô/năm. Tôi cũng đã đầu tư 320 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho gia đình và gặt thuê cho bà con trong vùng. Nếu 10 tuyến kênh nhánh xuyên rừng được đầu tư xây dựng thì tôi cũng như các hộ trong làng không chỉ mở rộng thêm diện tích lúa nước 2 vụ mà còn có nước để sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao khác. Người dân vùng biên từ đó sẽ có thêm thu nhập, cuộc sống ấm no hơn”-ông Tuýt nói.

Còn ông Siu Thọ-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Klăh thì thông tin: “Làng hiện có 186 hộ, phần lớn là người Jrai. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr mà dân làng đã sản xuất được lúa 2 vụ.
Hiện nay, khoảng 80% hộ dân trong làng sản xuất lúa nước 2 vụ với diện tích 90 ha. Tuy nhiên, làng vẫn còn nhiều diện tích chưa có nước tưới do chưa có các tuyến kênh nhánh. Nhìn nguồn nước dồi dào từ hồ thủy lợi mà chúng tôi tiếc lắm.
Sau khi nghe tin Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm 10 tuyến kênh xuyên rừng, kéo nước về các cánh đồng, dân làng rất vui mừng. Có nước, bà con có điều kiện mở rộng diện tích lúa 2 vụ, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đời sống sẽ tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo cũng sẽ được kéo giảm”.

Cuối tháng 2 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã đến kiểm tra thực tế vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mơr. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh luôn xác định hồ thủy lợi Ia Mơr là dự án trọng điểm quốc gia và đánh giá cao hiệu quả mang lại của dự án này. Khi mở rộng được vùng tưới, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao vào khu vực này.
Theo thông tin từ UBND xã Ia Mơ, vụ Đông Xuân 2024-2025, trên địa bàn xã có khoảng 1.265 ha cây trồng sử dụng nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Ia Mơr.
Trong đó, có 260 ha lúa nước, tập trung tại làng Ring với 103 ha, làng Klăh 90 ha, còn lại phân bố rải rác ở các làng khác.
Ông Hà Văn Luận-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Mơ-chia sẻ: Hiện nay, làng Ring đang bơm nước từ suối lên để canh tác lúa 2 vụ. Khi nghe thông tin Nhà nước đầu tư 10 tuyến kênh nhánh, trong đó có tuyến qua cánh đồng của làng, bà con mừng lắm. Nguồn nước hồ Ia Mơr đưa đến tận chân ruộng sẽ giúp bà con giảm được nhiều chi phí đầu tư sản xuất như tiền điện, dầu để bơm tưới. Vậy nên, bà con rất mong dự án sớm khởi động và đưa vào vận hành.
Giải “cơn khát” cho vùng biên
Công trình thủy lợi Ia Mơr hiện đã hoàn thành các hạng mục gồm: hồ chứa nước, kênh chính Đông-chính Tây dài 51 km, kênh nhánh nhỏ dài 10,5 km và hệ thống kênh bơm 6,5 km. Tuy nhiên, do hệ thống kênh nhánh chưa được đầu tư nên nguồn nước vẫn chưa thể dẫn về tất cả khu sản xuất của người dân.
Ông Hoàng Bình Yên-Phó Trưởng ban phụ trách Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr (Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 8, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ: Trước đây, do vướng mắc trong việc chuyển đổi gần 5.000 ha rừng nên công trình chưa phát huy hết năng lực tưới.
Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 475/NQ-HĐND cho phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn thành hệ thống kênh nhánh. Đơn vị đang gấp rút triển khai các bước để sớm thi công 10 tuyến kênh nhánh xuyên rừng với chiều dài khoảng 30,5 km.
Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát cụ thể từng tuyến để khởi công vào cuối năm nay. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 209 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Qua đó, mở rộng thêm 2.105 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Ia Mơ, giúp người dân sản xuất ổn định và nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Còn ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ thì cho hay: Từ khi công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành đưa vào sử dụng, các cấp, các ngành đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ sang trồng lúa 2 vụ, đồng thời hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, đời sống người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định hơn; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện hệ thống kênh nhánh, kênh nội đồng nên nguồn nước từ công trình thủy lợi chưa phát huy tối đa hiệu quả, gây lãng phí.
“Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị đến các cấp, ngành và đơn vị liên quan quan tâm tháo gỡ, đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương, giúp người dân Ia Mơ và các xã lân cận có điều kiện phát triển sản xuất. Hy vọng, vướng mắc về chuyển đổi đất rừng đã được tháo gỡ, 10 tuyến kênh nhánh xuyên rừng sẽ sớm đem nguồn nước mát về tưới cho các cánh đồng của người dân, tạo động lực để xã vùng biên Ia Mơ phát triển, nâng cao đời sống người dân”-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ kỳ vọng.
Trao đổi với P.V, ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Nghị quyết số 475/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để làm 10 tuyến kênh nhánh phục vụ sản xuất nông nghiệp cho xã biên giới Ia Mơ rất hợp lòng dân; tạo đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã Ia Mơ và các xã lân cận.
Huyện cũng rất kỳ vọng sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, những tuyến kênh nhánh này sẽ biến Ia Mơ trở thành vựa lúa của Chư Prông. Do đó, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai xây dựng các tuyến kênh nhánh để phát huy tối đa hiệu quả công trình thủy lợi Ia Mơr.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/chu-prong-ky-vong-nhung-tuyen-kenh-xuyen-rung-post320949.html
Bình luận (0)