
Quan tâm công tác tôn giáo
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Baha’i. Toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo khoảng trên 400.000 người, chiếm khoảng 28% dân số của tỉnh. Số lượng chức sắc và chức việc gần 2.240 vị.
Mục sư Phạm Văn Phúc-Trưởng Ban đại diện Tin lành tỉnh chia sẻ: “Tỉnh đã cho phép thành lập được 72 chi hội trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), đồng thời duy trì hơn 200 điểm nhóm sinh hoạt ở các xã, thôn, làng. Các chi hội đã xây dựng được gần 40 nhà thờ đưa vào hoạt động và nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng. Tỉnh còn tạo điều kiện cho Hội thánh tổ chức tấn phong mục sư, hiện nay Gia Lai có 47 mục sư thực thụ và 24 mục sư nhiệm chức, đáp ứng nhu cầu hoạt động của Hội thánh và sinh hoạt tôn giáo. Chúng tôi rất phấn khởi vì địa phương luôn tạo điều kiện cho hoạt động của Hội thánh”.

Đến thăm Chi hội Tin lành Plei Châm Aneh đứng chân tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku) là đơn vị mới tổ chức Hội đồng thành lập gần đây nhất, ông Lol-dân tộc Jrai, thành viên Ban Chấp sự cho biết: “Được thành lập Chi hội, bà con tín hữu sinh hoạt đạo thuận lợi hơn. Tôi sẽ cùng với mục sư và Ban chấp sự thường xuyên hướng dẫn tín hữu sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh, phát huy tinh thần “Sống Phúc Âm Phụng Sự Thiên Chúa, Phục Vụ Tổ Quốc và Dân Tộc” do Hội thánh đề ra”.
Chức sắc và bà con tín hữu Chi hội Tin Lành Phú Cần (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã tổ chức Lễ Cung hiến Nhà thờ. Mục sư Rơ Ô Tha-Quản nhiệm Chi hội bộc bạch: “Nhà thờ được xây dựng với diện tích 540m2. Kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng thuộc nguồn đóng góp của bà con tín hữu trong và ngoài Chi hội, cùng nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong Hội thánh. Nhà thờ đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho sinh hoạt đạo của hơn 1.400 tín hữu trong Chi hội, nên bà con vui lắm”.

Để đáp ứng nhu cầu tham gia sinh hoạt tôn giáo Phật giáo vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, UBND tỉnh đã cho phép thành lập 3 tịnh xá tại huyện Chư Sê gồm Tịnh xá Phú Cường (xã Ia Pal), Tịnh xá Ngọc Đồng (xã Ia Blang), Tịnh xá Ngọc Chư (xã Kông HTok). Thượng tọa Thích Giác Duyên-Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chia sẻ: “Đến nay tại 3 tịnh xá này có hơn 3.500 phật tử dân tộc Jrai và Bahnar thuộc một số xã của huyện Chư Sê và Chư Pưh tham gia sinh hoạt đạo. Các tịnh xá đã kết hợp hài hòa giữa sinh hoạt tôn giáo với phát huy bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc và tôn giáo ở địa phương”.
50 năm từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, diện mạo Phật giáo Gia Lai ngày càng phát triển. Nhiều ngôi chùa, tịnh xá được tái trùng tu nâng cấp, hoặc xây dựng mới có quy mô lớn, kiến trúc phong phú, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật giáo và người dân, sự phát triển địa phương.
Hoà thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết thêm: “Sau năm 1975, Gia Lai là một trong những tỉnh hình thành Ban Trị sự Phật giáo sớm so với cả nước, vào năm 1982, nay là nhiệm kỳ VI. Đến nay, toàn tỉnh có 120 ngôi chùa, tịnh xá cùng hơn 500 vị chức sắc, tăng ni. Nhiều vị tăng ni trẻ có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Giáo hội. Riêng Trường Trung cấp Phật học tỉnh được thành lập năm 2012, đến nay đã hoàn thành 4 khoá đào tạo gần 180 tăng ni sinh tốt nghiệp và đang tiếp tục đào tạo khoá thứ V”.

Góp phần xây dựng quê hương
Những năm qua, chức sắc, tu sĩ và tín đồ các tôn giáo đã quan tâm hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu có Họ đạo Cao đài Lệ Trung đứng chân tại phường Ia Kring (TP. Pleiku), một cơ sở thờ tự thuộc Hội thánh Cao Đài Tây Ninh. Họ đạo có hơn 800 tín đồ tham gia sinh hoạt tôn giáo. Bà con đạo hữu đã tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và các phong trào thi đua, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển…
Ông Ngọc Đào Thanh-Trưởng Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tại Gia Lai thông tin: “Ban Đại diện luôn chú trọng hướng dẫn toàn thể chức sắc và bà con đạo hữu các họ đạo cơ sở trực thuộc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chấp hành sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật và đường hướng “Nước vinh - Đạo sáng” mà Hiến chương Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã đề ra”.

Hoà thượng Thích Giác Tâm-thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho hay: “Năm 2020 và 2024, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh đã tổ chức các đoàn đi cứu trợ người dân bị thiên tai ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Hoạt động này được sự quan tâm trợ duyên ủng hộ của các chùa và tịnh xá, tăng ni và phật tử trong tỉnh, quý Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm gần xa, với tổng giá trị tiền mặt và quà gần 5,6 tỷ đồng…Đồng thời hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện thường xuyên tìm nguồn lực hỗ trợ, cũng như vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia giúp người nghèo, neo đơn, tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trong tỉnh về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xây nhà ở…, bình quân mỗi năm trị giá nhiều tỷ đồng”.
Ở các Giáo xứ trên địa bàn tỉnh, người dân theo đạo Công giáo đã phát huy tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Tiêu biểu như Giáo xứ Ninh Đức (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) hiện có hơn 1.300 giáo dân, trong đó gần 50% là người Jrai sinh sống ở xã Nghĩa Hòa, Ia Nhin và thị trấn Phú Hòa. Trong 5 năm gần đây, giáo dân đã đóng góp hàng trăm ngày công và kinh phí hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự...

Giáo xứ La Sơn đứng chân ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) đã phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”. Bà con giáo dân tích cực chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan sạch đẹp, xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Thị Kim Nhã: “Giáo xứ La Sơn đã phối hợp với xã vận động bà con giáo dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần đưa xã Ia Băng về đích nông thôn mới; 11/11 thôn, làng của xã được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa. Xã Ia Băng được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới”.
Ông Trường Trung Tuyến-Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: “Quá trình phát triển chung của tỉnh nhà sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự đồng hành, chung sức của đồng bào các tôn giáo. Để phát huy thành quả đạt được, các tổ chức các tôn giáo tiếp tục hướng dẫn tu sĩ, tín đồ thực hiện tốt Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo… Động viên tu sĩ và tín đồ gương mẫu thực hiện trách nhiệm công dân, sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, tích cực trong hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống âm mưu của địch về lợi dụng tôn giáo, giữ vững an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh”.
Đoàn công tác của tỉnh Gia Lai thăm, chúc mừng Lễ phục sinh
Nguồn: https://baogialai.com.vn/gia-lai-ton-giao-luon-dong-hanh-cung-su-phat-trien-tinh-nha-post321218.html
Bình luận (0)