Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ayun Pa: Hành trình 18 năm xây dựng và phát triển

(GLO)- Sau 18 năm xây dựng và phát triển, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh cũng như phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc để vươn mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai01/05/2025

Phát triển kinh tế-hạ tầng

Ngày 30-3-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2007/NĐ-CP thành lập thị xã Ayun Pa trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ayun Pa. Hiện nay, thị xã Ayun Pa có diện tích tự nhiên trên 28.000 ha, dân số trên 41.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49,8%.

Sau 18 năm thành lập, cán bộ và người dân thị xã Ayun Pa đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống người dân ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

1bg-ayp1.jpg
Lãnh đạo Thị ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N.A

Từ một địa phương có điểm xuất phát kinh tế thấp, đến cuối năm 2024, tổng giá trị sản xuất của Ayun Pa đạt 4.498 tỷ đồng, tăng gấp 9,3 lần so với năm 2007. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.

Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng hơn 11.583 ha; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.498 tỷ đồng, tăng gấp 10,4 lần so với năm 2007; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.410 tỷ đồng, tăng gấp 14,28 lần so với năm 2007. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 140,5 tỷ đồng, đạt 125,46% dự toán tỉnh giao.

Những năm qua, thị xã Ayun Pa tập trung cho nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Nhiều dự án, công trình quan trọng, các tuyến đường có tính kết nối, lan tỏa được triển khai. Thị xã đầu tư hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Đặc biệt, Đề án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 9 tổ dân phố thuộc 4 phường với tổng mức đầu tư 28,456 tỷ đồng đã giúp diện mạo các tổ dân phố thêm khang trang. 100% tuyến đường trong tổ được bê tông hóa và làm mương thoát nước.

Bên cạnh đó, các tuyến đường nội đồng cũng được kiên cố hóa giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân được thuận lợi. Nhiều tuyến kênh mương được đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng phục vụ người dân phát triển sản xuất.

5-t.jpg
Năm 2024, thị xã Ayun Pa có thêm 2 buôn đạt nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Vũ Chi

Thực hiện 1 trong 3 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, thị xã Ayun Pa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Ông Trần Anh Tuấn-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết: “Trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có, thị xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như định hướng các hợp tác xã, nông hội, chi hội, tổ hội nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến đầu tư vào địa bàn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”.

4t.jpg
Người dân thị xã Ayun Pa liên kết với các doanh nghiệp trồng thuốc lá cho thu nhập cao. Ảnh: Vũ Chi

Toàn thị xã có 666 ha mía, 250 ha thuốc lá, 179 ha mì, 176 ha lúa và một số cây trồng khác. Hiện có 4 doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Trong đó, cây thuốc lá có Công ty TNHH Thuốc lá Hữu Nghị, Công ty TNHH Kim Ngọc B (xã Ia Rtô) và Công ty TNHH một thành viên Thương mại Minh Khang Cao Nguyên (xã Ia Sao); cây mía có Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đồng bộ và phát huy hiệu quả. Đến cuối năm 2019, tất cả 4 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 2-6-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 672/QĐ-TTg công nhận thị xã Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được chú trọng. Hiện thị xã có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Năm 2024, sản phẩm yến hũ tiệt trùng Mira Nest của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Dấu ấn từ công tác giảm nghèo

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư; hoạt động thể dục thể thao ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tích. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng thực hiện tốt hơn; công tác phòng-chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được coi trọng. Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

2t.jpg
Dự án lát vỉa hè đường Nguyễn Huệ giúp diện mạo thị xã thêm khang trang. Ảnh: Vũ Chi

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Dương Thị Hường cho biết: Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tập trung tuyên truyền, vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Từ nguồn quỹ này, nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Năm 2024, đã có 56 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” thị xã với tổng số tiền 510 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã cho xây dựng 9 căn nhà “Đại đoàn kết” (50 triệu đồng/căn), sửa chữa 2 căn nhà (30 triệu đồng/căn) cho hộ nghèo, cận nghèo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường vận động được gần 230 triệu đồng để xây dựng nhà, phát triển sản xuất, giúp học sinh nghèo vượt khó, tặng quà hộ nghèo, cận nghèo dịp lễ, Tết. Đến cuối năm 2024, thị xã còn 20 hộ nghèo, chiếm 0,2%; 222 hộ cận nghèo, chiếm 2,21%.

22them.jpg
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính và sự chung sức của các nhà hảo tâm, thị xã Ayun Pa là địa phương đầu tiên của tỉnh về đích chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Vũ Chi

Bí thư Thị ủy Trần Quốc Khánh: Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, thị xã Ayun Pa đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh. Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập thị xã còn lại 1 phường và 2 xã gồm: phường Ayun Pa (trên cơ sở sáp nhập 4 phường: Đoàn Kết, Cheo Reo, Hòa Bình, Sông Bờ); xã Ia Rbol (sáp nhập 2 xã Chư Băh, Ia Rbol); xã Ia Sao (sáp nhập 2 xã Ia Sao, Ia Rtô). Bộ máy tinh gọn theo yêu cầu chung sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ được 180 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà cho 3 hộ nghèo ở xã Ia Rbol.

Là 1 trong 3 hộ được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, bà Nay H’Meh (buôn Rưng Ma Đoan, xã Ia Rbol) không giấu được xúc động. Tổng kinh phí xây dựng nhà là 93 triệu đồng, trong đó thông qua Quỹ “Vì người nghèo” thị xã, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai hỗ trợ 60 triệu đồng, Sở Tài chính hỗ trợ 30 triệu đồng, phần còn lại gia đình đóng góp.

“Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà khang trang. Con gái tôi đang học đại học năm nhất biết tin cũng mừng lắm, nói hè này sẽ dẫn bạn bè về thăm nhà”-bà H’Meh chia sẻ.

Ngày 25-3 vừa qua, thị xã Ayun Pa đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng số 32 căn nhà, là địa phương đầu tiên trong tỉnh về đích sớm so với kế hoạch của tỉnh.

Theo Bí thư Thị ủy Trần Quốc Khánh: “Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến các thôn, buôn; sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân; sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Các căn nhà đều rộng rãi, khang trang, kiên cố hơn thiết kế ban đầu. Đây sẽ là khởi đầu mới giúp các gia đình có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng là điều kiện và là cơ sở để tất cả các địa phương tại thị xã đạt mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra”.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/ayun-pa-hanh-trinh-18-nam-xay-dung-va-phat-trien-post321002.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm