Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ trong câu ca nghĩa tình

(GLO)- Trước việc Bình Định-Gia Lai chuẩn bị về một nhà, chuẩn bị một hành trình mới của đất nước, địa phương và cá nhân, người viết chợt nhớ… chuyện xưa, “cố tình” tìm mối liên hệ với những điều nhỏ nhặt.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai01/05/2025

Ký ức một chuyến sưu tầm

Còn nhớ năm đầu đại học của những năm 80, thế kỷ trước, đoàn chúng tôi mười mấy sinh viên về An Nhơn (tỉnh Bình Định) làm nhiệm vụ điền dã, sưu tầm văn học dân gian cho khoa, cho tỉnh. Chúng tôi tá túc trong một số gia đình tốt bụng, tự cung tự cấp, hàng ngày chia nhau tỏa ra các hướng, về các xã, thôn làng gặp gỡ người này, người khác, nhất là người lớn tuổi để tìm hiểu, lượm lặt, ghi chép, đối chiếu các dị bản. Bây giờ nhớ lại mới thấy hoạt động sưu tầm thuở ấy đơn sơ, “chơi chơi” mà giá trị, ý nghĩa không hề nhỏ.

Bình Định nổi tiếng với kho tàng truyện cổ, ca dao, tục ngữ, hò, vè, đối đáp đa dạng, giàu có, phong phú. Từ hoạt động sưu tầm, nghe kể, nghe giảng giải, nhất là về hoạt động sản xuất và sinh hoạt, chiến đấu của vùng đất mà cây đàn muôn điệu, kho tàng trí tuệ sinh ra mới rõ ngọn ngành, cảm nhận đầy đủ, sâu sắc cái hay.

nui-ba.jpg
Núi Bà nhìn từ xa. Ảnh: Huyền Trang/Nguồn binhdinh.gov.vn

-Bình Định có núi vọng phu

Có đầm Thị Nại, có cù Lao xanh

Em về Bình Định cùng anh

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

- Anh về Đập Đá, Gò Găng

Để ( bỏ) em kéo sợi đêm trăng một mình.

- Ai về nhắn với bạn nguồn

Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Ngày còn nhỏ, ầu ơ tiếng má ru em câu ca dao trên là:

Ai về nhắn với nậu (nẫu) nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Cũng trong lần đó, tôi mới biết rượu Bàu Đá chính hiệu. Đó là khi vào tìm hiểu ở chính quê hương thứ nước uống “thần thánh” Nhơn Lộc. Được một gia đình thiết đãi mẻ rượu nước nhất đang trong quá trình chưng cất, trong khi thầy Nhân chiêu ngụm rượu nóng hổi, khà một tiếng, chưa cất lời không biết vì lý do gì, chắc là chưa nghĩ ra tiếng ngon, tiếng đã, tôi sau một ngụm cứ như bị điện giật, người nóng ran.

Ôi, thứ rượu không nồng, không quá cay, nhẹ như làn hơi, uống dễ cái ực hết ly. Nhưng thứ nước cất tinh túy chạy tới đâu người râm ran tới đó, từ miệng đến cổ họng, dạ dày, nhanh bất ngờ, chốc cái đầu óc lâng lâng, phê khó diễn tả. Vậy nhưng cơn say chóng qua, người uống không bị đau đầu, nhức mỏi, cháy khát, dư âm khoái trá, đã đời là có thật. Không ngoa với giai thoại nghĩa quân Tây Sơn ăn bánh cuốn, bánh tráng, uống rượu Bàu Đá mà hành quân thần tốc, chớp cái đánh bại 20 vạn quân Thanh, phù Lê diệt Trịnh, đập tan dã tâm quân Xiêm ở Rạch Gầm-Xoài Mút.

Thật buồn, sau này rượu Bàu Đá giả tràn lan. Gần đây, mừng khi trong kế hoạch phát triển làng nghề, sản phẩm truyền thống, phục vụ du lịch, Bình Định quyết tâm khôi phục nguyên trạng, nguyên mẫu, nguyên chất Bàu Đá độc đáo truyền thống thuở nào.

Chúng tôi còn phát hiện nông thôn An Nhơn rất sùng đạo phật. Nơi đây rất nhiều chùa chiền, người xuất gia, tu tại gia, ban ngày làm ruộng, ban đêm tụng kinh niệm phật, ngày rằm ăn chay. Chùa nào cũng có người tự nguyện tham gia làm công quả thắp hương, quét tước dọn dẹp. Lại cũng nơi này, những tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung như: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc đỉnh ký, Ỷ thiên đồ long ký… được dịch và phát hành trước 1975 bởi một dịch giả rất nổi tiếng Mộng Bình Sơn. Bút danh chữ Hán của tác giả xuất phát từ địa danh của quê hương ông: núi An Mơ, hiện ở xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn v.v…

Sa đà câu ca...

Bây giờ trở lại với câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”, có mấy điểm người viết lưu tâm. Về ngữ âm, cách phát âm của người Bình Định (hay Phú Yên cùng xứ nẫu) là “gởi”, không phải “gửi”. Thứ nữa, thực ra Bình Định có địa hình núi non, đồng bằng, biển đảo đủ cả. “Nậu nguồn”-người ở trên nguồn, nơi trên cao, xa, không cứ gì phải là ở tỉnh khác, vùng khác. Ví như Ân Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh ở Bình Định đều có thể xem là xứ nguồn.

Tuy nhiên xét về mặt địa giới hành chính, địa hình địa vật, vùng Tây Sơn thượng đạo rõ ràng là nguồn so với Tây Sơn hạ đạo. Xa hơn, vì 2 nơi này ngày xưa rộng lớn, lại cách nhau con đèo dài hiểm trở An Khê, vì một là nơi cư ngụ lâu đời của dân tộc Jrai, Bahnar, một là chốn sinh sống của người Kinh, Bình Định.

Vậy còn “sản vật” giao kèo trao đổi (hay“quà cáp” gửi trao cho nhau): mít non trên nguồn, cá chuồn dưới xuôi? Đầu tiên, đây là những thứ dân dã, không mấy giá trị. Cá chuồn chẳng phải là đặc sản cao cấp gì. Mít non lại càng không, càng không phải chỉ trên xứ xa, xứ nguồn mới có. Vậy rõ ràng lời giao kèo, nhắn gửi: Nhớ nhé, mít non gởi xuống thì cá chuồn sẽ gởi lên, chỉ là cái cớ, sâu xa là cái tình ẩn trong đó. Vậy đây là cái tình gì?

Có phải là cái tình người miền núi-đồng bằng, nguồn-xuôi? Không thể phủ nhận sự giải thích này, lớp nghĩa này. Nhưng cách nhắn gởi xa xôi, không tên họ, địa chỉ cụ thể song lại tha thiết lắm, nhớ nhung lắm: “Ai về nhắn với nậu nguồn” có vẻ chỉ dành cho một đối tượng, một con người cụ thể. Người đó là ai, trai hay gái? Cách nhắn gửi có vẻ “bâng quơ” xa xôi với “nậu nguồn” kỳ thực lại kín đáo, không kém phần tinh tế, chỉ có thể là ở tâm lý người nữ. Tôi đồ rằng, đây là lời thương cô gái miền xuôi nhắn gửi chàng trai miền ngược, nơi xứ nguồn. Giải thích kiểu đó, tôi có chủ quan, có vì yêu thích mà bị câu ca dao dẫn dụ?

Rồi, câu ca này có đề cập gì đến tập quán ẩm thực: mít non nấu với cá chuồn? Hẳn nhiên là có. Vì, sao không gởi/trao đổi gì khác mà là cá chuồn với mít non. Hẳn cá chuồn phải nấu với mít non mới ngon, mới hấp dẫn ? Đơn giản, chỉ với 14 chữ, câu ca dao đã phản ánh đầy đủ một món ăn dân dã, kinh nghiệm và tập quán ẩm thực tồn tại lâu đời cũng như tình yêu lao động của người một vùng đất.

2dungnhandd.jpg
Tỉnh Gia Lai mới sẽ có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn. ẢNH: DŨNG NHÂN/TNO

Nói thật là người Bình Định, dù phần lớn thời gian công tác ở Gia Lai, tôi cũng như nhiều người quê không xa lạ cá chuồn, mít non. Tầm này là thời gian rộ mùa cá chuồn. Mùa xuân, cho đến tháng 4, tháng 5 là mùa cá chuồn một dọc biển miền Trung. Loại cá mình mập, thuôn dài 25-30cm, vây, đuôi dài có thể bay xa hàng mấy chục thước trên biển. Tôi chứng kiến chuyện này vì từng có chuyến công tác Trường Sa. Mỗi khi tàu dừng, thả neo lúc hoàng hôn, cơm nước xong là anh em báo chí quây lại đuôi tàu hải quân để xem chiến sĩ bật đèn vợt cá chuồn làm mồi câu.

Trong bóng đêm, khi ánh đèn công suất lớn bật lên, đám cá chuồn bắt sáng lao lên mặt nước như điên, rơi vào vợt bẫy giăng sẵn, rất dễ. Cá bắt được chỉ lấy phần thịt 2 bên lườn làm mồi câu. Thắc mắc sao không lấy hết con, chỗ thịt khác, thì được “mở trí”: chỗ thịt lườn cá chuồn có đặc điểm sáng ánh bạc lân tinh mạnh nhất, chìm sâu vài trăm mét nước con mồi vẫn nhìn thấy. Cũng chưa hài lòng, nhưng thôi, chấp nhận với cách giải thích như thế.

Nói về loại cá này từ lâu đã có trong thực phẩm của người quê tôi. Thực ra người quê không đánh giá cao cá chuồn. Cá nhiều thịt nhưng phẩm chất không quá nổi bật. Đặc biệt, nó khá kén kỹ thuật nấu nướng. Trình kỹ thuật không “cao tay”, thành phẩm sẽ không như ý, sẽ kém hấp dẫn. Thứ nữa là loại cá này nhiều người ăn vào thường bị dị ứng, ngứa rất khó chịu. Ít khi dùng nhưng nếu mua, má thường kho nghệ, kho với dừa đến keo, hay kho ngọt ăn như canh.

Còn mít non thì quá quen thuộc, vùng Bình Định nhiều mít, nhà tôi có đến mấy cây quanh vườn, mít ướt, mít ráo có đủ. Chân tôi đến bây giờ vẫn còn dấu bỏng vì dẫm phải tro nóng để lấy muối chấm dái mít, thuở nhỏ. Bài học nhớ đời, đừng nhầm trong tro không còn lửa!

Không kể dái mít là món vặt đám trẻ quê nào cũng biết. Trái mít khi còn non cho đến già, chín, gần như đều được sử dụng, để ăn hoặc làm rau, gỏi. Bà xã tôi thỉnh thoảng mua về hộp gỏi mít non trộn đậu phộng giã nhỏ. À, đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp thưởng thức món bánh mì luộc (củ mì tươi mài lấy bột làm lớp vỏ bao bên ngoài, trong là nhân làm cơm hạt mít nấu chín trộn mắm muối, hành, tiêu). Món ngon không tưởng những năm chiến tranh, những năm khó khăn thời kỳ hợp tác hóa…

Mít non nấu với cá chuồn. Cũng là món má nấu khi nào. Cá chuồn sau khi mua về, làm sạch, để ráo nước, ướp mắm muối, gia vị, nghệ giã nhỏ một đỗi, hoặc đem nướng sơ trên than hồng cho sém ngoài da trước khi đem kho. Để ngon hơn, má dùng ít dầu, mỡ phi hành cho thơm trước khi cho cá vào nồi. Đợi một lúc khi đã dậy mùi, má cho mít non vào, trộn đều và đậy nắp xoong kho vài chục phút, trước khi nhấc nồi khỏi bếp.

Nói thêm, cũng với nguyên liệu, gia vị tương tự, nhưng khi má kho bằng nồi đất, thêm chút nước cốt dừa, món ăn xứng đáng với cụm từ cao lương mỹ vị. Kho vừa ăn, hay mặn hơn đều đưa cơm khó cưỡng. Tôi không sành nên nhường chuyên gia phân tích, lý giải món ngon kết hợp vừa “có lý” vừa độc lạ.

Dông dài một chút để thấy, phải như thế nào để mít non-cá chuồn đi vào ca dao? Một món ăn nếu không muốn nói quá bình thường. Hai món quà trao gửi không mấy giá trị. Nhưng kết hợp lại, chúng trở nên lung linh sâu thẳm cả tâm hồn lẫn trí tuệ, đầy thông cảm hiểu biết và tình cảm. Có thể nào, ai (bạn, nẫu) là người thề non hẹn ước ? Phải hàng trăm năm, hay hơn thế, dân gian mới đúc kết thành kinh nghiệm truyền đời, thành tình cảm sâu sắc, keo sơn, với các cặp “phạm trù” không thể thay thế hay tách rời: mít non-cá chuồn, xuống-lên, thân thương nhắn gửi, hẹn ước chân thành.

Thảng thốt nhận ra: bao lâu rồi chưa thưởng thức món quê xưa? Bôn ba mưu sinh, lang bạt kỳ hồ, khốn khổ tưởng cùng đường, ngất ngưỡng tít cung mây, trăm món đã từng, vậy mà… Vì cuộc sống thay đổi, món xưa chỉ còn trong ký ức. Cũng nguyên liệu đó, cũng mít non, cũng cá chuồn nhưng cách chế biến không còn như xưa, trình độ ẩm thực bây giờ đã khác, v.v…Tự lý giải, hiểu vậy, nhưng chẳng hài lòng, an tâm.

“Bác học” đã có

Người già sống bằng ký ức. Tôi đang như vậy. Nhớ món dân dã ngày nào là nhớ quê, nhớ má nay không còn, chuyện cũ, thân quen khó mờ phai…

Lúc này, tôi chuẩn bị về hưu, đồng sự chuẩn bị bắt đầu một hành trình mới. Họ có chút lo lắng, tâm trạng với việc sáp nhập, đi ở, gia đình, công việc. Rồi việc đặt tên tỉnh mới, tên xã phường. Nhưng trên hết, tất cả đều ủng hộ chủ trương lớn, cho kỷ nguyên mới, cơ hội mới. Vạn sự khởi đầu nan. Đầu xuôi đuôi lọt. Khổ tận cam lai. Quy luật đã được người xưa đúc kết, cả bài học tinh thần lạc quan. Không phải nói ngoa, bác học đã có, đã ở đó rồi!

Gia Lai bây giờ là quê hương của hơn 40 dân tộc. Phần đông người Gia Lai đến từ Bình Định, Phú Yên (cùng là xứ Nẫu), Quảng Ngãi, Quảng Nam…Cũng chẳng xa lạ, xa xôi gì khi Gia Lai nhập với Bình Định.

pham-quy.jpg
Thắng cảnh Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Phạm Quý

Xa xưa, Gia Lai với Bình Định đã có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Gia Lai là quê hương của cư dân Jrai, Bahnar và trải theo thời gian, lịch sử đều ghi đậm dấu ấn liên hệ mật thiết, gắn bó với cư dân Bình Định.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra, các dân tộc bản địa Gia Lai và người Kinh, người Bahnar Bình Định có mối liên hệ văn hóa, giao thương buôn bán trao đổi lâu đời. Bình Định và Gia Lai tiếp giáp với nhau, nên qua lại, quan hệ làm ăn, trao đổi sản vật, hàng hóa, gạo muối, chiêng ché là dĩ nhiên. Một số địa bàn Gia Lai trở thành đơn vị hành chính của Bình Định trong quá khứ. Những cư dân người Kinh đầu tiên có mặt trên địa bàn Gia Lai cũng được xác nhận xuất phát từ Bình Định. Vùng An Khê xưa của Gia Lai là Tây Sơn thượng đạo, thì phía dưới đèo An Khê thuộc địa phận Bình Định là Tây Sơn hạ đạo. Lịch sử hào hùng của Gia Lai, Bình Định và của dân tộc dưới thời Tây Sơn không thể tách rời vai trò 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ.

Tình cảm anh em láng giềng keo sơn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi càng sâu đậm và phát huy trong các thời kỳ cách mạng và dựng xây, phát triển. Còn và còn nhiều cơ sở khác để khẳng định quan hệ anh em bền chặt gắn bó, khó tách rời Gia Lai-Bình Định, đặc biệt dưới ánh sáng của thời đại mới.

3phannguyen.jpg
TP. Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Trên thực tế, cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, mọi sự vật hiện tượng đều có các mặt thuận lợi, khó khăn khác nhau. Lần này là lần Trung ương “làm lớn”, tính đến cả trăm năm. Nếu nói tiền lệ, đã có, nhưng chưa phản ánh hết những khó khăn, vướng mắc. Song thực tế cách mạng đòi hỏi, không thể chần chừ, làm mất cơ hội. Vậy nên phải quyết tâm làm, làm cho bằng được. Làm với quyết tâm chính trị cao nhất, như bước vào một cuộc cách mạng, không bàn đường lùi.

Xưa đã có, giờ rõ hơn. Vì tương lai và mục tiêu lớn lao. Chung tay góp phần bé nhỏ cho chặng đường mới Gia Lai-Bình Định. Cho còn mãi và sâu sắc hơn, tình cảm hơn câu ca thuở nào!

Sáp nhập Gia Lai, Bình Định: Một tỉnh mới, hai thế mạnh, nhiều kỳ vọng
Bình Định chỉ đạo 'nóng' về cao tốc nối với Gia Lai
Dự kiến hợp nhất Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai

Nguồn: https://baogialai.com.vn/tu-trong-cau-ca-nghia-tinh-post321088.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm