Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Ảnh: Quochoi.vn
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng việc áp dụng với mức lãi suất 0% khi các ngân hàng gặp điều kiện khó khăn, thẩm quyền chuyển từ Thủ tướng xuống thống đốc có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Cần quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí cho vay
Cũng bởi, với các khoản vay này được hưởng lãi suất 0%, trong khi bên ngoài mức lãi suất là 4-5%, đặt ra vấn đề là khi nào cho vay đối với khoản vay này. Do đó, cần phải có quy định cụ thể về điều kiện tiêu chí cho vay, tránh tình trạng xảy ra cơ chế xin cho.
"Việc đúng sai thế nào khó cho cán bộ trực tiếp thực hiện. Quy định Ngân hàng Trung ương tài trợ vốn thì cân đối tài chính thế nào, nguồn lực ở đâu? Do đó, cần cân nhắc tính toán tiêu chí cụ thể, điều kiện, đảm bảo mục tiêu chính sách đề ra" - ông Nam nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng chỉ ra thực tế, hiện có nhiều tổ chức tín dụng rơi vào kiểm soát đặc biệt, nên để tránh đổ vỡ, dự luật đề xuất cho Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cho vay 0%.
Với việc dự thảo điều chỉnh việc trao quyền cho thống đốc ngân hàng là rất phù hợp với tinh thần phân cấp phân quyền, song đại biểu cho rằng để tránh trục lợi với mức vay 0% trong khi ngân sách còn nhiều khoản phải lo, thì phải nên quy định rõ trường hợp nào được vay lãi suất 0%.
“Cần phân định rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát dòng tiền như thế nào để không rơi vào tình trạng rủi ro.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được trao quyền quyết định nhưng cần phải đi kèm trách nhiệm” - ông Cường nêu quan điểm.
Đối với việc luật hóa nghị quyết 42/2017/QH14, ông Cường cho rằng việc xử lý nợ xấu mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, cần bổ sung thêm một số quy định để đảm bảo ngăn chặn rủi ro.
Đơn cử, dự thảo quy định tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp có thỏa thuận trước với bên đi vay.
Ví dụ quyền thu giữ tài sản đảm bảo: nếu như giữa người đi vay và tổ chức tín dụng có thỏa thuận trước thì có thể dẫn tới tình trạng người vay rất muốn vay nên chấp nhận mọi điều kiện để vay, còn tổ chức tín dụng cũng không quan tâm đến các điều kiện khác, chỉ cần quan tâm đến tài sản đảm bảo.
Băn khoăn quy định quyền thu giữ tài sản đảm bảo
Thực tế, tổ chức tín dụng cho vay và nhìn vào điều kiện là tài sản đảm bảo như là một trong các yếu tố. Nếu được luật hóa, rất dễ tổ chức tín dụng chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo. Vì vậy, đại biểu đề xuất nên đưa vào điều kiện phải đảm bảo khoản vay tín dụng ấy không được vi phạm các quy định về cấp tín dụng.
Cùng đó, ông đặt câu hỏi tài sản đảm bảo khi thu hồi, nếu là tài sản tranh chấp có được thu hồi không? Theo dự thảo, chỉ khi tòa tuyên bố kê biên, còn đang tranh chấp thì không được loại trừ. Điều này cũng ảnh hưởng, vì không phải tài sản đảm bảo nào cũng đã được tòa tuyên, nếu vậy rất khó thu hồi.
Còn theo đại biểu Nam, nhiều nước trên thế giới đưa ra nguyên tắc đã vay phải trả, không trả được thì phải bán tài sản đảm bảo theo hệ thống thông luật.
Tuy nhiên, ở một số nước tài sản đảm bảo được xử lý là phải đưa ra tòa, áp dụng các quy định của luật tố tụng, thi hành án, thẩm định định giá... Tòa án là nơi cuối cùng bảo vệ công bằng và công lý.
Trên thực tế ở Việt Nam, cũng có tình trạng ngân hàng tham gia và có thể lạm dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Trong khi theo quy định của Hiến pháp phải đảm bảo quyền bí mật đời tư, các vấn đề liên quan quyền con người, nên việc xử lý phải làm sao công bằng lợi ích hợp pháp của các bên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dai-bieu-ban-khoan-nguon-luc-khoan-vay-dac-biet-lai-suat-0-co-the-phat-sinh-rui-ro-20250520172831811.htm
Bình luận (0)