Theo Ban Tổ chức, triển lãm đã nhận được khoảng 400 hồ sơ của các hoạ sĩ từ nhiều quốc gia châu Á. Qua quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng, 40 hồ sơ tiêu biểu đã được chọn để chính thức tham dự triển lãm. Ðặc biệt, Việt Nam vinh dự có tới 7 hoạ sĩ được mời tham gia, một con số ấn tượng thể hiện sự thăng hoa và hội nhập của mỹ thuật Việt Nam trong dòng chảy đương đại.

Danh sách 7 hoạ sĩ Việt Nam được lựa chọn gồm: Phan Thái Hoàng (tỉnh Cà Mau); Nguyễn Thị Hoà và Tô Trần Bích Thuỷ (Thừa Thiên Huế); Ngô Hùng Thanh (TP Ðà Nẵng); Nguyễn Công Hoài (TP Biên Hoà); Lê Thuý Quỳnh (TP Hồ Chí Minh) và Lê Quỳnh Anh (TP Hà Nội).

Các hoạ sĩ Việt Nam và người sáng lập triển lãm, ông Corrodo Ferretti tại triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025 diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan.                                                                                                                                                                                        (Ảnh: Hoạ sĩ Phan Thái Hoàng cung cấp)

Các hoạ sĩ Việt Nam và người sáng lập triển lãm, ông Corrodo Ferretti tại triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025 diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan. (Ảnh: Hoạ sĩ Phan Thái Hoàng cung cấp)

Ðược tổ chức tại thành phố Chiang Mai, trung tâm văn hoá - nghệ thuật đậm chất Á Ðông của Thái Lan, triển lãm lần này quy tụ khoảng 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, tranh lập thể và trừu tượng chiếm khoảng 70%, phần còn lại là tranh hiện thực, tạo nên một không gian mỹ thuật đa chiều, vừa hiện đại vừa sâu sắc về nội dung và hình thức thể hiện.

Chia sẻ từ triển lãm, Hoạ sĩ Phan Thái Hoàng, người con của vùng đất Cà Mau, cho biết: “Ðây là cơ hội quý báu để chúng tôi, những hoạ sĩ Việt Nam, được học hỏi, giao lưu với bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế của mỹ thuật nước nhà. Các tác phẩm Việt Nam lần này được đánh giá cao về kỹ thuật cũng như ý tưởng, đặc biệt là ở thể loại tranh lập thể, trừu tượng, tranh bút sắc và tranh khắc kẽm. Sự yêu thích từ công chúng Thái Lan và khách quốc tế là động lực để chúng tôi tiếp tục sáng tạo”.

Ðáng chú ý, triển lãm còn ghi nhận sự đột phá từ những tác phẩm mang tính ứng dụng cao, kết hợp kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại. Nhiều hoạ sĩ Việt Nam đã mạnh dạn khai thác chất liệu mới, bố cục phá cách, chuyển tải những thông điệp về con người, môi trường, văn hoá bản địa và nhịp sống hiện đại châu Á một cách tinh tế và đầy chiều sâu.

Tác phẩm “UNTITLED 1”, chất liệu sơn mài tổng hợp, tác giả Ngô Hùng Thanh (TP Ðà Nẵng).

Tác phẩm “UNTITLED 1”, chất liệu sơn mài tổng hợp, tác giả Ngô Hùng Thanh (TP Ðà Nẵng).

Tác phẩm “Bay trong giấc mơ”, chất liệu in đồng, tác giả Nguyễn Thị Hoà (Thừa Thiên Huế).

Tác phẩm “Bay trong giấc mơ”, chất liệu in đồng, tác giả Nguyễn Thị Hoà (Thừa Thiên Huế).

Tác phẩm “Trăng làng E Ðê”, chất liệu Acrylic, tác giả Phan Thái Hoàng (tỉnh Cà Mau).

Tác phẩm “Trăng làng E Ðê”, chất liệu Acrylic, tác giả Phan Thái Hoàng (tỉnh Cà Mau).

Người sáng lập triển lãm, ông Corrodo Ferretti (người Italia) chính là cầu nối, đưa nghệ thuật châu Á đến gần hơn với cộng đồng quốc tế. Với tầm nhìn dài hạn và niềm đam mê nghệ thuật đương đại, ông đã kiến tạo nên một không gian kết nối, nơi các hoạ sĩ không chỉ trưng bày tác phẩm mà còn cùng nhau nghiên cứu, thảo luận và định hướng phát triển dòng tranh lập thể, trừu tượng trong thời đại mới.

Theo chia sẻ từ ông Ferretti, sau thành công của sự kiện tại Thái Lan, triển lãm “Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” dự kiến sẽ được tổ chức tại TP Huế (Việt Nam) vào năm 2026. Ðây là cơ hội quý giá để Việt Nam không chỉ khẳng định vai trò trong khu vực mà còn trở thành trung tâm kết nối mỹ thuật đương đại châu Á.

Không dừng lại ở đó, Ban Tổ chức còn lựa chọn 5 tác phẩm tiêu biểu từ các quốc gia để tham gia triển lãm tiếp theo tại Italia vào tháng 11/2025. Trong số này, Việt Nam vinh dự có tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thuý Quỳnh (TP Hồ Chí Minh) được tuyển chọn. Ðây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân hoạ sĩ mà còn là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ và chiều sâu tư duy của mỹ thuật Việt Nam trong dòng chảy đương đại toàn cầu.

Nhìn lại hành trình triển lãm tại Chiang Mai, có thể thấy Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình trên sân chơi nghệ thuật quốc tế, không chỉ ở số lượng hoạ sĩ tham dự mà còn ở chất lượng tác phẩm, tư duy sáng tạo và tinh thần hội nhập. Với sự hỗ trợ từ những nhà tổ chức quốc tế như ông Ferretti và mạng lưới kết nối khu vực, tương lai của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là trong dòng tranh lập thể và trừu tượng, đang rộng mở và đầy hứa hẹn.

 

Hoàng Vũ

 

Nguồn: https://baocamau.vn/dau-an-viet-nam-tai-trien-lam-the-ky-nghe-thuat-chau-a-2025--a38735.html