Thành phố khai thác nước từ sông Thu Bồn để bảo đảm an ninh nguồn nước. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sửa đổi quy trình vận hành liên hồ
Để tránh tình trạng mực nước sông Vu Gia hạ thấp xuống mức lịch sử và mặn xâm nhập sâu lên sông Yên và sông Túy Loan như năm 2024, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đề nghị cần sớm sửa đổi quy trình vận hành các hồ, đập dọc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) Ngô Văn Nhân đề nghị, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh nội dung để làm sao không cho nước mặn xâm nhập sâu lên sông Yên và sông Túy Loan; đồng thời, có giải pháp khắc phục nhanh chóng nhiễm mặn khi xảy ra tình trạng này. Trưởng Chi cục Quản lý tài nguyên nước và thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng) Lê Văn Tuyến cũng nêu việc sửa đổi, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cần hạn chế ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của người dân ở hạ lưu đập dâng An Trạch cũng như tạo cơ chế phối hợp thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng trong việc giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng nước ở hạ du. “Năm 2025, chúng tôi đã đưa nội dung chống thiếu nước, nhiễm mặn ở sông Túy Loan và sông Yên vào phương án chống hạn để chủ động ứng phó”, ông Lê Văn Tuyến nói.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng) kiến nghị cần điều chỉnh vận hành hồ thủy điện Sông Bung 4A và Sông Bung 5 với vai trò là điều hòa nguồn nước hằng ngày cho hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn.
Theo đó, trên cơ sở lưu lượng nước từ các hồ thủy điện điều tiết năm ở thượng lưu xả về, thay vì xả với lưu lượng lớn một khoảng thời gian ngắn trong ngày, 2 hồ thủy điện Sông Bung 4A và Sông Bung 5 lưu trữ và điều tiết với lưu lượng đều trong 24 giờ. Nhà nước cần có cơ chế về tài chính để thủy điện Sông Bung 5 điều hòa nguồn nước, tạo dòng chảy liên tục về hạ du. TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đề xuất bổ sung quy định mực nước thấp nhất theo 5 giai đoạn trong mùa lũ nhằm giảm thiểu nguy cơ không tích được nước đầy hồ hoặc không tích được nhiều nước đối với các năm không có lũ.
Mực nước cao nhất trước lũ và mực nước đón lũ thấp nhất của các hồ cũng được đề xuất chia thành 4-5 giai đoạn thay vì chỉ 2 giai đoạn nhằm làm tăng sự linh hoạt trong vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du, mà vẫn bảo đảm tích được nước cao nhất vào cuối mùa lũ để cấp nước cho hạ du trong mùa cạn. Cùng với đó, bổ sung quy định giao quyền điều hành việc xả nước của các hồ thủy điện cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp dưới 1,8m quá 12 giờ trong 1 ngày hoặc khi độ mặn sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô của nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000mg/l quá 12 giờ liên tục, nhằm hạn chế tình trạng mực nước sông Yên hạ quá thấp và xâm nhập mặn quá sâu lên sông Túy Loan và sông Yên như thời gian qua.
Bảo đảm an ninh nguồn nước
Lượng mưa quá thấp kéo dài hơn 4 tháng đầu năm 2024 tương tự cùng kỳ năm 2021 khiến hồ chứa trên sông Cu Đê tại thượng lưu đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) hạ thấp xuống mực nước chết trong 1 tuần vào giữa tháng 5-2024, đe dọa việc cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng... TS. Lê Hùng cho rằng, theo tính toán, trong mùa cạn, có lúc lưu lượng nước về hồ chứa này chưa đầy 1m3/s. Nhưng theo quy trình vận hành hồ, lưu lượng xả dòng chảy môi trường về hạ lưu lại đến 2,39m3/s. Do đó, cần điều chỉnh lại lưu lượng nước xả về hạ lưu đập khi lưu lượng nước về hồ thấp.
Tình hình lượng mưa quá ít xảy ra trên lưu vực sông Cu Đê chỉ cách nhau 3 năm (2021 và 2024) cũng đặt ra vấn đề cần sớm xây dựng hồ chứa nước lớn trên sông Bắc (thượng nguồn sông Cu Đê) để chủ động bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng và phục vụ cho nhà máy nước Hòa Liên (giai đoạn 2) nâng công suất cấp nước trong tương lai. Vừa qua, tại Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 19-2-2025 của UBND thành phố Đà Nẵng về danh mục các dự án được phê duyệt và thứ tự ưu tiên triển khai trong thời gian đến, dự án nhà máy nước Hòa Liên (giai đoạn 2) sẽ được triển khai đầu tư trước năm 2030, còn dự án đầu tư xây dựng hồ sông Bắc sẽ được triển khai trong giai đoạn sau năm 2030 bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Vạn Thắng bày tỏ, thành phố Đà Nẵng đang khai thác chủ yếu nguồn nước sông Vu Gia để cấp nước sinh hoạt và sản xuất, nhưng thường xuyên bị nhiễm mặn và thiếu nước do tác động của việc đầu tư, vận hành các hồ thủy điện ở thượng nguồn cùng các yếu tố khác. Việc khai thác nguồn nước sông Vu Gia cũng gặp thách thức khi dọc lưu vực sông đang bị đô thị hóa mạnh mẽ và nguy cơ bị cắt dòng khi xảy ra lũ lớn, đổ nước hoàn toàn về sông Thu Bồn như trận lũ lịch sử năm 1999. Nguồn nước sông Cu Đê là quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng, nhưng đáng tiếc là không được dồi dào.
Diện tích lưu vực sông Cu Đê rất nhỏ nên khả năng sinh thủy trong mùa cạn của lưu vực sông này không lớn. Do vậy, khi nâng công suất của nhà máy nước Hòa Liên, nhất là sau năm 2030 thì thành phố cần phải xây dựng hồ chứa lớn trên sông Bắc (thượng lưu sông Cu Đê) để khai thác triệt để nguồn nước, bảo đảm cấp nước tối đa khoảng 350.000m3/ngày. Tuy nhiên, trữ lượng này chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng nhu cầu sử dụng nước của thành phố vào năm 2050.
Vì vậy, Đà Nẵng cần phải hướng đến khai thác nguồn nước từ sông Thu Bồn để bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố sau năm 2030. Ngoài ra, để dự trữ nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng, thành phố cần nghiên cứu xây dựng đập dâng hoặc hồ chứa trên sông Lỗ Đông và suối Lớn ở thượng nguồn sông Túy Loan. Cùng với đó, bảo vệ, giữ gìn hồ Đồng Nghệ, nhất là môi trường và vệ sinh nguồn nước để làm kho dự trữ nước ngọt, bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng.
HOÀNG HIỆP
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/dau-tu-cac-cong-trinh-thuy-hien-dai-da-muc-tieu-bai-cuoi-can-giai-phap-tong-the-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-4005584/
Bình luận (0)