Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về xã hội hóa trong giáo dục

Nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục trong nhà trường ngoài ngân sách nhà nước, học phí, còn có nguồn tài trợ của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp. Vì thế, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về xã hội hóa trong giáo dục.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân16/04/2025

Chiều 16.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa chủ trì cuộc làm việc.

ams.jpg
Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa chủ trì cuộc làm việc

Giáo dục toàn diện, đào tạo chuyên sâu

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có chức năng đào tạo trình độ THCS và THPT; phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một trong các môn chuyên của trường, giáo dục học sinh thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung.

Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương cho biết, nhà trường hiện có 77 lớp học, 2.689 học sinh. Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, đào tạo chuyên sâu, nhà trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục mở, học tập suốt đời; đổi mới phương pháp dạy học và nghiên cứu khoa học, tiếp cận thành tựu giáo dục mới của thế giới; dạy học liên môn và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh. Học sinh được làm thí nghiệm, thực hành với thiết bị hiện đại; được vào học tập tại nhà máy, viện khoa học, bệnh viện...

ams1.jpg
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương báo cáo Đoàn giám sát

Giai đoạn 2020 - 2025, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn nằm trong tốp đầu các trường có điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi vào lớp 10 của thành phố Hà Nội. Trường cũng thường xuyên đứng đầu toàn quốc về số giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hàng năm, như năm học 2023 - 2024, giành 105 giải, dẫn đầu cả nước.

Trên đấu trường quốc tế, học sinh của Trường đã làm rạng danh trí tuệ Việt ở các kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA), Olympic Vật lý Bắc Âu, Olympic Hóa học quốc tế, Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Bulgaria… Tính từ năm học 2020 - 2021 đến học kỳ I năm học 2024 - 2025, tổng giải thưởng trong các cuộc thi khoa học quốc tế của trường là 107 giải, gồm 26 HCV, 36 HCB, 37 HCĐ, 8 giải Khuyến khích.

Bên cạnh giáo dục mũi nhọn ở các bộ môn chuyên, nhà trường chú trọng các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực STEM, AI và Robotics. Nhà trường đi đầu trong công tác chuyển đổi số ngành giáo dục. Hệ sinh thái giáo dục STEM của trường đến nay đã vững mạnh, phát triển nở rộ và mô hình được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác.

ams4.jpg
Thầy Khuất Duy Dũng chia sẻ về CLB Em yêu lịch sử của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Đặc biệt, “với định hướng giáo dục toàn diện, vừa hồng vừa chuyên, từ năm 2022 tới nay, nhà trường đã kết nạp được 21 học sinh vào Đảng, cử nhiều quần chúng ưu tú học sinh tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và giới thiệu về cơ sở giáo dục tiếp theo để các em có điều kiện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện”, Hiệu trưởng Trần Thùy Dương thông tin.

Đầu tư thiết bị đẩy mạnh giáo dục STEM

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam xây dựng thương hiệu trường chuyên đầu ngành để thu hút giáo viên giỏi; tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên có trình độ cao, tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa từ các trường đại học sư phạm hàng đầu trong và ngoài nước; hợp tác đào tạo với các trường để phát hiện, bồi dưỡng nguồn giáo viên tương lai.

Bên cạnh đó, tạo môi trường làm việc năng động, học thuật, tôn trọng chuyên môn, trao quyền sáng tạo cho giáo viên. Khen thưởng, đánh giá thi đua minh bạch, gắn với thành tích đào tạo học sinh giỏi, thành tích tại các kỳ thi khác như khoa học kỹ thuật, robotics, trí tuệ nhân tạo (AI)…. Giáo viên được ưu tiên tham gia các đề án nghiên cứu, dự án đổi mới giáo dục, sáng kiến kinh nghiệm, chia sẻ chuyên môn cấp quốc gia và quốc tế.

ams5.jpg
Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Thoa quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường chuyên

Nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục trong nhà trường ngoài ngân sách nhà nước, học phí, còn có nguồn tài trợ của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp. Trang bị thiết bị dạy học (máy chiếu, bảng thông minh, màn hình thông minh… tại phòng học; máy tính cho phòng tin học), khuôn viên cây xanh, thư viện ngoài trời cũng được đầu tư, chăm chút với sự hỗ trợ từ Trường đại học VinUni, cha mẹ học sinh từng khối, các mạnh thường quân…

Trước xu hướng phát triển công nghệ số, dạy học tích hợp, nghiên cứu khoa học, STEM… đáp ứng nguồn lực nhân lực cao sau này, nhà trường cũng đã kêu gọi được sự đầu tư từ các doanh nghiệp, đơn vị để xây dựng phòng lab STEM (do Trường đại học VinUni tài trợ), phòng lab Samsung (phần thưởng cho học sinh của nhà trường đạt giải xuất sắc trong kỳ thi cho Samsung tổ chức)…

Từ thực tiễn hoạt động, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về công tác xã hội hóa trong giáo dục để nhà trường có thể áp dụng và tạo được sự đồng thuận cao; có chính sách phù hợp hơn, tạo điều kiện cho nhà trường được chủ động tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo viên. Nhà trường cũng mong muốn được trang bị thêm thiết bị thí nghiệm để đẩy mạnh dạy học theo định hướng giáo dục STEM…

ams3.jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chiều 16.4

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát tìm hiểu thêm về vai trò của trường chuyên trong đào tạo nhân tài cho đất nước; việc giáo dục kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường chuyên; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cơ chế thu hút giáo viên giỏi cho trường chuyên; cơ chế thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động giáo dục của nhà trường...

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thời gian qua, luôn trong tốp đầu không chỉ của giáo dục Hà Nội mà còn của cả nước; qua đó góp phần phát hiện, đào tạo được nhiều nhân tài, đặc biệt trong các ngành khoa học cơ bản. Đoàn giám sát mong muốn nhà trường phát huy bề dày truyền thống (40 năm), chia sẻ để lan tỏa mô hình hoạt động của mình, cũng như học hỏi kinh nghiệm, bài học hay từ các trường chuyên khác, xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, chất lượng cao.

Những thông tin trao đổi tại cuộc làm việc đã giúp Đoàn giám sát hiểu hơn về mô hình hoạt động, phương pháp giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên của một trong 4 trường chuyên của TP. Hà Nội. Các kiến nghị của nhà trường sẽ được Đoàn tổng hợp, xem xét trong các cuộc làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chính phủ, cũng như hoàn thiện các chính sách liên quan.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/de-nghi-co-huong-dan-cu-the-ve-xa-hoi-hoa-trong-giao-duc-post410450.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm