Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng tổng điểm tối đa toàn bài là 1.200, trong đó thí sinh (TS) đạt điểm cao nhất 1.060 và thấp nhất ở mức 40 điểm. Phổ điểm cho thấy sự chênh lệch lớn về năng lực giữa các TS trong cùng bài thi.
Thạc sĩ Sơn cho hay so với kết quả bài thi cùng kỳ năm ngoái, điểm trung bình năm 2025 có xu hướng giảm nhẹ (khoảng 25 điểm) do đề thi năm nay được điều chỉnh sang cấu trúc bài thi mới để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng xét tuyển
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Dự đoán về điểm chuẩn xét tuyển bài thi này vào Trường ĐH Công thương TP.HCM, thạc sĩ Sơn cho rằng điểm chuẩn một số ngành sẽ cạnh tranh cao như: kinh doanh quốc tế, marketing, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kế toán...
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: "Phổ điểm năm 2025 có phần lệch trái nhẹ so với năm 2024 và năm 2023, cho thấy kết quả thi năm nay thấp hơn một chút. Bên cạnh đó, độ rộng của phân bố điểm năm 2025 lớn hơn so với các năm trước (thể hiện qua độ lệch chuẩn) cho thấy khả năng phân loại TS của đề thi năm nay tốt hơn, giúp làm rõ sự khác biệt về năng lực giữa các nhóm TS".
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Tiến, tỷ lệ TS trên 600 điểm giảm khoảng 12% so với năm 2024 nhưng do số lượng TS dự thi năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 34,3%). Do đó, số lượng TS tuyệt đối thì năm 2025 có tới 83.741 TS đạt từ 600 điểm trở lên (tăng gần 10.000 so với 2024). "Điều này giúp các trường thuận lợi hơn khi xét tuyển nhưng sự cạnh tranh giữa các TS sẽ gay gắt hơn. Các ngành top dưới điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc giảm nhẹ. Các ngành top đầu khả năng điểm chuẩn tăng nhẹ so với 2024. Tuy nhiên, việc tăng giảm này phụ thuộc lớn vào chỉ tiêu của từng ngành, số lượng và chất lượng hồ sơ nộp vào năm nay", thạc sĩ Tiến dự báo.
Phổ điểm đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025
ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM
Thạc sĩ Tiến cũng cho rằng điểm chuẩn năm nay còn chịu sự tác động bởi điểm mới của quy chế tuyển sinh khi phương thức xét điểm bài thi năng lực phải quy đổi về cùng thang điểm với các phương thức khác để xét chung và lấy TS từ cao xuống thấp. "Do đó, mức điểm chuẩn quy đổi của phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực sẽ còn nhiều biến động tùy theo cách thức quy đổi của từng trường. Vì vậy, TS nên tham khảo kỹ cách thức quy đổi điểm, thông tin việc cộng điểm thưởng, điểm ưu tiên của từng trường trong thông báo tuyển sinh để đưa ra chiến lược đăng ký và sắp xếp nguyện vọng hợp lý, khoa học", thạc sĩ Tiến khuyên.
Cùng quan điểm, PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng phổ điểm thi đánh giá năng lực năm nay thấp hơn nhưng số lượng TS dự thi cao hơn, điều này không tạo quá nhiều biến động về điểm chuẩn xét tuyển năm nay. Chuyên gia này phân tích: "Yếu tố tác động nhiều nhất tới điểm chuẩn không chỉ từ phương thức xét điểm thi năng lực mà cả kỳ thi tốt nghiệp THPT có lẽ là từ sự thay đổi cách thức xét tuyển. Khi tất cả phương thức đều xét chung một đợt, không còn sự phân bố chỉ tiêu theo từng phương thức. Cách này sẽ khắc phục được tình trạng một phương thức nào đó xét tuyển sau, chỉ tiêu còn lại ít điểm chuẩn bị đẩy lên cao. Ngược lại, phương thức trước đây thực hiện trong giai đoạn sớm, nay xét chung cũng có mức độ cạnh tranh điểm chuẩn tương đương với các phương thức khác". Từ bối cảnh trên, PGS Phương cho rằng: "Điểm chuẩn xét tuyển bài thi đánh giá năng lực năm nay sẽ không cao hơn năm ngoái".
Nguồn: https://thanhnien.vn/diem-chuan-thi-danh-gia-nang-luc-co-the-khong-cao-hon-nam-ngoai-185250417194349199.htm
Bình luận (0)