Mới đây, HÐND TP Cần Thơ đã họp thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố. Trong đó, trên địa bàn quận Ninh Kiều, địa danh Tân An được chọn đặt tên cho phường mới, sau sáp nhập 2 phường Hưng Lợi và An Khánh. Vậy, địa danh Tân An có từ bao giờ và mang dấu ấn gì trong lịch sử hình thành, phát triển đô thị Cần Thơ?
Tân An Công Sở đến nay vẫn còn di tích ở đường Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều.
Sách sử ghi nhận địa danh Tân An
Công trình “Ðịa chí Cần Thơ” (Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, 2002) có đoạn ghi rằng: “Xét về thời khai hoang, làng Tân An, Thới Bình đã được hình thành sớm ở trên vùng đất cao này. Có lẽ sóng gió của sông lớn, rạch to mà con người lúc đầu ấy chưa có đủ phương tiện để làm chủ sức mạnh vô thức của tự nhiên nên phải lánh vào nơi rạch nhỏ sóng lặng như rạch Cần Thơ, rạch Tham Tướng, rạch Bình Thủy”.
Trong quyển “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư trong mục từ “Tân An”, cho biết: Tân An là thôn thuộc huyện Vĩnh Ðịnh (chưa có tổng), phủ Ðịnh Viễn, trấn Vĩnh Thanh, triều Gia Long (1802-1820). Như vậy đến nay, địa danh Tân An đã ra đời có hơn 200 năm. Sách còn cho biết thêm, triều Minh Mạng, Tân An thuộc tổng Ðịnh Bảo, huyện Vĩnh Ðịnh, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Qua đời Thiệu Trị, Tự Ðức, đến đầu thời Pháp thuộc vẫn thuộc tổng Ðịnh Bảo, đặt thuộc hạt thanh tra Phong Phú, rồi Cần Thơ. Năm 1871, thuộc hạt thanh tra Sa Ðéc (do Cần Thơ nhập vào Sa Ðéc). Từ ngày 5-1-1876, Tân An là làng thuộc hạt tham biện Trà Ôn, rồi Cần Thơ. Từ 1-1-1900, Tân An thuộc tỉnh Cần Thơ.
Ðể củng cố cứ liệu này, tra cứu công trình “Gia Ðịnh Thành thông chí” của Trịnh Hoài Ðức, biên soạn từ khoảng triều Gia Long đến đầu triều Minh Mạng, đã ghi nhận huyện Vĩnh Ðịnh có tất cả 37 thôn, điếm, trong đó đã có thôn Tân An.
Trong công trình “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” - quyển “An Giang” của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu, cũng có nhiều tư liệu về địa danh Tân An ở Cần Thơ. Ví dụ như Ðịa bạ tỉnh An Giang hồi năm 1876 ghi nhận, hạt Trà Ôn đặt tỉnh lỵ tại Cần Thơ, có 10 chợ lớn là Cần Thơ, Trà Ôn, Bình Thủy, Ô Môn, Cầu Kè… và trong đó có tên “chợ Tân An (Chợ Giữa)”.
Còn trong cuốn “Tổng kết nghiên cứu địa bàn Nam Kỳ lục tỉnh” cũng của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu, có phần xếp thứ tự diện tích ruộng đất thực canh thực cư của 1.637 làng lục tỉnh hồi năm 1836-1837 (thứ tự từ ít tới nhiều), làng Tân An khi ấy thuộc tổng Ðịnh Bảo, huyện Vĩnh Ðịnh, tỉnh An Giang, có diện tích đo đạc là 1053 mẫu, 4 sào, 4 thước tròn, đứng hạng 1.472, cho thấy quy mô lớn của làng thời đó. Diện tích này tương đương khoảng 10.534km2, so sánh với diện tích 29,22km2 của quận Ninh Kiều hiện nay thì đã khoảng hơn 36%, dù chỉ mới là diện tích ruộng đất thực canh thực cư.
Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng thôn Tân An, huyện Phong Phú, ngày 29-11, năm Tự Đức thứ 5 (1852).
Một công trình khác nghiên cứu về Cần Thơ xưa là “Ðịa chí tỉnh Cần Thơ” (tài liệu bằng tiếng Pháp - “Monographie de la province de Cần Thơ”), ấn bản năm 1904, ghi nhận tỉnh Cần Thơ được chia thành 9 tổng, có 90 làng và nhiều ấp. Làng Tân An thuộc tổng Ðịnh Bảo với phụ chú là “chef-lieu”, nghĩa là tỉnh lỵ, với dân số là 9.961 người, đứng thứ 2 trong 10 làng của tổng Ðịnh Bảo, chỉ sau làng Nhơn Ái. Tài liệu này cũng ghi nhận tỉnh Cần Thơ có 10 chợ lớn, trong đó chợ được ghi là: Cần Thơ (làng Tân An) được xếp hạng nhất.
Còn trong sách “Cần Thơ xưa và nay” của Huỳnh Minh (Cánh Bằng ấn bản năm 1966) có ghi nhận: “Năm Minh Mạng thứ 20 (Kỷ Hợi 1836), vùng đất Cần Thơ lại mang tên là huyện phong Phú, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, gồm có 3 tổng, 31 xã, thôn. Thời kỳ này, Cần Thơ (huyện Phong Phú xưa) càng thêm phồn thịnh. Về hành chánh, huyện trị ở địa phận thôn Tân An, châu vi 50 trượng, trồng rào tre”.
Từ tư liệu này, chúng tôi đối sánh với quyển “Ðại Nam nhất thống chí”, được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Ðức, và đoán định tác giả Huỳnh Minh đã căn cứ vào sử liệu này. “Ðại Nam nhất thống chí” chép: “Lỵ sở huyện Phong Phú: chu vi 50 trượng, rào bằng chông chà, ở địa phận thôn Tân An. Trước kia là lỵ sở cũ của huyện Vĩnh Ðịnh, nay làm lỵ sở của huyện này”. Cũng công trình này, phần “Chợ và quán” ghi nhận, huyện Phong Phú có 3 chợ lớn hết thảy, đầu là chợ Thới An Ðông, kế là chợ Tân An ở lỵ sở huyện Phong Phú, và kế nữa là chợ Cần Thơ, cũng lỵ sở huyện Phong Phú, gần sông Cần Thơ.
Liên quan đến Đình Tân An
Từ những sử liệu trên, có thể đúc kết 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, địa danh Tân An ra đời rất sớm, là một trong những làng đầu tiên của Cần Thơ (tính theo địa lý bây giờ), từ thời Gia Long. Thứ 2, từ khi địa danh Tân An được chọn đặt tên cho thôn, làng, thì Tân An luôn trở thành lỵ sở, tỉnh lỵ. Thứ ba, diện tích làng Tân An rộng lớn, chợ búa đông đúc, phát triển vào bậc nhất ở Cần Thơ lúc bấy giờ.
Ðơn cử như thời Pháp thuộc, Tân An Công Sở hay Nhà Việc Tân An (nay tọa lạc ở đường Phan Ðình Phùng) rất quy mô, là nơi tổ chức các sự kiện lớn. Tiêu biểu là trong các số báo đầu năm của tờ An Hà nhựt báo, An Hà báo, số phát hành vào đầu những năm 1920, liên tục có nhiều bài tường thuật về các cuộc đấu xảo, triển lãm, văn nghệ mừng Xuân ở Tân An Công Sở.
Còn nói về độ rộng lớn của làng Tân An xưa, không thể không nhắc đến lai lịch Ðình Tân An. Bởi, đình gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất. Lịch sử Ðình Tân An được tác giả Huỳnh Minh ghi nhận trong cuốn “Cần Thơ xưa và nay” rằng: Năm 1880, ngôi đình được cất hẳn hoi bằng cây lá tại chợ Giữa, cách Cần Thơ hơn 3km. Có tài liệu cho rằng, tên gọi Chợ Giữa xuất phát từ vị trí nằm giữa chợ Cần Thơ và chợ Cái Răng. Ðối chiếu tư liệu “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” - quyển “An Giang” đã trình bày ở trên, Chợ Giữa là tên gọi khác của chợ Tân An (không phải chợ Tân An bây giờ). Ðịa danh Chợ Giữa nay khoảng đoạn chợ Tầm Vu hiện hữu, thuộc phường Hưng Lợi. Ðến năm 1899, đình dời về gần vàm rạch Bà Nga, gần cầu Tham Tướng (khoảng đoạn tòa nhà Vincom hiện nay, thuộc phường Xuân Khánh). Tư liệu này có giá trị minh chứng cho việc địa bàn làng Tân An xưa gồm cả phường Hưng Lợi ngày nay và đã từng được chọn để xây dựng Ðình Tân An với địa thế day mặt ra sông Cần Thơ.
Cuốn “Monographie de la province de Cần Thơ” (“Địa chí tỉnh Cần Thơ”) ấn bản năm 1904, ghi nhận làng Tân An thuộc tổng Định Bảo là tỉnh lỵ.
Một chi tiết liên quan đến Ðình Tân An để thấy địa danh Tân An ra đời từ rất sớm là đình được sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào năm Tự Ðức thứ 5, 1852, có đoạn: “Nhưng chuẩn, Phong Phú huyện, Tân An thôn y cựu phụng sự, Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân”. Ðiều này có nghĩa, Ðình Tân An phải có trước năm 1852, vì có sắc phong Thần và sắc có câu “y cựu phụng sự” - thờ phụng như lệ cũ.
Ðình Tân An xưa có thờ Nhân Thần là ông Nguyễn Thanh Trưng. Ông là Ðốc học tỉnh An Giang, đất đai của ông chạy dài khu vực chợ Giữa xưa, tạm hiểu là khu vực từ khoảng chợ Tầm Vu đến gần chợ Xuân Khánh bây giờ. Ông hay giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là hiến đất, tiền xây đình. Nam Kỳ tuần báo từ tháng 3 đến tháng 10-1943 có đăng loạt du ký “Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa” của nhà báo Khuông Việt. Trong phần “Thẳng xuống Tây Ðô”, điểm đầu tiên tác giả đến là nhà thờ và mộ ông Nguyễn Thanh Trưng. Theo miêu tả của nhà báo Khuông Việt, điểm đến này cách châu thành (tạm hiểu là trung tâm quận Ninh Kiều bây giờ) khoảng 4km, thuộc ấp Xuân Hòa, làng Tân An. Chúng tôi đã có lần đi tìm và may mắn “diện kiến người xưa” trước mộ phần ông Nguyễn Thanh Trưng, trong hẻm của đường Tầm Vu, cách chợ Tầm Vu không xa. Tư liệu thú vị này củng cố thông tin: khu vực chợ Tầm Vu hiện nay xưa là ấp Xuân Hòa, làng Tân An xưa, được kể là “ngoại châu thành Cần Thơ” và cũng xác nhận, làng Tân An xưa rộng đến phường Hưng Lợi bây giờ.
Và không chỉ vậy, cũng trong bài báo này, tác giả Khuông Việt đã đến viếng mộ ông Chàm Hoàng, bên kia bờ sông Cần Thơ, nay vẫn còn, thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Tác giả cho biết, hồi đó là thuộc xóm Lò Gạch, ấp Mỹ Hưng, làng Tân An.
Thêm một dẫn chứng nữa về quy mô làng Tân An xưa. Tại một khu mộ hiện tọa lạc trong khu tái định cư An Bình, thuộc phường An Bình bây giờ, có nhiều bia mộ đã trên 100 năm. Ðơn cử như bia mộ của ông Trương Văn Chất (1845 - 1920), ghi rõ: “Nam Kỳ. Tân An thôn. Cố phụ nguyên Chánh Bái tính Trương húy Chất chi mộ”, được hiểu là bia mộ của ông Chánh Bái Trương Văn Chất ở làng Tân An (năm 1919 ông Chất làm Hương Cả).
***
Ðịa danh Tân An ở Nam Bộ khá phổ biến, được đặt cho ấp (đơn cử trường hợp ở Vĩnh Long, Bến Tre, Ðồng Tháp…); cấp xã (trường hợp ở An Giang, Trà Vinh…); cấp huyện (TP Tân An thuộc tỉnh Long An) hay thậm chí cấp tỉnh (tỉnh Tân An thời Pháp thuộc). Với Cần Thơ, địa danh Tân An gắn liền với sự lịch sử, văn hóa của cả một vùng đất rộng lớn thuộc quận Ninh Kiều. Do đó, việc ngành chức năng TP Cần Thơ giữ và chọn địa danh Tân An đặt cho một phường sau khi sáp nhập là cần thiết và ý nghĩa.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/doi-dieu-ve-dia-danh-tan-an-o-can-tho-a186066.html
Bình luận (0)