Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần-
Phụ nữ phường 7 (TP Tuy Hòa) sử dụng túi lưới tái chế từ lưới đánh cá cũ để đi chợ. Ảnh: ANH NGỌC |
Phú Yên có đường bờ biển dài với nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, là điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang đối mặt và gặp phải một số thách thức về môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa đang gây ô nhiễm với tốc độ nhanh.
Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông mỗi tháng, hơn 80% trong số đó bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần… để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.
Trước thực trạng trên, Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Tỉnh cũng đưa ra những chính sách quản lý rác thải nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững trong tương lai.
Nhiều công trình, dự án, mô hình cải thiện môi trường đã và đang triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề về môi trường ở Phú Yên như không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải… cơ bản được quản lý, kiểm soát tốt. Cảnh quan môi trường đô thị và diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.
Ông Trương Xuân Đoàn, công chức phụ trách lĩnh vực Địa chính - Xây dựng - Đô thị - Môi trường ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho hay: Thời gian qua, địa phương thường xuyên tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Các tổ chức hội, đoàn thể đã tiếp cận thực tế nhiều khu dân cư, hộ gia đình để vận động, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại nhà, bỏ rác đúng nơi quy định và cam kết không vứt rác bừa bãi.
Địa phương cũng tăng cường các biện pháp giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh, tập trung các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, phát động ra quân dọn vệ sinh khu vực bãi biển, những nơi ô nhiễm, đồng thời trồng và chăm sóc cây, hoa để tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp ở nơi công cộng.
Đoàn viên thanh niên TX Đông Hòa tham gia thu gom, xử lý rác thải làm sạch khu vực biển vịnh Vũng Rô. Ảnh: ANH NGỌC |
Công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phong trào chống rác thải nhựa hiện nay được nhiều địa phương, hội, đoàn thể và người dân hưởng ứng. Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Phụ nữ là một trong những lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình đã được hội LHPN các cấp triển khai mang lại hiệu quả tích cực như: Phụ nữ nói không với túi ni lông, Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa, Phụ nữ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, Đổi rác thải nhựa lấy nước tẩy rửa sinh học… Hội LHPN tỉnh tiếp tục đồng hành và tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Phú Yên trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.
Chung tay hành động vì môi trường
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phú Yên đang triển khai kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng dân cư về thực trạng và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy…
Ông Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và biển, hải đảo (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và người dân cần chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường để Phú Yên trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở Phú Yên duy trì các biện pháp giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% công nhân viên, người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiểu biết, có kiến thức bảo vệ môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm giải pháp phân loại và tái chế rác dễ phân hủy sinh học tại nguồn, tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Với kế hoạch và mục tiêu nêu trên, tỉnh đang triển khai nhiều dự án, mô hình nhằm giảm sử dụng nhựa, trong đó có Dự án Phú Yên thực hành không rác. Thực hành không rác là áp dụng triệt để các biện pháp phòng và giảm thiểu lượng chất thải phải đem chôn lấp hoặc đốt. Các bước tiến hành thực hành không rác được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là từ chối, tái thiết kế, giảm thiểu, tái sử dụng, phục hồi, tái chế và quản lý chất thải còn lại.
Dự án này do GreenHub phối hợp với Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam (PE - Việt Nam) triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có gói công việc Giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thực hành không rác. Mục tiêu của gói công việc này là giảm thiểu và dần dần loại bỏ nhựa sử dụng một lần bằng cách phát triển các giải pháp thay thế khả thi và hình thành khung chính sách hỗ trợ.
Bà Nguyễn Bảo Hân, điều phối viên của GreenHub thông tin: Gói công việc Giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thực hành không rác với mục đích triển khai các hoạt động thực hành giảm rác thải và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, góp phần hỗ trợ Phú Yên thực hiện tốt công tác quản lý rác thải. Gói công việc này có 4 hợp phần, đến nay việc triển khai các hợp phần cũng như các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư…
Mục tiêu đến cuối năm 2030, cơ bản cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh phải thực hiện phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn thông qua hành động tái chế, tái sử dụng rác thải sau phân loại và biết chủ động từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.
Ông Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và biển, hải đảo
Bà Quách Thị Xuân, đại diện PE - Việt Nam chia sẻ: Thực hành không rác thải là một lối sống bền vững nhằm bảo tồn tất cả các nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm các sản phẩm, bao bì và vật liệu mà không cần đốt và không thải ra đất, nước, không khí, đe dọa đến môi trường, sức khỏe con người. Không rác thải có nghĩa là không có cái gì gọi là rác vì tất cả đều có thể trở thành tài nguyên nếu chúng ta biết phân loại, xử lý đúng cách. Thực hành không rác được khởi xướng, ủng hộ, phát triển và trở thành xu thế hiện đại, bền vững của nhiều cá nhân, tổ chức và cộng đồng trên thế giới.
Điều này được coi như là một trong những hoạt động đẩy lùi khủng hoảng rác thải, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Thực hành không rác thải hướng mọi người thay đổi lối sống và hành động của bản thân để hình thành nên một vòng tuần hoàn tự nhiên theo hướng bền vững.
Nguồn: https://baophuyen.vn/tin-noi-bat/202504/giam-thieu-rac-thai-nhua-la-loi-song-ben-vung-6df0e93/
Bình luận (0)