Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), TPHCM khẩn trương bước vào giai đoạn tiếp quản và tái thiết, với nhiều đổi thay sâu rộng trên mọi lĩnh vực.
Cùng với quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng, coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, hiện thực hóa chủ trương từ Trung ương về "chống giặc dốt".
Những con số thống kê năm 1976-1977 cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là TPHCM có khoảng 40.000 trẻ em thất học, chưa kể đến hàng vạn người lớn mù chữ.
Trên hành trình "phủ xanh" tri thức, ngành giáo dục TPHCM không chỉ đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, mà còn gánh trên vai trọng trách xóa mù chữ, kiến tạo tương lai cho hàng vạn trẻ em. Ngành giáo dục thành phố mang tên Bác đã viết nên những trang sử đầy tự hào.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM, người đã gắn bó sâu sắc với hành trình này.
"Em còn phải học bài": Khát vọng vươn lên từ con chữ
Thưa ông, nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển giáo dục của TPHCM sau ngày thống nhất, điều gì khiến ông nhớ nhất?
- Với tôi, ký ức sâu sắc nhất có lẽ là không khí rộn ràng, đầy hy vọng của năm học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Phụ huynh nô nức đưa con đến trường, trẻ em háo hức với sách vở mới. Đó là một khởi đầu đầy ý nghĩa, đặt nền móng cho những đổi thay lớn lao của giáo dục thành phố.
TPHCM đã có một dấu mốc quan trọng là hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1995. Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu và quá trình thực hiện "công trình giáo dục" này?
- Vào đầu những năm 90, TPHCM xác định rõ giáo dục cơ sở là nền tảng để nâng cao dân trí, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Năm 1995, thành phố mạnh dạn đăng ký với Bộ GD&ĐT về việc hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Chúng tôi xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ của toàn dân, các ban ngành.
Lời bài hát "Hổng dám đâu, em còn phải học bài" lúc đó như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc học, đồng thời thể hiện quyết tâm đưa trẻ em đến trường.

Đặc điểm chung của hai nền giáo dục trước và sau ngày giải phóng đó là dạy học trò yêu quê hương, yêu Tổ quốc, những đạo đức làm người như lễ phép, kính trọng người lớn, hòa nhã với bạn, ngoan hiền, yêu lao động,… Song, nếu nền giáo dục của chế độ cũ tập trung vào đội ngũ tinh hoa thì Đảng và Nhà nước ta luôn phấn đấu như câu nói của Bác Hồ: "Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Trong quá trình triển khai, chắc hẳn đã có không ít khó khăn, thưa ông?
- Đúng vậy. Thời điểm đó, ngành giáo dục thành phố còn nhiều thách thức, đặc biệt là việc tách trường Phổ thông cơ sở thành hai cấp học riêng biệt. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều khu vực một trường phải gánh 2-3 phường. Đời sống người dân còn khó khăn, nhiều bậc phụ huynh mải lo mưu sinh mà chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em.
Những lớp học đêm và tấm lòng người gieo chữ
Vậy TPHCM đã có những giải pháp nào để vượt qua những khó khăn đó, đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục?
- Tôi vẫn còn nhớ rõ sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là những lời động viên đầy tâm huyết của nhà giáo Hồ Thiệu Hùng, khi đó là Phó giám đốc Sở GD&ĐT, kiêm Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học.
Trong những chuyến công tác xuống các quận, huyện, đồng chí Hồ Thiệu Hùng thường trăn trở, ngành giáo dục phải bằng mọi cách kêu gọi tất cả trẻ em được đến trường, được học tập và tốt nghiệp tiểu học.

Một giáo viên đi thuyết phục xây dựng trường học cho các cháu tại huyện Củ Chi sau Ngày Thống nhất đất nước 30/04/1975 (Ảnh chụp lại tư liệu).

Một vài lớp học còn khó khăn ở vùng ven thành phố (Ảnh chụp lại tư liệu).
Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ các thầy cô giáo đến chính quyền địa phương. Các bác trong khu phố đến từng nhà vận động, trao phiếu, gửi giấy mời nhập học.
Để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập, thành phố tổ chức các lớp phổ cập vào ban đêm tại trường học, nhà văn hóa khu phố, thậm chí tận dụng mọi không gian có thể. Chính quyền địa phương cố gắng trang bị bàn ghế, bảng đen để các em có nơi học tập.
Tôi được biết còn có những lớp học tình thương đặc biệt dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn?
- Bên cạnh các lớp chính quy và phổ cập, TPHCM còn có những lớp học tình thương do các nhà giáo, nhà giáo nghỉ hưu, những nhà hảo tâm tổ chức. Đây là nơi cưu mang những trẻ em theo cha mẹ từ các tỉnh lên thành phố làm ăn, chưa có hộ khẩu hoặc gia đình khó khăn. Các em không chỉ được học chữ mà còn nhận được sự sẻ chia về vật chất, tinh thần.
Những lớp học ấy giản dị đến nao lòng, được tổ chức tại trường tiểu học, nhà văn hóa khu phố, hay bất kỳ địa điểm nào có thể tận dụng. Chỉ cần kê vài bộ bàn ghế cũ, treo lên một tấm bảng đen, một lớp học đã hình thành, mở ra cánh cửa tương lai cho những đứa trẻ thiệt thòi.
Đó là sự kỳ công của giáo dục, là minh chứng cho tấm lòng cao đẹp của các thầy cô, những người luôn nhiệt tình, yêu thương những đứa trẻ như con em ruột thịt.
Ông có thể chia sẻ thêm về những người thầy, người cô đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học?
- Đó là những người hùng thầm lặng của ngành giáo dục. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả, đến với các lớp học đêm, lớp học tình thương bằng cả tấm lòng. Nhiều thầy cô đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Họ chỉ mong học trò của mình có được con chữ, có được tương lai tốt đẹp hơn.
Từ phố thị đến những vùng ven: Quyết tâm không bỏ lại ai phía sau
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học được triển khai trên toàn thành phố, từ nội thành đến các vùng ven, ngoại thành. Chắc hẳn mỗi khu vực sẽ có những đặc thù riêng?
- Đúng vậy. Ở các quận trung tâm, khó khăn có thể là việc vận động các gia đình quan tâm đến việc học của con em. Còn ở các vùng ven, ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, khó khăn lại là cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa. Nhiều lớp học bảng chỉ là bức tường tô đen, thiếu cả phấn trắng. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, thầy và trò vẫn luôn nỗ lực hết mình. Đáng chú ý, mô hình lớp học này vẫn còn duy trì đến ngày nay.




Lớp học tình thương buổi tối được tổ chức tại Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8 - năm 2022 (Ảnh tư liệu: Huyên Nguyễn).
Sự hỗ trợ từ cộng đồng có vai trò như thế nào trong quá trình này, thưa ông?
Chúng tôi nhận được sự chung tay rất lớn từ các nhà hảo tâm, các công ty sách, nhà xuất bản. Họ hỗ trợ bút, tập, sách giáo khoa, giúp giảm bớt gánh nặng cho cả thầy và trò. Chính tình yêu thương, sự sẻ chia đã tạo nên sức mạnh to lớn, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn.
Và cuối cùng, kết quả như thế nào, thưa ông? Cảm xúc của ông và những người làm giáo dục lúc đó?
- Thật vui khi TPHCM trở thành đơn vị đầu tiên đạt được thành tựu ý nghĩa này trong các tỉnh phía Nam - đó là một khoảnh khắc vô cùng xúc động và tự hào. Bao nhiêu nỗ lực, tâm huyết của cả hệ thống giáo dục, của chính quyền và người dân thành phố đã được ghi nhận.
Những lời đánh giá tốt đẹp từ đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT là món quà vô giá dành cho tất cả những ai đã tận tâm với sự nghiệp trồng người. Việc TPHCM trở thành đơn vị đầu tiên đạt được thành tựu này là một dấu son chói lọi trong lịch sử phát triển giáo dục của thành phố.
Gần 30 năm sau ngày TPHCM hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, những học sinh của các lớp học năm xưa giờ đã trưởng thành. Theo ông Điệp, mỗi khi nhìn con cháu học bài, họ hẳn sẽ nhớ về những đêm miệt mài bên trang sách, về sự tận tâm của thầy cô và những tấm lòng nhân ái đã chắp cánh ước mơ cho họ.
"Huân chương" từ lòng dân: Sự ghi nhận cho nỗ lực "trồng người"
Ông đã gắn bó với ngành giáo dục TPHCM từ những năm tháng đầu sau giải phóng. Ông có thể chia sẻ về những thay đổi mà ông đã chứng kiến trong suốt chặng đường đó?
- Tôi còn nhớ rất rõ, năm 1975, tôi vẫn là một sinh viên sư phạm đầy nhiệt huyết. Khi ra trường và bắt đầu công tác, tôi đã chứng kiến những đổi thay từng ngày của ngành giáo dục thành phố. Từ cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị dạy học còn đơn sơ, đến nay, mọi thứ đã phát triển vượt bậc.
Thời điểm mới thống nhất, cuộc sống của người dân nói chung và giáo viên nói riêng còn rất vất vả. Nhưng trong trái tim mỗi thầy cô luôn cháy bỏng một niềm tin, một hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước, vào sự đổi thay tích cực của nền giáo dục.
Chính niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh, giúp chúng tôi tận tụy với nghề, yêu thương học trò và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho các em. Một điều đáng quý nữa là dù cuộc sống khó khăn, phụ huynh luôn dành sự trân trọng đặc biệt cho những người thầy, người cô. Đó là nguồn động viên vô giá.




Ảnh tư liệu về các hội thảo, hội nghị tập huấn phát triển giáo dục (Ảnh nhân vật cung cấp).
Nhìn lại hành trình đổi mới và phát triển của giáo dục TPHCM trong suốt những năm qua, đâu là cột mốc, thành tựu hoặc khoảnh khắc đặc biệt nào khiến ông cảm thấy tự hào nhất? Điều gì đã tạo nên niềm tự hào sâu sắc đó trong ông?
- Có một dấu mốc đáng chú ý là vào năm 2008, Hội đồng Nhân dân TPHCM tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và ngành giáo dục tiểu học của chúng tôi đã được "gọi tên".
Thú thật là lúc đó, nhiều người trong ngành cũng không khỏi lo lắng. Chúng tôi tự hỏi liệu kết quả khảo sát có thực sự khả quan hay không, thậm chí có người còn nghĩ đến những lời phê bình. Tôi nhớ mình đã ngồi dự cuộc họp công bố kết quả với một tâm trạng khá hồi hộp.

Ông Lê Ngọc Điệp thông báo kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người dân năm 2008 và gửi lời tri ân đến các trường học (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Kết quả thực sự đã khiến tất cả chúng tôi bất ngờ và vô cùng xúc động. Bậc giáo dục tiểu học của Sở GD&ĐT TPHCM đã đứng đầu trong số các lĩnh vực được khảo sát, với tỷ lệ hài lòng lên đến 75%. Có 23% người dân không có ý kiến, và chỉ có 2% bày tỏ sự không hài lòng.
Đó thực sự là một "huân chương" vô giá, là sự ghi nhận lớn lao cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của biết bao thế hệ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục của thành phố lúc bấy giờ. Sự hài lòng của người dân chính là động lực to lớn nhất để chúng tôi tiếp tục phấn đấu và nâng cao chất lượng giáo dục.




Tôi hạnh phúc lắm! Sự hài lòng của người dân thực sự là một huân chương vô giá, hơn bất cứ một sự khen thưởng hay danh hiệu nào. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi khi được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tiểu học của thành phố.
Trong 50 năm qua, giáo dục TPHCM đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, để vươn tầm quốc tế, theo ông, đâu là những yếu tố then chốt mà thành phố cần tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa?"
- Để giáo dục TPHCM có thể sánh vai với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, chúng ta cần một chiến lược đầu tư toàn diện và mạnh mẽ. Sự đầu tư này cần tập trung vào ba trụ cột chính.
Thứ nhất, cần có cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập trong bối cảnh mới.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giúp họ tiếp cận những phương pháp giáo dục tiên tiến.
Cuối cùng, và không kém phần quan trọng, là xây dựng các chương trình giáo dục tiên tiến, mang tính đột phá, có khả năng khơi gợi tiềm năng của học sinh.
Hành trình "trồng người" vẫn còn dài, và sự hài lòng, tin tưởng của phụ huynh, cùng nụ cười rạng rỡ của mỗi học sinh, sẽ mãi là nguồn động lực vô giá cho những người đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cao cả của thành phố mang tên Bác.
Xin cảm ơn ThS Lê Ngọc Điệp về những chia sẻ đầy ý nghĩa này!
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/giao-duc-sau-ngay-thong-nhat-tu-lop-hoc-dem-den-huan-chuong-long-dan-20250501080602221.htm
Bình luận (0)