
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, Hà Tĩnh tiếp tục dành sự quan tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình NTM với nhiều đổi mới, linh hoạt, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm cao tính hiệu quả, bền vững. Người dân và cộng đồng dân cư chủ động vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao.
Tại Hương Khê, trong thời gian chờ Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM, các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh phong trào, khắc phục hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra; đồng thời, tiếp tục củng cố các tiêu chí đã đạt.
Đến thăm làng Trung Sơn, xã Lộc Yên, chúng tôi được chào đón bởi cờ hoa rực rỡ mừng ngày lễ thống nhất đất nước. Trung Sơn từng là thôn khó khăn, nằm sát dưới chân núi, địa hình cách trở và xa trung tâm. Nhưng ngày nay, Trung Sơn đang tạo nên hình hài khu dân cư mẫu, bà con vượt khó vươn lên, nhiều gia đình khá giả.

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Tuyết – gia đình vừa hiến hơn 100m2 đất để mở rộng đường đang tất bật dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan. Bà Tuyết phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ đường qua nhà tôi rộng thênh thang, kiên cố. Không chỉ nhà tôi, ở đây ai cũng sẵn sàng hiến đất mở đường, như các hộ Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Nhân, Hoàng Ngọc Văn… Năm 2024, cả thôn đã hiến khoảng 1.800m2 đất để mở rộng đường, công trình cũng vừa kịp hoàn thiện trong tháng 4. Những đóng góp đó chính chúng tôi được hưởng thành quả, bây giờ, người dân tiếp tục bắt tay xây dựng không gian sống xanh – sạch – đẹp. Cứ đến tầm chiều, bà con lại gọi nhau đến nhà văn hóa giao lưu bóng chuyền, thể thao, đời sống người dân chúng tôi đã được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Về làng Đại Tăng, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên), hàng chục người áo đẫm mồ hôi tháo dỡ trường học cũ để thu gom gạch đá, tái sử dụng trên các công trình phúc lợi địa phương. Ông Trương Quang Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thạch vừa xắn tay làm cùng bà con, vừa hồ hởi nói: "Việc chung sức tháo dỡ và tái sử dụng vật liệu cũ là cách làm hay, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa phát huy tinh thần tự lực của Nhân dân. Những viên gạch cũ sau khi được phân loại sẽ sử dụng để làm đường giao thông nông thôn, bồn hoa, rãnh thoát nước…, góp phần hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới. Hội viên, nông dân toàn xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng thôn Đại Tăng xây dựng khu dân cư mẫu bền vững”.

Phong trào xây dựng NTM tiếp tục được các địa phương trên toàn tỉnh duy trì nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo bền vững. Tính đến nay, Hà Tĩnh có 169/169 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), 69 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 40,5%), 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 10,6%), 9/12 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1.205/1.512 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt 79,9%). Tỉnh cũng đã hoàn thành 6/8 yêu cầu để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Về yêu cầu có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao, hiện các địa phương Đức Thọ, Nghi Xuân đã hoàn thành các tiêu chí, đã được UBND tỉnh đề xuất Trung ương thẩm định, công nhận. Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 54,78 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%. Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành công tỉnh đạt chuẩn NTM, đầu tháng 4/2025, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định cấp bổ sung gần 60 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện các chính sách. Hiện các địa phương đang gấp rút phân bổ, giải ngân.

Ông Lê Ngọc Huấn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng NTM tỉnh cho biết: Dù là địa phương có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp nhưng Hà Tĩnh luôn có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, được Trung ương đánh giá cao. Điều này thể hiện rất rõ qua môi trường, cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp ở các vùng nông thôn hiện nay. Đến nay, hầu hết các tiêu chí đã đạt hoặc tiệm cận đạt chuẩn. Toàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện những phần việc cuối cùng và xây dựng hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là hành trình không điểm cuối, do vậy, tỉnh tiếp tục xây dựng những mục tiêu, giải pháp cho lộ trình dài hơi; phấn đấu xây dựng NTM phồn vinh, hạnh phúc, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc. Trong đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp sạch; thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” hướng vào nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị và thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, địa phương gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ nông thôn, từng bước đưa sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu; tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư; nâng cao chất lượng và chiều sâu các khu dân cư NTM kiểu mẫu, phát huy giá trị kinh tế vườn hộ...
Nguồn: https://baohatinh.vn/ha-tinh-quyet-tam-som-hoan-thanh-muc-tieu-tinh-nong-thon-moi-post286996.html
Bình luận (0)