Ngày 20/4, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia, chủ đề: "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”, do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025).
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Một cuộc đời binh nghiệp oanh liệt, một chứng nhân của Đại thắng mùa Xuân 1975.
Với phong thái đĩnh đạc của một người lính từng trải qua chiến trận, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4, đã mang đến hội thảo câu chuyện sống động về những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông đã tham gia hàng loạt trận chiến ác liệt trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, từ giải phóng Chi khu Đồng Xoài, Phước Long, Chi khu Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh cho đến những chiến dịch quan trọng như Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh lịch sử.
Dù vóc dáng nhỏ bé, nhưng trong mỗi trận đánh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh luôn là hình mẫu của người chiến sĩ kiên cường, dũng mãnh, sẵn sàng đối mặt với "lằn ranh sinh tử". Trong chiến dịch giải phóng miền Nam, ông là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, dẫn đầu một trong năm cánh quân, với nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn.
Gia nhập quân đội khi mới 24 tuổi, vào năm 1963, trong bối cảnh quân đội Sài Gòn được Mỹ hỗ trợ leo thang chiến tranh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh đã dành cả cuộc đời mình cho chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
"Trưa ngày 30-4-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - khoảnh khắc thiêng liêng đó không chỉ của riêng tôi mà là của toàn dân tộc", Thiếu tướng xúc động chia sẻ. Cùng đồng đội, ông đã dũng cảm mở ba mũi tấn công trên hai hướng Đông và Tây Nam, tiến vào Sài Gòn, góp phần tạo nên chiến thắng lừng lẫy, kết thúc hơn 20 năm chiến tranh.
Tuy nhiên, Tướng Doanh không quên nỗi tiếc nuối trong trận đánh lớn cuối cùng. Mặc dù được giao vinh dự nhận lá cờ từ tay chỉ huy Hoàng Cầm để cắm trên nóc Dinh Độc Lập, ông và đơn vị đã không thể thực hiện nhiệm vụ ấy. Khi chiến dịch đang ở thời điểm quyết liệt, địch đã đánh chặn mãnh liệt, buộc ông phải điều quân quay lại để phối hợp mở "Cánh cửa thép Xuân Lộc". Tuy vậy, ông không hề chùn bước và tiếp tục sứ mệnh.
Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên Dinh Độc Lập vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, là minh chứng cho niềm tự hào, hạnh phúc ngập tràn của dân tộc. Sau chiến thắng, Sư đoàn 7 của ông được giao nhiệm vụ quân quản các quận tại Sài Gòn, trong đó Trung đoàn 141 của ông quản lý Quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Dù trong suốt 4 tháng làm nhiệm vụ, ông phải đối mặt với những thách thức lớn, nhất là việc chống lại những thông tin tuyên truyền sai lệch từ chế độ cũ, Thiếu tướng luôn vững vàng với lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Vào thành vững như thành, các đồng chí đã chiến thắng được gian khổ, súng đạn chiến trường rồi, thì không được lung lay ý chí."
Bây giờ, khi đã 87 tuổi, mái đầu bạc trắng, Thiếu tướng vẫn mãi nhớ về những ngày tháng hào hùng. Dù sức khỏe đã yếu, nhưng tấm lòng của ông vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin vào thế hệ trẻ. Ông khuyên: "Dù trên con đường đầy thử thách, các bạn hãy kiên trì, vươn lên, học hỏi và làm việc tốt. Như Bác Hồ đã dạy, ‘Kế hoạch một, phương pháp mười’, nếu biết vận dụng phương pháp đúng đắn, mọi mục tiêu đều có thể đạt được”.
Bà Hoàng Thị Khánh, Người nữ chiến sĩ Côn Đảo và cuộc tự giải phóng kỳ diệu
Nếu chiến trường Sài Gòn là nơi quân dân hợp lực giải phóng miền Nam, thì Côn Đảo là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất, tự lực tự cường của những người tù chính trị - những chiến sĩ không vũ khí nhưng tràn đầy lý tưởng cách mạng.
Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, đã kể lại với giọng nói trầm tĩnh nhưng đầy cảm xúc về thời khắc lịch sử giải phóng Côn Đảo - một trận đánh không tiếng súng, nhưng đầy trí tuệ, lòng quả cảm và khí tiết của người cộng sản.
Sau Hiệp định Paris 1973, thay vì thả tù nhân như cam kết, địch tiếp tục giam giữ và đàn áp. Bà Khánh cùng các đồng chí đã kiên cường phản kháng bằng cách từ chối làm hồ sơ, không chào cờ, không khuất phục. Đến đầu năm 1975, khi tình hình chiến sự chuyển biến mạnh, họ giữ được liên lạc qua chiếc radio bí mật để theo dõi diễn biến. Đến khi bị cắt đứt liên lạc, họ chỉ còn trông vào sự đoàn kết và nhạy bén chính trị để phán đoán. Trong những giờ phút sinh tử, giữa âm mưu thủ tiêu hoặc di tản tù binh ra nước ngoài của kẻ địch, bà Khánh cùng các nữ tù chính trị vẫn bình tĩnh tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động như một lời tuyên bố: "Nếu có chết, cũng phải chết cho đàng hoàng”.
Rạng sáng 1/5/1975, khi tên trại trưởng Trại 6B mở cửa và thông báo: "Bên mấy bà thắng rồi”, bà và các bạn tù vẫn không vội tin. Chỉ khi đích thân nghe giọng Thượng tướng Trần Văn Trà đọc lệnh thiết quân luật từ chiếc radio, họ mới òa vỡ trong hạnh phúc: "Mình thắng rồi! Bác Hồ muôn năm!”.
Bằng tinh thần chủ động cách mạng, các tù nhân đã tự thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tại đảo. Họ tổ chức lực lượng vũ trang, bảo vệ dân chúng, ổn định cuộc sống cho gần 10.000 người, tiếp quản kho vũ khí và thiết lập trật tự. Từ "địa ngục trần gian” - nơi từng là biểu tượng của sự đàn áp - Côn Đảo trong tay người tù chính trị đã trở thành thành trì cách mạng, là một dấu son chói lọi trong trang sử dân tộc.
Hai câu chuyện, hai mảnh ghép từ chiến trường và nhà tù đã hội tụ nơi hội thảo như một bản anh hùng ca bất tử. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, dân tộc Việt Nam không chỉ chiến thắng bằng súng đạn, mà còn bằng lòng quả cảm, trí tuệ và tình yêu nước không gì lay chuyển nổi.
Hội thảo không chỉ là dịp để nhìn lại quá khứ oai hùng, mà còn là cơ hội để nhắn gửi đến thế hệ hôm nay và mai sau: giữ gìn độc lập, phát triển đất nước không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự tiếp nối một hành trình thiêng liêng được trả giá bằng máu, nước mắt và niềm tin vững bền.
(Theo Du lịch TP.HCM)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/349109/Hai-khuc-trang-ca-tai-Hoi-thao-Dai-thang-mua-Xuan-1975.aspx
Bình luận (0)