>>
>>
>>
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình kinh tế nông nghiệp trồng dâu, nuôi tằm trên đất Văn Yên?
Đồng chí Phạm Trung Kiên: Có thể khẳng định, cây dâu con tằm đã thực sự bén rễ và chứng minh được giá trị vượt trội trên đồng đất Văn Yên. Huyện Văn Yên có lợi thế với 9 xã vùng thấp gồm: Xuân Ái, Yên Thái, Yên Phú, Yên Hợp, Đại Phác, An Thịnh, Tân Hợp, Đông Cuông và An Bình - là những địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm.
Từ thực tế trồng dâu nuôi tằm năm 2023 và Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm huyện Văn Yên, giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt, qua các mô hình liên kết chuỗi giá trị tại Yên Thái, Xuân Ái, cho thấy hiệu quả kinh tế của trồng dâu nuôi tằm đang cao gấp 3,5 đến 4 lần so với trồng lúa. Điều quan trọng hơn, các mô hình trồng dâu nuôi tằm này không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên mà còn phù hợp với kinh nghiệm và tập quán canh tác của bà con nông dân địa phương.
Đến nay, huyện Văn Yên đã hình thành được những vùng trồng dâu tập trung, gắn kết chặt chẽ với hoạt động nuôi tằm, tạo ra sản phẩm kén tằm hàng hóa có giá trị cao. Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương trong huyện đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho người nông dân.
Những con số biết nói như gần 200 ha dâu, sản lượng 268 tấn kén và giá trị thu nhập ước đạt trên 27 tỷ đồng trong năm 2024 là minh chứng sống động nhất cho sự thành công và sức lan tỏa của hướng đi với cây, con mới này trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Sản phẩm kén tằm của bà con cũng đã có đầu ra ổn định thông qua liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái tại huyện Trấn Yên.
Đồng chí Phạm Trung Kiên.
P.V: Việc liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Văn Yên đang được triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Trung Kiên: Huyện đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy các chuỗi liên kết này. Năm 2023, trên địa bàn huyện đã hình thành chuỗi liên kết đầu tiên tại xã Xuân Ái và Yên Thái với 48 hộ tham gia, ngân sách hỗ trợ 570 triệu đồng tập trung vào xây dựng, nâng cấp nhà nuôi tằm và hỗ trợ né gỗ.
Sang năm 2024, quy mô được nhân rộng với 3 chuỗi mới tại xã Xuân Ái, Yên Thái và liên xã Đại Phác - An Thịnh, thu hút 137 hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 2 tỷ đồng, bổ sung thêm các hạng mục hỗ trợ thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, khay trượt để nâng cao năng suất, chất lượng. Tiếp nối thành công đó, năm 2025, theo Kế hoạch số 57, huyện đặt mục tiêu trồng mới 180 ha dâu và thành lập thêm 6 chuỗi liên kết giá trị mới, hiện các xã đang tích cực triển khai.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không phủ nhận những khó khăn nhất định. Bài học từ giai đoạn 2019-2020, khi dịch Covid-19 khiến giá kén tụt dốc (chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg), nhiều hộ thua lỗ và buộc phải phá bỏ diện tích dâu vẫn còn ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Việc vận động bà con quay trở lại với nghề, đặc biệt ở một số xã như: An Bình, Tân Hợp, Yên Hợp, Yên Phú, Đông Cuông còn gặp trở ngại do tâm lý lo ngại về sự ổn định của giá cả thị trường. Đây là thách thức mà huyện đang tập trung tháo gỡ bằng cách củng cố niềm tin, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững và có cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý.
P.V: Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm huyện Văn Yên, giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Văn Yên đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng gì và giải pháp để đạt được những mục tiêu này là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Trung Kiên: Mục tiêu đến năm 2025: Xác định chương trình trồng dâu nuôi tằm là chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện, chúng tôi đặt mục tiêu quy hoạch và phát triển vùng trồng dâu tập trung gắn với chuỗi giá trị đạt quy mô 338 ha, trong đó trồng mới 300 ha (riêng năm 2025 là 180 ha); đồng thời, đưa vào trồng các giống dâu mới năng suất, chất lượng cao, mở rộng ra các xã tiềm năng khác như Mậu Đông, Đông An.
Song song với đó, huyện chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng 38,5 ha dâu hiện có thông qua thâm canh, ứng dụng kỹ thuật mới, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn và đẩy mạnh cơ giới hóa, phấn đấu năng suất lá dâu đạt 38 - 40 tấn/ha/năm. Trong nuôi tằm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng nhà nuôi đạt chuẩn là ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng kén, mục tiêu đạt sản lượng trên 548 tấn kén, giá trị thu nhập trên 82 tỷ đồng.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ củng cố và xây dựng mới 6 chuỗi liên kết sản xuất bền vững, phấn đấu trên 90% hộ nuôi tằm tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định. Tầm nhìn xa hơn, Văn Yên hướng tới quy mô 600 ha dâu tằm, sản lượng kén đạt trên 970 tấn, giá trị thu nhập gần 146 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở sản xuất kén thô, huyện định hướng phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ dâu, tằm, kén và đặc biệt là xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nữa.
Để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng này, huyện tập trung chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp đồng bộ. Theo đó, huyện sẽ quy hoạch và quản lý chặt chẽ để phát triển vùng trồng dâu tập trung, ổn định; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông dân thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ.
Cùng đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào cả trồng dâu và nuôi tằm để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm công lao động; ưu tiên giống tốt, quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến; tiếp tục phát triển liên kết chuỗi giá trị, củng cố vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, xây dựng hợp đồng liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích và ổn định đầu ra.
Huyện cũng sẽ đặc biệt quan tâm phát triển thị trường và xúc tiến thương mại với việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dâu tằm Văn Yên. Đi đôi với đó là tập trung tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người nông dân, tạo sự đồng thuận và tin tưởng trong nhân dân để cùng chung tay phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm một cách bền vững.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của bà con nông dân và những giải pháp đồng bộ, ngành trồng dâu nuôi tằm sẽ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông nghiệp của huyện Văn Yên, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Thúy (thực hiện)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349091/Van-Yen-xay-dung-chuoi-gia-tri-ben-vung-cho-cay-dau-c111n-tam.aspx
Bình luận (0)