Đoàn rước dâng lễ vật Giỗ Tổ Hùng Vương lên Đền thờ Hùng Vương - Mẫu Cửu Thiên vào năm 2024. |
Hướng về nguồn cội
Ngày 1/4 vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP.Vũng Tàu đã tổ chức cho các em học sinh làm bánh dày và giao lưu, trò chuyện tìm hiểu về ý nghĩa ngày 10/3 âm lịch.
Em Nguyễn Diệu Hiền (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân) bày tỏ: "Chúng em được trải nghiệm làm bánh dày từ gạo nếp, gói bằng lá chuối xanh. Chúng em cũng được cô giáo giải thích ý nghĩa bánh hình tròn gọi là bánh dày tượng trưng cho trời và bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Đây cũng là một trong những lễ vật dâng cúng Vua Hùng trong ngày lễ Giỗ Tổ".
Bà Phạm Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân chia sẻ, hoạt động trải nghiệm này vừa ôn lại lịch sử, vừa tưởng nhớ về các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời giáo dục học sinh hướng về cội nguồn dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước.
Những ngày này, tại Nhà Lớn Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) cũng đang chuẩn bị loại nếp ngon để nấu xôi, bánh quy làm lễ vật dâng Vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương - Mẫu Cửu Thiên.
Bà Lê Thị Kiềm, đại diện Nhà Lớn Long Sơn cho biết, nơi đây chuẩn bị mâm bánh quy và mâm xôi để làm lễ vật dâng Vua Hùng. Bánh quy tượng trưng dâng lên Vua Hùng mang ý nghĩa quy tụ, đoàn kết, gắn bó, nhắc nhở con cháu về nguồn cội, ông bà, tổ tiên…
Tại các phường, xã của TP.Vũng Tàu cũng thành kính chuẩn bị các mâm lễ vật bánh chưng, bánh dân gian, hoa quả để dâng cúng Quốc Tổ Hùng Vương.
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Nét đẹp ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến sẽ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Hùng Vương- Mẫu Cửu Thiên (số 12 đường Bạch Đằng, phường 5, TP. Vũng Tàu) trong 2 ngày 6 và 7/4 (tức 9 và 10 âm lịch).
Phần lễ tại Đền Mẫu Cửu Thiên- Hùng Vương với nghi thức dâng hương hoa, các lễ phẩm như Bánh chưng 18 chiếc gói lá dong tươi lạt giang nhuộm hồng, bánh dày 18 chiếc; hương, hoa, trầu cau, rượu và ngũ quả với dải băng lụa đỏ in dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng”.
Các em học sinh Trường TH Nguyễn Viết Xuân, TP.Vũng Tàu được trải nghiệm làm bánh dày tại trường. |
Phần hội sẽ diễn ra tại khu vực Bãi Trước với các hoạt động truyền thống như: đồng diễn trống trận, múa Lân-Sư-Rồng; chương trình văn nghệ, ảo thuật diễn ra từ 18h-21h; ngày hội đi bộ leo núi Hải Đăng vào 6h sáng 6/4. Đặc biệt là tổ chức trang trí và diễu hành xe hoa dâng lễ vật lên Vua Hùng vào ngày 7/4 từ Công viên đường Quang Trung - Hoàng Diệu - Lê Lợi - Trần Phú đến Đền thờ Hùng Vương - Mẫu Cửu Thiên.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho hay: “Từ bao đời nay, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để chúng ta thắp nén hương tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Những tình cảm thiêng liêng trân trọng tiền nhân đó là nét đẹp văn hóa, truyền thống đạo lý tri ân từ nhiều đời nay."
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/huong-ve-ngay-gio-to-1038852/
Bình luận (0)