Quá trình đàm phán về Ukraine đang ở giai đoạn nào?
Xung đột Ukraine vẫn là trở ngại chính đối với việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự tại tổ chức quốc tế có thẩm quyền nhất thế giới - Liên hợp quốc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cuộc tiếp xúc nào liên quan đến Ukraine được thực hiện trên nền tảng Liên hợp quốc và bản thân cơ quan này khó có thể trở thành trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Tờ Izvestia dẫn phát biểu của Dmitry Polyansky, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, “cho đến nay các cuộc đàm phán về Ukraine đều diễn ra theo hình thức song phương. Nga không gián đoạn đối thoại song phương với Mỹ về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Liên hợp quốc”.
Trong những tháng gần đây, đối thoại Nga-Mỹ được tăng cường: đã diễn ra 2 cuộc họp của các phái đoàn về giải quyết vấn đề Ukraine, 2 cuộc điện đàm giữa Tổng thống hai nước, cũng như một loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao. Đầu tháng 4, đặc phái viên của Tổng thống Nga, Kirill Dmitriev, đã đến thăm Washington, nhằm thảo luận về việc khôi phục quan hệ kinh tế và những biện pháp khả thi để giảm leo thang căng thẳng.
Một sự kiện quan trọng khác là chuyến thăm thứ ba của đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, Steve Witkoff tới Nga vào ngày 11/4. Cuộc gặp của ông Witfoff với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg kéo dài 4,5 giờ và được các bên đánh giá là hiệu quả. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những cuộc đàm phán này là một bước tiến cho cuộc gặp có thể diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo.
Theo Vladimir Vasiliev, nhà nghiên cứu trưởng tại Viện Mỹ và Canada, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết có 2 cách tiếp cận để giải quyết mâu thuẫn. Đầu tiên là việc ký kết các thỏa thuận phải được chính thức hóa trong khổ luật pháp quốc tế. Nhưng giải pháp này dường như không rõ ràng vào thời điểm hiện tại. Bởi theo quan điểm, lập trường của phương Tây, Ukraine nên tồn tại trong phạm vi biên giới năm 1991. Các nước phương Tây vẫn chưa công nhận và có lẽ không có ý định công nhận vùng lãnh thổ đã được sáp nhập vào Nga.
Thứ hai, một giải pháp thay thế có thể là thành lập các khu kinh tế tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, nơi sẽ trở thành “vùng đất ổn định” với sự tham gia của các công ty quốc tế. Tuy nhiên, theo chuyên gia người Nga, Kiev có thể sẽ không chấp nhận ý tưởng này, vì lo sợ trở thành một “lãnh thổ phụ thuộc vào phương Tây” với những khoản nợ phải trả.
Bất chấp những tiến bộ, song nghi kỵ giữa Mỹ và Nga vẫn còn tồn tại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga được áp dụng dưới thời tiền nhiệm Joe Biden trong 1 năm và vào tháng 2, gia hạn các hạn chế liên quan đến Crimea. Điều này cho thấy mục tiêu kép: một mặt, chính quyền Mỹ đang thể hiện sự sẵn sàng đối thoại; mặt khác, Mỹ đang duy trì “đòn bẩy gây sức ép”. Các phương tiện truyền thông đưa tin về đề xuất của đặc phái viên của Tổng thống Mỹ là Keith Kellogg về việc chia Ukraine thành các vùng ảnh hưởng sau chiến tranh, điều này ngay lập tức gây ra một vụ bê bối. Rõ ràng, ngay cả bản thân Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp tối ưu cho vấn đề Ukraine.
Các cuộc đàm phán về Sáng kiến Biển Đen đang là một hướng đi quan trọng trong nỗ lực cải thiện quan hệ hợp tác Mỹ-Nga. Vào cuối tháng 3, hai bên đã có cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ tại Riyadh về khả năng nối lại hoạt động này. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine về an toàn hàng hải ở Biển Đen dự kiến diễn ra vào ngày 15-16/4 tại Ankara. Tuy nhiên, Kiev đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Trong các cuộc đàm phán về Sáng kiến Biển Đen, Moscow nhấn mạnh việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Rosselkhozbank và cho phép ngân hàng này quay trở lại SWIFT - những điều kiện trái ngược với lập trường cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU).
Chặng đường dài phía trước
Mục tiêu ban đầu của Tổng thống Donald Trump về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào lễ Phục sinh, ngày 20/4, có lẽ là không thực tế. Thậm chí, theo Reuters đưa tin, chính quyền Mỹ lo ngại rằng sẽ không thể đạt được một thỏa thuận hòa bình ngay cả trong những tháng tới.
Moscow nhiều lần nhấn mạnh, cách duy nhất để chấm dứt xung đột là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Một trong những nguyên nhân này là mong muốn của phương Tây muốn gia nhập Ukraine trở thành thành viên của NATO.
Nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra các điều kiện để bắt đầu đàm phán hòa bình với Ukraine vào tháng 6 năm ngoái. Và kể từ đó, danh sách này không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào: việc rút quân hoàn toàn khỏi Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk, các khu vực Kherson và Zaporizhia, cũng như tuyên bố chính thức của Kiev về việc từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Cách tiếp cận của Mỹ có vẻ đi ngược lại mong muốn của Nga: đầu tiên là ngừng bắn, sau đó là đàm phán hòa bình và giải quyết chính trị.
Theo Andrei Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) cho rằng, một giải pháp chính trị là một quá trình phức tạp và kéo dài hơn so với một lệnh ngừng bắn. Để làm được điều này, cần phải đàm phán không chỉ với Moscow và Washington, mà còn với châu Âu, trong khuôn khổ NATO, để nêu vấn đề về cấu trúc an ninh châu Âu mới, xây dựng các thỏa thuận song phương và đa phương, đồng thời quan trọng nhất là cần sự đồng thuận từ phía Kiev.
Rõ ràng, rào cản lớn nhất vẫn là lập trường của Kiev. Theo cáo buộc từ Bộ Quốc phòng Nga, chỉ riêng trong 24 giờ qua (ngày 13-14/4), Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công các cơ sở năng lượng ở khu vực Belgorod. Động thái cho thấy Kiev đã không tuân thủ lệnh hoãn tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng mà Nga-Mỹ thống nhất vào tháng 3. Bên cạnh đó, các đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Âu - Đức, Pháp và Anh - vẫn tiếp tục duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine và lập trường cứng rắn trong quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, chuyến thăm Nga lần thứ ba của đặc phái viên Steve Witkoff mang lại hy vọng về một số tiến triển trong các cuộc đàm phán. Theo truyền thông phương Tây, ông Witkoff đề xuất Tổng thống Donald Trump công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Donbass và các khu vực phía Nam là cơ sở cho hòa bình. Đây có thể là một bước đột phá, nhưng sẽ gặp phải sự phản đối của không ít đối tác, ngay cả những người có quan điểm “diều hâu” trong chính quyền Mỹ hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, quá trình đàm phán giữa Nga và Mỹ giống như đang đi trên băng mỏng: mỗi bên đều thể hiện tính thực dụng, nhưng không sẵn sàng từ bỏ các nguyên tắc chính. Washington, trong khi vẫn duy trì các lệnh trừng phạt, đang cố gắng đàm phán các lợi ích địa chính trị, muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine để tập trung cho các ưu tiên chiến lược khác. Moscow vẫn khăng khăng yêu cầu bảo đảm an ninh và các điều kiện của mình. Kiev, mất đi lòng tin của cả hai bên, có nguy cơ tiếp tục là “con tin” của chính sự bế tắc trong đàm phán của mình.
Những cuộc tiếp xúc mới nhất giữa các quan chức Nga và Mỹ có thể trở thành cầu nối cho cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump, nhưng rõ ràng tiến triển thực sự cho vấn đề Ukraine cần phải có những quyết định táo bạo.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/kho-co-thoa-thuan-ngung-ban-cho-ukraine-vao-le-phuc-sinh-245519.htm
Bình luận (0)