Đời sống được nâng cao
Thu nhập bình quân đầu người của Trà Vinh tăng lên, với GRDP bình quân đạt hơn 94 triệu đồng/người. Đến nay, 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn. Ông Trần Sa Rang (xã Kim Sơn, huyện Trà Cú) chia sẻ: "Trước đây, đồng bào Khmer còn một số khó khăn về tiếp cận chính sách hỗ trợ kinh tế và kiến thức pháp luật. Hiện nay, nhờ triển khai các chính sách, người dân đã được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm còn 0,87%, trong đó hộ nghèo đồng bào Khmer giảm còn 1,45%. Ông Thạch Sa My, người có uy tín ngụ ấp Ba Se A (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) cho biết: "Đời sống của đồng bào Khmer ổn định, phấn khởi hơn trước. Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện, trường học khang trang, sạch đẹp. Các khu di tích lịch sử cách mạng, văn hóa được chỉnh trang, bảo tồn".
Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được chú trọng. Trà Vinh cũng tích cực xúc tiến, mời gọi đầu tư vào vùng đồng bào Khmer để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề. Đáng chú ý, tỉnh đã khuyến khích lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
Hiện có 134 chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh đều tổ chức dạy học chữ Khmer trong dịp hè, với 1.029 lớp, có 22.799 học sinh. Tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Trung cấp Pali – Khmer, và Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh, nơi thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Toàn tỉnh có 58 di tích được xếp hạng (16 di tích cấp quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh), trong đó có 5 di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào Khmer. Vào các dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, Lễ Sen Dôlta, cấp ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức các hoạt động thiết thực như họp mặt truyền thống, thăm hỏi, chúc mừng các tổ chức Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, người có uy tín và gia đình chính sách tiêu biểu.
Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh khẳng định: "Đồng bào Khmer rất vui mừng. Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thực hiện nhiều chính sách cho hộ nghèo, hộ khó khăn".
Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh đã triển khai đầy đủ và hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, bố trí nguồn kinh phí cụ thể cho từng chương trình, dự án. Nhờ đó, vùng đồng bào Khmer đã có những bước phát triển quan trọng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố, thúc đẩy đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/khoi-sac-vung-dong-bao-dan-toc-khmer-i766127/
Bình luận (0)