Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khúc tráng ca của lòng yêu nước: Người trẻ và 'Cuộc hành trình tìm bức chân dung'

Trên sân khấu kịch, vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả Khánh Hoàng - đạo diễn Hoàng Tấn) không chỉ cảm động mà còn hấp dẫn bởi đây là tác phẩm đầu tiên sử dụng màn hình Gouze, một công nghệ hiện đại, giúp sân khấu lung linh tuyệt đẹp. Chính nhờ vậy vở đã tiếp cận khán giả trẻ dễ dàng, mang thông điệp cách mạng đến với họ.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên02/05/2025

LÒNG DÂN ĐỐI VỚI BÁC H

Nội dung kịch bản lấy bối cảnh năm 1969, tại một chiến khu cách mạng nằm trong rừng đước Cà Mau. Khi được tin Bác Hồ mất, quân và dân vô cùng đau đớn, nhiều người khóc, nhiều người lập đền thờ Bác để thắp hương tưởng niệm.

Nhưng lúc ấy không tìm đâu ra được một tấm hình của Bác để thờ. Một nhóm thiếu niên đến dự, biết được điều này đã âm thầm lên đường đi tìm ảnh Bác. Những đứa trẻ như Non (đội trưởng đội du kích thiếu nhi), Đạm, Liêm, Bé Ba (đội viên) bắt đầu cuộc hành trình với trái tim mộc mạc, hồn nhiên yêu thương Bác, yêu thương cách mạng. Các em không ngờ những chông gai, nguy hiểm đang chờ đợi mình…

Khúc tráng ca của lòng yêu nước: Người trẻ và 'Cuộc hành trình tìm bức chân dung'- Ảnh 1.

Cảnh trong vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung

ẢNH: H.K

Trên đường, các em gặp được ông Ba du kích giúp đỡ, tìm được tờ giấy bạc trong túi chú Sáu Sơn có in hình Bác, để từ đó các em vẽ ra chân dung. Thậm chí Đạm còn dùng lõi cây đước khắc một bức tượng Bác. Nhưng mọi việc chưa kịp hoàn thành thì đội biệt kích của địch theo dõi các em đã truy đuổi ráo riết. Ông Ba phải hy sinh thân mình để cứu tụi nhỏ, rồi đến lượt Non hy sinh để bảo vệ bạn.

Khán giả đã rơi nước mắt trong những lớp diễn cảm động. Vở kịch không có những tuyên ngôn hùng hồn, chỉ đi vào lòng người bằng tình cảm mộc mạc, thiết tha mà người dân miền Nam dành cho vị lãnh tụ. Đó là những tình cảm có thật trong giai đoạn kháng chiến, Bác Hồ như ngọn lửa ấm áp trong tim người dân miền Nam, là động lực để họ giữ vững sự kiên cường, bất khuất trong chiến đấu.

Khúc tráng ca của lòng yêu nước: Người trẻ và 'Cuộc hành trình tìm bức chân dung'- Ảnh 2.

NGÔN NGỮ HIỆN ĐẠI CỦA NGƯỜI TRẺ

Vở kịch ra mắt năm 2020 tại Nhà hát Kịch TP.HCM, nơi Hoàng Tấn đang công tác, cũng là bài thi tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM của Hoàng Tấn. Ban đầu anh chỉ định làm bài thi, nhưng lãnh đạo nhà hát thấy tác phẩm dàn dựng quá tốt nên hỗ trợ hơn 50% kinh phí để sau đó đem công diễn luôn. Quả thật, vở vừa ra mắt đã nhận nhiều tiếng xuýt xoa khen ngợi và những tràng pháo tay của khán giả, rồi đi diễn suốt ở các cơ quan, trường cao đẳng, đại học.

Hoàng Tấn đã tạo sự hấp dẫn cho vở diễn bằng cách sử dụng màn hình Gouze, một công nghệ mới khá phổ biến trong điện ảnh nhưng sân khấu thì chưa từng có. Đầu tư kinh phí 350 triệu đồng dàn dựng khi đó thực sự là táo bạo, nhưng khán giả được trải nghiệm những lớp diễn tuyệt đẹp, ấn tượng khó quên. Nhà thiết kế Quang Thái đã tạo cảnh rừng đước, hầm bí mật, từ đó đội du kích bơi thông ra dòng sông, y như thật. Trên màn hình lung linh là hình ảnh những con người đang tung tăng giữa đàn sứa, những nhánh rong, nước trong xanh, mặt trời lấp lánh… Một thế giới lãng mạn chen giữa đạn bom, nguy hiểm, khiến khán giả ồ lên thích thú. Đó là điểm nhấn khó quên giữa những kịch tính, gay cấn, hồi hộp suốt 2 tiếng đồng hồ. Ngay cả sự gay cấn đó cũng tạo nên sự hấp dẫn, bởi khán giả không đoán được tình thế sẽ tiếp diễn ra sao.

Hoàng Tấn tâm sự: "Sân khấu phải thỏa mãn yếu tố nghe nhìn. Nội dung kịch bản là "cuộc hành trình" nghĩa là trải qua rất nhiều nơi, rất khó nếu sân khấu thực hiện bằng tả thực hay ước lệ. Tôi dùng màn hình Gouze giúp xử lý không gian tốt hơn, nhanh hơn". Và anh nói thêm rằng, thực tế dòng sông ở Cà Mau đậm màu phù sa chứ không trong xanh như trên màn hình, nhưng anh cố ý chọn như thế để ngầm chứa thông điệp rằng thế hệ trẻ ước mơ bơi ra biển lớn, ước mơ sống trong hòa bình xanh mát, ước mơ nối bước cha anh thực hiện lý tưởng cao đẹp. Và thực tế cho đến bây giờ "cuộc hành trình" ấy vẫn còn tiếp diễn, thế hệ trẻ không chỉ đi tìm chân dung Bác như một tấm hình, mà chính là đi tìm con đường tươi sáng cho đất nước.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn có vai ông Ba du kích thật hay, vì anh vốn có duyên hài nên thổi vào nhân vật cái hồn của bác Ba Phi, càng tôn vinh mảnh đất Cà Mau, tôn vinh văn hóa truyền thống. Còn những diễn viên nhí thì chủ yếu chọn từ đội kịch Tuổi Ngọc của đạo diễn Lê Cường. Các bạn diễn thật sinh động, dễ thương. Vở cách mạng nhưng không bị khô khan, giáo điều, dàn dựng với tiết tấu nhanh, sử dụng công nghệ hiện đại, đúng là dành cho khán giả trẻ hôm nay.

Nguồn: https://thanhnien.vn/khuc-trang-ca-cua-long-yeu-nuoc-nguoi-tre-va-cuoc-hanh-trinh-tim-buc-chan-dung-185250501201028665.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm