Giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Lâm nghiệp Đồng Nai (huyện Trảng Bom) thông tin đến phụ huynh kế hoạch thi tốt nghiệp của học sinh. Ảnh: Đức Phú |
Đây là kỳ thi đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, được tổ chức sớm hơn các năm trước nên các trường và thí sinh đều khá lo lắng.
Không chủ quan trước kỳ thi quan trọng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đặc biệt quan trọng với học sinh lớp 12, bởi kết quả của kỳ thi không chỉ giúp học sinh đạt được mục tiêu tốt nghiệp THPT mà còn là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, các trường và học sinh đều nỗ lực cao nhất cho việc ôn tập ở giai đoạn nước rút trước kỳ thi.
Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) Vũ Ngọc Cường cho hay, từ cuối tháng 4 nhà trường đã hoàn thành tổ chức thi học kỳ 2 cho học sinh lớp 12, đồng thời đang trong quá trình chấm thi và “chốt” học bạ THPT cho học sinh. Gần 2 tháng còn lại, trước khi kỳ thi diễn ra, nhà trường sẽ dành ưu tiên cao nhất cho học sinh lớp 12 ôn tập, bởi đây chính là khoảng “thời gian vàng” với các em. Nói về những áp lực của kỳ thi, Hiệu trưởng nhà trường Vũ Ngọc Cường chia sẻ: “Lần đầu thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục mới nên cả giáo viên lẫn học sinh lớp 12 đều cảm thấy khá áp lực. Tuy nhiên, chúng tôi đang biến những áp lực này trở thành động lực để các em cố gắng hơn”.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và đào tạo HUỲNH VĂN CHƯƠNG:
Thí sinh không chủ quan nhưng cũng không nên quá áp lực
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 lần đầu thi theo chương trình mới, tuy nhiên Bộ Giáo dục và đào tạo đã có những điều chỉnh để giảm tối đa áp lực cho học sinh. Cụ thể là giảm số môn thi bắt buộc, giảm số buổi thi. Thí sinh không chủ quan nhưng cũng không nên quá áp lực trước kỳ thi, mà phải tập trung ôn tập một cách hệ thống, cơ bản theo chương trình lớp 12. Ngay cả nội dung phân hóa trong đề thi cũng vẫn nằm trong chương trình sách giáo khoa chứ không nằm ngoài chương trình.
Em Lê Ngọc Thu Trang, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Biên Hòa), cho hay dù có học lực khá nhưng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, lần đầu thi theo chương trình giáo dục mới, em vẫn cảm thấy áp lực. Thời gian qua, ngoài buổi học chính khóa, nhà trường dành thời gian ôn tập miễn phí vào buổi còn lại. Thầy cô đã định hướng ôn tập sát với chương trình mới, đồng thời thường xuyên cho học sinh làm các bài tập theo cấu trúc đề thi minh họa. Thu Trang cho hay: “Thời gian gần 2 tháng còn lại trước khi kỳ thi chính thức diễn ra, em sẽ phải cố gắng tận dụng để có được cả kiến thức lẫn kỹ năng làm bài”.
Giải tỏa áp lực cho học sinh
Đứng trước một kỳ thi quan trọng nhưng lại có nhiều điểm mới, nhiều thầy cô đang tích cực giải tỏa áp lực cho học sinh. Cô Đỗ Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Lần đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới nên học sinh đều cảm thấy áp lực, vì vậy giáo viên phải là chỗ dựa tinh thần, giúp các em giải tỏa những áp lực này. Điều giáo viên khuyên học sinh nhiều nhất vào lúc này là các em phải tập trung cao nhất cho mục tiêu đậu tốt nghiệp. Khi đã đạt mục tiêu tốt nghiệp rồi thì sẽ có nhiều lựa chọn khác là vào đại học hay cao đẳng”.
Giáo viên Trường trung học phổ thông Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông miễn phí cho học sinh. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Theo Sở Giáo dục và đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, toàn tỉnh có hơn 35 ngàn thí sinh sẽ dự thi, là năm có số lượng thí sinh dự thi đông nhất từ trước đến nay. Những học sinh đang học học lớp 12 sẽ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, còn những thí sinh chưa, hoặc đã tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước sẽ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 để tiếp tục xét tốt nghiệp, hoặc xét tuyển vào đại học. Đây cũng là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng thi theo cả 2 chương trình giáo dục mới và cũ, còn từ năm 2026 trở đi sẽ chỉ thi theo chương trình mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù có nhiều điểm mới, nhưng vẫn hướng đến 3 mục đích, đó là đánh giá kết quả dạy và học, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học. Vì kỳ thi còn có thêm mục làm cơ sở xét tuyển vào đại học, do đó đề thi chắc chắn sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm thí sinh. Một giáo viên có nhiều kinh nghiệm của Trường THPT Trấn Biên (thành phố Biên Hòa) chia sẻ, trước kỳ thi tốt nghiệp, học sinh không nên quá áp lực vì đề thi có phân hóa thì vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Điều quan trọng nhất là các em phải ôn tập sát với định hướng của giáo viên, tránh những áp lực không cần thiết.
Để chuẩn bị tâm lý cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, lần đầu tiên Sở Giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức kỳ thi thử trong 2 ngày 9 và 10-5, với 3 buổi thi. Toàn bộ quy trình thi thử sẽ tổ chức giống như kỳ thi chính thức. Đề thi thử sẽ do sở tổ chức ra, thi chung trong toàn tỉnh. Qua việc tổ chức thi thử này sẽ giúp các trường đánh giá được khả năng sẵn sàng của học sinh trước kỳ thi chính thức diễn ra vào cuối tháng 6 tới, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, hỗ trợ học sinh ôn tập trong thời gian còn lại trước kỳ thi chính thức.
Công Nghĩa
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/kiem-tra-tinh-san-sang-cua-thi-sinhtruoc-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-b69422a/
Bình luận (0)