Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kiến tạo hệ giá trị trước vận hội mới của đất nước

Đất nước đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, nhưng cũng đối mặt với những nguy cơ từ sự biến động hệ giá trị. Sự xung đột giữa hệ giá trị con người truyền thống và hệ giá trị con người mới - chưa kịp hình thành đầy đủ - đã làm nảy sinh nhiều phi giá trị cản trở đà phát triển. Vì vậy, song hành với phát triển kinh tế, việc chấn hưng văn hóa, kiến tạo hệ giá trị mới là yêu cầu cấp thiết.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng01/05/2025

Kiến tạo hệ giá trị trước vận hội mới của đất nước

Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ một nền văn hóa làng xã với kinh tế nông nghiệp, khép kín sang một nền văn hóa đô thị với kinh tế công nghiệp, hiện đại và hội nhập. Trong giai đoạn này, mối mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa sự ổn định và nhu cầu phát triển khiến tính cách người Việt hôm nay trở nên phức tạp với bản sắc khó định hình, việc này đặt ra nhu cầu cấp bách cho việc xây dựng một chiến lược văn hóa thích ứng thời đại.

“Giải phẫu” văn hóa Việt

Văn hóa là cội nguồn sức mạnh của một dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé đã kiên cường giữ bản sắc và chống lại nhiều cuộc xâm lăng từ phương Bắc và các đế quốc hùng mạnh. Sức mạnh đó không nằm ở quân số hay vật lực, mà nằm ở nền văn hóa âm tính - đặc trưng bởi tính cộng đồng, tính ổn định và sự gắn bó với quê hương làng xã. Nền văn hóa âm tính ưa ổn định với tính cộng đồng và tính linh hoạt hình thành từ kinh tế nông nghiệp lúa nước đã tạo nên sức mạnh tập thể phi thường trong những lúc dân tộc phải đối đầu với hiểm nguy.

Nhưng khi hòa bình lập lại, chính chất âm tính với tính cộng đồng và tính linh hoạt này lại vô thức duy trì trạng thái ổn định đến mức kìm hãm phát triển. Đó là mặt trái của văn hóa làng xã: khi không còn mục tiêu chung phải cùng đối phó, do thiếu động lực đổi mới, sợ thay đổi, ngại bứt phá, những con người mang tư duy tiểu nông đã lại quay về lo cho bản thân mình, gia đình mình.

Chất âm tính - gốc rễ của hệ giá trị nông nghiệp truyền thống - cùng với tính cộng đồng làng xã, đã làm sản sinh và góp phần duy trì nhiều thói hư, tật xấu. Nghiêm trọng nhất là căn bệnh giả dối - nói không đi đôi với làm. Trong cuộc khảo sát về hệ giá trị Việt Nam với hơn 5.500 người tham gia, có đến 81% nhận định đây là tật xấu điển hình nhất. Căn bệnh này lan rộng từ văn hóa ứng xử đến văn hóa quản lý: đề cao hình thức, coi trọng sĩ diện, chạy theo thành tích, lấy tình cảm thay cho nguyên tắc, buông lỏng kỷ cương pháp luật…

19- Kiến tạo hệ giá trị trước vận hội mới của đất nước.jpg
Hệ giá trị để xây dựng con người Việt Nam mới

Đáng lo ngại hơn, khi giá trị cũ phai mờ mà giá trị mới chưa hình thành, xã hội rơi vào khoảng trống giá trị. Đây là lý do khiến ngày càng có nhiều hành vi lệch chuẩn, thậm chí bạo lực, tội phạm man rợ xuất hiện. Người Việt từng nổi tiếng là trọng tình nghĩa, giờ lại có xu hướng “giải quyết xung đột bằng dao kiếm”. Sự đứt gãy chuẩn mực văn hóa đang dẫn đến tình trạng mất định hướng trong ứng xử và hành vi.

Nói cách khác, nền văn hóa từng là thành lũy bảo vệ đất nước trong quá khứ, nay đang trở thành một trong những lực cản chính cho sự phát triển nếu không được đổi mới. Những đặc điểm như trọng tình, ưa ổn định, ngại mâu thuẫn... vốn từng phù hợp với xã hội nông nghiệp, nay đang kéo lùi sự đột phá cần thiết trong bối cảnh hiện đại. Nếu không dũng cảm nhận diện và điều chỉnh những mặt trái của văn hóa âm tính, chúng ta sẽ tiếp tục sa lầy trong vòng kim cô của sự luẩn quẩn và trì trệ.

Vì sao phải chấn hưng?

Muốn phát triển, mọi xã hội đều phải đột phá, thay đổi hiện trạng. Con người Việt Nam đang mang hành trang của nền văn hóa ổn định đi xây dựng một xã hội phát triển: người nông dân bước vào xã hội công nghiệp, người quen sống trong làng xã bước vào không gian đô thị. Trong khi văn hóa công nghiệp, văn minh đô thị chưa kịp hình thành thì những mặt trái của văn hóa truyền thống như lối sống tùy tiện, thói quen ứng xử cảm tính, thiếu tinh thần trách nhiệm và kỷ luật… lại bộc lộ rõ.

IMG_1743350694335_1743384179034.jpg

Một xã hội không thể tiến lên nếu đa số con người vẫn quen tư duy cào bằng, ganh ghét người tài, sợ va chạm, thích an toàn, quen nịnh nọt, thiếu tầm nhìn dài hạn, đối phó chắp vá thay vì hành động bài bản… Đây chính là những hệ quả của văn hóa âm tính chưa được chuyển hóa. Muốn nâng tầm văn hóa và kinh tế, Việt Nam buộc phải thực hiện cuộc chấn hưng văn hóa lần thứ ba - nhằm chuyển hóa từ văn hóa âm tính sang văn hóa thiên về dương tính, từ văn hóa ưa ổn định sang văn hóa phát triển, từ lối sống khép kín sang lối sống cởi mở với tư duy sáng tạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” ngày 25-3-2025 đã chỉ rõ “Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một Việt Nam phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược”. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, “phát triển con người trở thành vấn đề trọng tâm và mang tính chiến lược quyết định sự thành công của đất nước... Văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển con người”.

Vì vậy, chấn hưng văn hóa là bước đi tất yếu.

Gợi mở hệ giá trị Việt Nam mới

Việc xây dựng hệ giá trị không chỉ ở việc phát huy cái tốt, mà còn đồng thời phải loại bỏ những phi giá trị, đặc biệt là các tật xấu đang ăn sâu vào đời sống. Trên cơ sở điều tra xã hội học, phân tích thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đã xác lập mô hình 10 giá trị cốt lõi, chia thành 5 nhóm: Dân chủ và pháp quyền; Yêu nước và nhân ái; Trung thực và bản lĩnh; Trách nhiệm và hợp tác; Tính khoa học và sáng tạo.

Dân chủ là giá trị then chốt trong bối cảnh hiện nay, đặt nền tảng cho cách tổ chức xã hội từ dưới lên, khơi dậy tính chủ động, tự do, trách nhiệm trong nhân dân. Song hành với đó, pháp quyền là thiết chế bảo đảm cho xã hội được vận hành một cách trật tự, minh bạch (theo hướng từ trên xuống). Đặc biệt với một xã hội từng sống dựa vào lệ làng, trọng tình cảm hơn pháp lý, thì pháp quyền càng trở thành rào chắn ngăn chặn sự tùy tiện, cảm tính. Hai giá trị này phải phối hợp với nhau, đi cùng nhau để thiết lập sự cân bằng: dân chủ gắn với kỷ cương, pháp luật bảo vệ tự do.

Tám giá trị còn lại đều là những phẩm chất thuộc về cá nhân - nền tảng để xây dựng con người Việt Nam hiện đại. Yêu nước vốn là phẩm chất truyền thống tiêu biểu, nhưng đã đến lúc cần làm mới nội hàm của nó. Không chỉ yêu nước khi có chiến tranh, mà yêu nước còn phải là tinh thần trách nhiệm trong hòa bình: yêu công việc mình làm, giữ gìn không gian sống, bảo vệ môi trường, giữ gìn danh dự quốc gia từ những hành vi nhỏ nhất…

T40c.jpg

Tình yêu ấy phải mang trong mình sự tự hào và lòng tự trọng dân tộc. Nhân ái cũng là giá trị truyền thống đang bị phai nhạt trong xã hội hiện đại đầy cạnh tranh, thậm chí bệnh vô cảm, ích kỷ, ghen ghét ngày càng lộ rõ. Khôi phục lòng nhân ái là khơi dậy những gì tốt đẹp nhất vốn có trong mỗi con người - lòng trắc ẩn, sự bao dung, hành vi tử tế - như một chất keo gắn kết xã hội, loại bỏ sự lạnh lùng, vô trách nhiệm đang dần trở nên phổ biến.

Trong bối cảnh hội nhập, hai giá trị trung thực và bản lĩnh đã trở nên cấp thiết. Trung thực đối lập hoàn toàn với căn bệnh giả dối - tật xấu số một của người Việt hiện nay. Không thể xây dựng niềm tin xã hội nếu người ta nói một đằng làm một nẻo, trọng hình thức, thiếu minh bạch. Còn bản lĩnh là năng lực cá nhân để vượt qua áp lực của “tâm lý bầy đàn”, thoát khỏi thói quen a dua, dám bảo vệ chính kiến và hành động vì lẽ phải.

Tính cộng đồng làng xã từng tạo nên bản lĩnh tập thể, nhưng trong thời bình, nó dễ biến thành tâm lý lệ thuộc, thiếu ý thức cá nhân. Chỉ khi mỗi cá nhân đủ mạnh, dân tộc mới có thể tạo ra sức bật để phát triển. Đất nước và dân tộc chỉ có thể ngẩng cao đầu chừng nào tính trung thực trở thành bản chất, trở thành vốn xã hội, chất kết dính xã hội, giúp con người tạo ra niềm tin và tinh thần sẵn sàng đóng góp cho sự nghiệp chung.

Trách nhiệm và hợp tác là hai giá trị liên quan đến cách con người sống với nhau. Trong thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức, tính khoa học và sáng tạo trở thành nền tảng không thể thiếu. Người Việt nổi tiếng thông minh, linh hoạt, nhưng sự thông minh ấy nếu thiếu tính hệ thống, thiếu tư duy logic thì rất dễ biến thành thói khôn vặt, tùy tiện. Tính khoa học là phẩm chất trong cách nghĩ, cách làm: rõ ràng, mạch lạc, có lớp lang, có quy trình. Khi kết hợp với tính sáng tạo - không phải theo kiểu biến báo đối phó, mà là khả năng đổi mới tư duy trên nền tảng khoa học - sẽ tạo ra một thế hệ lao động chuyên nghiệp, đổi mới và biết phát triển bền vững.

Nhìn trong tổng thể, những giá trị mới này sẽ hướng đến hình thành một mô hình văn hóa thiên về dương tính - thiên về hành động, chủ động, cởi mở, thẳng thắn - thay cho lối sống âm tính nặng về tình cảm, ổn định, né tránh va chạm. Xã hội muốn phát triển thì con người phải đổi thay. Giáo dục vì thế cần chuyển trọng tâm từ việc đào tạo “con ngoan trò giỏi” (theo nghĩa ‘biết vâng lời’ và ‘học thuộc bài’) sang đào tạo “con bản lĩnh, trò sáng tạo”. Cá nhân phải là trung tâm trong mô hình giáo dục mới, còn nhà trường là nơi bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa hiện đại, văn hóa công nghiệp, văn hóa đô thị, văn hóa hội nhập.

Việc thiết kế mô hình hệ giá trị chỉ là bước đầu. Để kiến tạo hệ giá trị, biến giá trị thành hành động, hình thành lớp người Việt Nam với những giá trị mới, đòi hỏi quyết tâm cao từ cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của toàn dân. Khi đó, Việt Nam mới có thể thoát khỏi quán tính của văn hóa âm tính, tạo nên “thế hệ vươn mình”, tạo nên một bước phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Hai cuộc chấn hưng văn hóa của dân tộc

Lịch sử từng ghi nhận hai cuộc chấn hưng văn hóa lớn. Lần thứ nhất vào thời Lý - Trần, mở đầu cho giai đoạn Đại Việt bền vững kéo dài hơn 300 năm. Lần thứ hai khởi đầu từ phong trào Duy Tân (1906-1908), được tiếp nối bằng cuộc cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, với mốc quan trọng là Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943).

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/kien-tao-he-gia-tri-truoc-van-hoi-moi-cua-dat-nuoc-post793011.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm