Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương giữa vòng xoáy thương chiến

Báo Thanh niênBáo Thanh niên19/02/2025

Tuy chưa có nhiều nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trở thành mục tiêu của các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng vẫn hứng chịu tác động không nhỏ.


Xoay quanh vấn đề này, Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn với ông Danny Kim, chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của Công ty phân tích Moody's thuộc Tập đoàn Moody's chuyên về dịch vụ tài chính.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2025 giữa thương chiến Mỹ - trung - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc đã bị chính quyền Tổng thống Trump áp dụng nhiều biện pháp thuế quan

Vẫn tăng trưởng nhưng nhiều khó khăn

Ông nhận định thế nào về kinh tế thế giới và APAC vào năm 2025? Đâu là những thách thức lớn nhất?

Nền kinh tế toàn cầu sẽ mất đà vào năm 2025 nhưng sẽ không đến nỗi suy sụp dù các biện pháp thuế quan và chiến tranh thương mại đè nặng lên xuất khẩu, chi phí đầu tư. Chúng tôi dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại một chút, xuống còn 2,6% trong năm nay.

Những thay đổi trong chính sách của Mỹ khiến lạm phát ở nước này có khả năng sẽ ở mức cao, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất điều hành, nên lãi suất điều hành tiếp tục ở mức cao. Vì thế, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế khác có thể cũng nhận thức cần giữ lãi suất điều hành cao hơn so với dự kiến trước đây, nhằm ngăn chặn nội tệ giảm giá sâu. Điều này sẽ khiến chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư ở nhiều khu vực ở APAC chịu áp lực.

Kinh tế APAC vẫn tăng trưởng trong năm 2025 và 2026, nhưng mức tăng trưởng sẽ thấp hơn so với mức được dự kiến trước cuộc bầu cử của Mỹ hồi tháng 11.2024. Ngoài nhu cầu trong nước yếu, một thách thức lớn mà các nền kinh tế APAC phải đối mặt là mối đe dọa từ thương chiến leo thang.

Các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và những quốc gia nhận được lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc đặc biệt có nguy cơ bị Washington tăng thuế. Nhiều nền kinh tế ở cả Đông Nam Á lẫn Đông Bắc Á đứng trước nguy cơ này. Vì xuất khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế APAC, nên khi hàng hóa bị áp thuế quan cao hơn dự kiến hoặc gặp tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế này.

Rủi ro trực tiếp lẫn gián tiếp, không dễ hưởng lợi

Cụ thể hơn, các nền kinh tế APAC sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường áp dụng biện pháp thuế quan?

Nhiều nền kinh tế APAC phụ thuộc lớn vào thương mại, nên các biện pháp thuế quan sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc và một số nền kinh tế ở Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khác sẽ bị ảnh hưởng về giá thành hàng hóa.

Đối với APAC, sau khi nhậm chức thì Tổng thống Trump chủ yếu chỉ mới có các động thái về thuế với Trung Quốc, nhưng các nền kinh tế khác trong khu vực chưa hẳn "thoát nạn" vì hầu hết các nền kinh tế APAC đều có thặng dư thương mại với Mỹ, nên đều nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump.

Ngay cả khi không bị Mỹ áp các biện pháp thuế quan, các nền kinh tế APAC vẫn chịu tác động tiêu cực khi xảy ra trục trặc trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cùng các đối tác thương mại khác.

Một số nền kinh tế APAC có thể đã hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhưng lần này thì khác vì các nền kinh tế khó có thể thoát khỏi tổn thất. Thật vậy, các nền kinh tế ở APAC bị lệ thuộc vào xuất khẩu thì có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước các biện pháp thuế quan và quan hệ thương mại quốc tế xấu đi.

Còn nền kinh tế VN năm 2025 thì sao, thưa ông?

Nền kinh tế VN tất nhiên sẽ đối mặt nhiều thách thức dù đã tăng trưởng hơn 7% vào năm ngoái. Thách thức đến từ xuất khẩu. Vì thương chiến Mỹ - Trung sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng và nhu cầu ở cả hai nền kinh tế này. Trong khi đó, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều là các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của VN. Khi thị trường tiêu dùng bị ảnh hưởng thì sẽ giảm số lượng đặt hàng.

Khuyến nghị cho VN

Như vậy, theo ông, VN nên có những biện pháp, chính sách nào?

Chúng tôi kỳ vọng VN tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong nước để bù đắp cho rủi ro từ tăng trưởng xuất khẩu. Tháng 1 vừa qua, Chính phủ VN đã gia hạn mức giảm 2 điểm phần trăm của thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đối với một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và giảm chi phí kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước VN nên xem xét chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn tỷ giá hối đoái mất giá. Ngoài hỗ trợ trực tiếp về phía cầu, chính phủ sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, điều này rất quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn.

Chúng tôi cũng kỳ vọng VN thúc đẩy đàm phán với Mỹ để tránh, hoặc hạn chế bị áp dụng các biện pháp thuế quan. Bên cạnh đó, VN cần tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ở châu Âu và các nơi khác để giảm sự phụ thuộc vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2025 giữa thương chiến Mỹ - trung - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp tư nhân ngày 17.2

Ông Tập Cận Bình gặp lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân

Trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân ngày 17.2, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ khu vực tư nhân có triển vọng rộng mở và tiềm năng to lớn trong kỷ nguyên mới. Ông Tập khẳng định đây là "thời điểm vàng" để doanh nghiệp phát huy hết khả năng của mình, Tân Hoa xã đưa tin. Tại cuộc họp, ông Tập bày tỏ mong muốn các bên nỗ lực đạt đồng thuận và củng cố lòng tin, qua đó thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển lành mạnh, có chất lượng cao.

Nhà lãnh đạo cho biết Trung Quốc cam kết kiên trì củng cố và phát triển khu vực công song song khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của khu vực tư nhân. Ông Tập Cận Bình nêu ra những khó khăn, thách thức hiện nay mà khu vực tư nhân có thể vượt qua, đồng thời kêu gọi niềm tin vào tương lai. Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ hết lòng bảo vệ các quyền hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân theo luật định, tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Bảo Hoàng



Nguồn: https://thanhnien.vn/kinh-te-chau-a-thai-binh-duong-giua-vong-xoay-thuong-chien-185250218222000536.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available