Từ điểm xuất phát thấp, điều kiện thiếu thốn, bất lợi, sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã lớn mạnh hơn rất nhiều, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế lớn. Trong đó, kinh tế Việt Nam sẵn sàng bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khắc phục, vượt qua khó khăn

Cách đây 50 năm, đất nước sau thống nhất là niềm vui vô bờ bến nhưng cùng với đó là thực trạng kinh tế - xã hội hết sức khó khăn.
Nền kinh tế yếu kém, lạc hậu khi miền Bắc suy kiệt sau hàng chục năm bị tàn phá, đồng thời dồn toàn lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong khi đó, kinh tế miền Nam phụ thuộc viện trợ nước ngoài, chỉ có một số nhà máy, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là gia công và chế biến thực phẩm, nông sản, hàng tiêu dùng. Lúc ấy, quy mô nền kinh tế rất nhỏ bé, què quặt và manh mún, năng suất lao động thấp, thiếu sức sống cũng như thiếu nhiều nguồn lực tổng hợp cho phát triển. Hơn thế, chỉ sau giải phóng ít lâu, Việt Nam phải đối diện với lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và các nước phương Tây kéo dài, bị dồn vào tình thế rất khó khăn, thiếu cơ hội phát triển, khiến đời sống đại bộ phận nhân dân thiếu thốn, eo hẹp.
Nhưng đó cũng là căn nguyên dẫn đến sự đổi mới tư duy, quyết tâm thoát khỏi tình trạng yếu kém, tìm đường phát triển của Đảng, Nhà nước như một nhu cầu tự thân và tất yếu. 1986-1990 là giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. Chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế dần dần khắc phục được những yếu kém và có những bước phát triển.
Sau giai đoạn 1986-1990, công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 4,4%/năm; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,8-4%/năm; công nghiệp tăng bình quân 7,4%/năm, trong đó sản xuất hàng tiêu dùng tăng 13-14%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm.
Việc thực hiện tốt ba chương trình mục tiêu phát triển về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu đã góp phần phục hồi nền kinh tế và kiềm chế lạm phát… Đây là thành công bước đầu, là giai đoạn chuyển đổi cơ bản từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, thực hiện một bước quá trình đổi mới đời sống kinh tế - xã hội và bước đầu giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để đất nước bước sang giai đoạn 1991-1995, với những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng tương đối cao, liên tục và toàn diện. GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,3%/năm; nông nghiệp tăng 4,5%/năm; lĩnh vực dịch vụ tăng 12%/năm; tổng sản lượng lương thực 5 năm đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986-1990. Đất nước đã ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.
Giai đoạn 1996-2000 đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. GDP bình quân của cả giai đoạn này tăng 7%/năm; nếu tính cả giai đoạn 1991-2000 thì nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân là 7,5%/năm. So với năm 1990, GDP năm 2000 tăng hơn hai lần. Có thể nói đó là sự bứt phá, dấu ấn rất tích cực.
Giai đoạn 2001-2005 chứng kiến sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu. GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%. Riêng quy mô tổng sản phẩm trong nước của nền kinh tế năm 2005 đạt 837,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 1995. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam lập kỳ tích mới khi trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định đã bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh, bước đầu phát huy được nhiều lợi thế của đất nước, của từng vùng và từng ngành. Công cuộc cải cách thể chế kinh tế, từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý và hệ thống điều hành; cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, tiền tệ; phát triển nguồn lực và chất lượng lao động, khoa học và công nghệ… đều thu được kết quả rõ nét.
Trong những năm tiếp theo, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). GDP tăng bình quân 7%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000.
Như vậy, trong vòng 20 năm (1991-2011), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,34%/năm, thuộc loại cao ở Đông Nam Á và thế giới. Dư luận quốc tế đánh giá cao kết quả xóa đói, giảm nghèo cũng như kinh nghiệm của Việt Nam, xác nhận Việt Nam là bài học tham khảo đáng trân trọng…
Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là quốc gia có mức phát triển con người cao. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị chỉ số này thay đổi từ 0,492 lên 0,726, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tăng tốc đến giàu mạnh, thịnh vượng
Giai đoạn 2020-2025, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, bảo đảm ổn định vĩ mô, duy trì được đà tăng trưởng khá, có sự chuyển dịch ấn tượng về cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phù hợp với diễn tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quy mô nền kinh tế năm 2025 dự báo đạt khoảng 500 tỷ USD, xếp thứ 32 trên thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.650 USD/năm, tức vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Chính phủ xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững. Tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng, đến năm 2025 chiếm 80,5% GDP. Các ngành sản xuất và dịch vụ bước đầu được cơ cấu lại theo hướng số hóa, xanh hóa, đa dạng hóa, nâng cấp chuỗi giá trị trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo.
Đã hình thành một số ngành công nghiệp quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từng bước hình thành năng lực tự chủ của nền kinh tế. Một số ngành, lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đòi hỏi chất xám, công nghệ tiên tiến đã hình thành, tăng trưởng nhanh đồng thời thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, như điện tử - bán dẫn, chế tạo cơ khí, thiết bị công nghiệp, ô tô… được giới tiêu dùng quốc tế đón nhận.
Đặc biệt, diện mạo đất nước đã và đang thay đổi rất nhanh, nhất là trong 10 năm gần đây, chủ yếu là nhờ sự xuất hiện của hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đường bộ, hàng hải, hàng không. Hạ tầng kỹ thuật của đô thị, nhất là ở các thành phố lớn đang được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ mà điểm nhấn là những tuyến đường sắt trên cao cho phép phục vụ con người một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng, miền trong cả nước và giao thông quốc tế. Đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu sẽ có hơn 3.000km đường bộ cao tốc. Chưa bao giờ mạng lưới giao thông được đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ để trở thành những cú hích, khai thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như giai đoạn này.
Vừa qua, cả nước đã khởi công, khánh thành 80 dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, với tổng số vốn 445.000 tỷ đồng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hứa hẹn sự thay đổi rất mạnh mẽ và đồng bộ về hạ tầng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai gần. Tiêu biểu là loạt dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong khi cầu Rạch Miễu 2 hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều dự án khác đang băng băng về đích. Nói cách khác, hệ thống hạ tầng thật sự là đường băng, đưa đất nước cất cánh vào tương lai.
Việt Nam còn nổi lên là điểm đến đầy hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, với sức cạnh tranh cao nhờ chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh tiến bộ, nền tảng chính trị và xã hội ổn định bên cạnh lực lượng lao động dồi dào kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương quốc tế. Thế giới cũng đánh giá cao kết quả xuất khẩu của Việt Nam, với thực tế xuất siêu liên tục trong nhiều năm qua, trở thành biểu tượng cho sức mạnh nền kinh tế. Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh khốc liệt, diễn biến phức tạp và bất định…
So với bề dày lịch sử thì chặng đường 50 năm qua không dài, nhưng chứa đựng cả chuỗi ngày quyết tâm vượt khó, vượt cả chính mình để tiến bộ. Dân tộc Việt đang tiến tới thịnh vượng dù phía trước còn nhiều gian nan, thử thách nhưng cũng có cả niềm vui cùng khát vọng để chúng ta tự hào, là hành trang cho lớp hậu duệ mai sau. Với niềm tin mãnh liệt, toàn dân tộc tiếp tục sự nghiệp đổi mới trong kỷ nguyên vươn mình trên đường phát triển, tới đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/kinh-te-viet-nam-san-sang-but-pha-trong-ky-nguyen-vuon-minh-700945.html
Bình luận (0)