Phát triển mô hình kinh tế xanh
Việc phục hồi rừng không chỉ bảo vệ môi trường sống mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn, khi người dân có thể khai thác gỗ, dược liệu, mật ong, tre nứa một cách hài hòa bền vững, tạo sinh kế ổn định. Phát triển du lịch sinh thái tại những khu rừng được quy hoạch thành điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách và tạo thêm thu nhập cho cộng đồng địa phương. Cải thiện đời sống người dân thông qua các chương trình trồng rừng kết hợp với xóa đói giảm nghèo.

Để hỗ trợ người dân có thu nhập từ các mô hình kinh tế xanh, giảm thiểu tác động đến rừng, môi trường rừng, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng hỗ trợ người dân thông qua các mô hình, dự án cộng đồng.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 do Sở Nông nghiệp và Môi trường làm chủ đầu tư. Chủ trì liên kết là Công ty TNHH Một thành viên Đông Nam Việt (Hà Nội) có quy mô hơn 225ha, trong đó, khu vực trồng dược liệu quý với 150ha tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổng mức đầu tư của dự án gần 230 tỷ đồng, vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp và người dân.

Dưới những cánh rừng tự nhiên bảo vệ tốt, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng với không khí trong lành, mát mẻ và đặc biệt là có nguồn nước trong sạch từ khu vực Pù Lầu, thuộc thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể), anh Đặng Hành Dũng, người dân tộc Dao đã tận dụng lợi thế để nuôi cá hồi, cá tầm phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái. Từ cách làm này gia đình anh đã và đang phát triển rất tốt mô hình, có thu nhập cao từ nuôi cá. Đến nay, anh còn phát triển thành Hợp tác xã Cá hồi – Cá tầm với 08 thành viên tham gia, chăn nuôi cá trên diện tích gần 4.000 mét vuông, với giá bán từ bình quân từ 300 đến 450 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí Hợp tác xã của anh còn thu về trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo anh Đàm Văn Linh, người dân xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể chia sẻ: Những cánh rừng đặc dụng ở Vườn Quốc gia Ba Bể từ ngày được giao khoán đã không có những vụ xâm phạm mức độ lớn và rừng đang phát triển rất tốt. Ở đây nhiều du khách đến muốn đi trải nghiệm, thăm thú các khu vực rừng có cây gỗ lớn hoặc tham quan các khu vực núi đá vôi hay hang động... đều được người dân tổ chức đưa đoàn đi. Người dân được trả công, có thu nhập từ việc dẫn khách du lịch. Ngược lại du khách được chụp ảnh tại nhiều vị trí đẹp, nên ngày càng có nhiều đoàn đến trải nghiệm, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
Đến từ Thủ đô Hà Nội, anh Nguyễn Hà Trung bày tỏ sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của hồ Ba Bể và khu vực du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái Phiêng Phàng. Gia đình anh biết đến hồ Ba Bể và Phiêng Phàng qua các phương tiện thông tin đại chúng và quyết định đến trải nghiệm. Khi đến đây, cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ, môi trường sạch sẽ, ai cũng thấy rất thoải mái. Nghĩ là ở vùng cao đường đi lại sẽ rất khó khăn nhưng thực tế đường đi lại đã được đổ bê tông đến tận những điểm đến; nhiều vị trí ở trên cao nhìn xuống, cảnh đẹp thiên nhiên từ những cánh rừng xanh, đan xen với những ruộng lúa chín thu vào tầm mắt như tranh vẽ… ”Bắc Kạn đẹp tuyệt vời”- anh Trung thốt lên.
Chỉ ra khó khăn để khắc phục
Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích đất có rừng hơn 396.357ha (trong đó, rừng tự nhiên hơn 264.072ha, rừng trồng đã thành rừng là 86.244ha, đất đã trồng nhưng chưa thành rừng hơn 46.040ha) và đất chưa có rừng hơn 36.844ha. Công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo các chương trình, dự án hoặc người dân tự đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng góp phần trong việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Kết quả giải ngân chi trả cho giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2024 là hơn 124 tỷ 750 triệu đồng (trung bình hằng năm 31 tỷ 187 triệu đồng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng còn một số hạn chế như: Cán bộ làm công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền cấp xã về việc chống chặt, phát phá rừng nhiều nơi chưa kịp thời dẫn đến còn có một số vụ việc xâm hại rừng chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay khi phát sinh ở cơ sở. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương và chưa được xử lý dứt điểm, triệt để; đặc biệt, tình trạng người dân tự ý hoặc cố tình chặt phát, phá rừng để lấy gỗ, củi hoặc lấy đất để trồng rừng vẫn còn diễn ra. Công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng chưa chặt chẽ nên còn xảy ra hiện tượng cháy rừng hằng năm ở một số địa phương.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp chống chặt phá rừng, chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Đời sống của người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu sống dựa vào rừng; giá trị từ việc khai thác gỗ rừng trồng ngày càng cao nên một bộ phận người dân đã cố tình hoặc vô tình chặt phá rừng để trồng rừng, tham gia vào việc vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, gây nhiều áp lực, khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý.
Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là tình trạng phá rừng trái pháp luật. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu các chính sách, cơ chế đặc thù cho người dân phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm an sinh xã hội và hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao./. (còn nữa)
Nguồn: https://baobackan.vn/ky-2-nhung-loi-ich-to-lon-tu-rung-dem-lai-post70109.html
Bình luận (0)