Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỹ năng người lao động cần trang bị thời AI

Trí tuệ nhân tạo, công nghệ phát triển như vũ bão có tác động lớn đến thị trường lao động toàn cầu, với 92 triệu việc làm có khả năng bị thay thế, nhưng có đến 170 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong thập niên này. Trong bối cảnh đó, người lao động muốn tồn tại phải thay đổi mình để đáp ứng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên01/05/2025

Đó là dự báo được nêu ra trong Báo cáo tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được công bố hồi đầu năm.

NHỮNG VIỆC LÀM PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT

Báo cáo nói trên được thực hiện dựa trên khảo sát hơn 1.000 nhà tuyển dụng đại diện cho hơn 14 triệu người lao động trong 22 cụm ngành và 55 nền kinh tế trên thế giới. Báo cáo phản ánh rõ tác động của các xu hướng đến việc làm và kỹ năng dẫn đến những thay đổi của thị trường lao động toàn cầu và từng khu vực trong khoảng thời gian từ năm 2025 - 2030.

Kỹ năng người lao động cần trang bị thời AI- Ảnh 1.

Sinh viên cần trang bị khả năng học tập suốt đời, yếu tố giúp người lao động có lợi thế cạnh tranh trong công việc

ẢNH: MỸ QUYÊN

Báo cáo nêu rõ số việc làm được tạo ra trong thời gian tới là 170 triệu trong khi 92 triệu việc làm sẽ bị thay thế. Như vậy mức tăng ròng là khoảng 78 triệu việc làm.

Những công việc suy giảm nhanh nhất rơi vào lĩnh vực hành chính, chẳng hạn như thủ quỹ và nhân viên bán vé, trợ lý hành chính, thư ký điều hành, nhân viên in ấn, kế toán và kiểm toán viên, do trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ xử lý thông tin, robot, các hệ thống tự động có thể làm thay.

Trong khi đó, những công việc liên quan đến công nghệ phát triển nhanh nhất, bao gồm chuyên gia dữ liệu lớn, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên gia AI và máy học, nhà phát triển phần mềm và ứng dụng. Ngoài ra là các công việc về chuyển đổi năng lượng xanh như chuyên gia xe điện và tự hành, kỹ sư môi trường và kỹ sư năng lượng tái tạo.

Các xu hướng trong công nghệ AI và xử lý thông tin dự kiến sẽ tạo ra 11 triệu việc làm, đồng thời thay thế 9 triệu việc làm khác, nhiều hơn bất kỳ xu hướng công nghệ nào. Robot và hệ thống tự động dự kiến sẽ là động lực thay thế việc làm ròng lớn nhất, với mức giảm ròng là 5 triệu việc làm.

Trong những vị trí dự đoán có sự tăng trưởng lớn nhất về mặt khối lượng công việc có công nhân nông trại. Theo đó, các xu hướng chuyển đổi xanh, bao gồm nỗ lực giảm phát thải carbon và thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu, sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra thêm 34 triệu việc làm vào năm 2030, bổ sung vào 200 triệu người làm nông trại hiện nay.

Tiếp đến là tài xế giao hàng, công nhân xây dựng, nhân viên bán hàng và công nhân chế biến thực phẩm. Các công việc như chuyên gia điều dưỡng, công tác xã hội, chuyên gia tư vấn và trợ lý chăm sóc cá nhân, giáo viên trung học và giảng viên ĐH cũng sẽ tăng trưởng mạnh.

Báo cáo tương lai việc làm chỉ ra hiện tại 47% công việc được thực hiện chủ yếu bởi con người, 22% được thực hiện chủ yếu bởi công nghệ (máy móc và thuật toán) và 30% được hoàn thành bởi sự kết hợp của cả hai.

Kỹ năng người lao động cần trang bị thời AI- Ảnh 2.

Tư duy phân tích là kỹ năng cốt lõi hàng đầu được các nhà tuyển dụng tìm kiếm

Ảnh: Mỹ Quyên

CÁC KỸ NĂNG MỚI NHÀ TUYỂN DỤNG YÊU CẦU

Từ những thay đổi trên, Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn. Tư duy phân tích vẫn là kỹ năng cốt lõi hàng đầu được các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất, với 7 trong số 10 công ty coi đây là kỹ năng thiết yếu.

Tiếp theo là khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn, cùng với khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội; khả năng thích ứng và cộng tác cùng với các kỹ năng nhận thức. Tư duy sáng tạo và động lực, tự nhận thức lần lượt đứng thứ tư và thứ năm.

Đặc biệt, AI và dữ liệu lớn đứng đầu danh sách các kỹ năng phát triển nhanh nhất, theo sát là mạng lưới và an ninh mạng cũng như hiểu biết về công nghệ. Bổ sung cho các kỹ năng liên quan đến công nghệ này là tư duy sáng tạo, khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn, cùng với sự tò mò và học tập suốt đời, cũng được dự đoán sẽ tiếp tục trở nên quan trọng trong giai đoạn 2025-2030. Những kỹ năng này sẽ trở thành yếu tố cốt lõi giúp ứng viên tạo lợi thế cạnh tranh.

So với Báo cáo tương lai việc làm công bố năm 2023 thì báo cáo năm nay xuất hiện một số kỹ năng cốt lõi mới như lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội, AI và dữ liệu lớn, quản lý tài năng, định hướng dịch vụ và dịch vụ khách hàng. Ngược lại, sự khéo léo, sức bền và độ chính xác bằng tay đã giảm tầm quan trọng.

Các kỹ năng nổi bật nhất phân biệt các công việc đang phát triển với các công việc đang suy giảm gồm khả năng phục hồi, tính linh hoạt và nhanh nhẹn; quản lý và vận hành nguồn lực; kiểm soát chất lượng; lập trình và hiểu biết về công nghệ.

Báo cáo chỉ ra 70% người sử dụng lao động mong muốn tuyển dụng nhân viên có kỹ năng mới, 40% có kế hoạch cắt giảm nhân viên khi kỹ năng của họ trở nên ít liên quan hơn và 50% có kế hoạch chuyển đổi nhân viên từ vai trò đang suy giảm sang vai trò đang phát triển.

Các nhà tuyển dụng có trụ sở chính tại khu vực ASEAN đặc biệt tập trung vào việc nâng cao kỹ năng cho người lao động (96%, so với 85% trên toàn cầu) và tuyển dụng nhân viên có kỹ năng mới (86%, so với 70% trên toàn cầu).

Với những nhu cầu về kỹ năng đang thay đổi này, quy mô cần nâng cao và đào tạo lại kỹ năng của lực lượng lao động vẫn còn đáng kể: nếu lực lượng lao động của thế giới bao gồm 100 người, thì 59 người sẽ cần đào tạo vào năm 2030.

Một nửa số nhà tuyển dụng có kế hoạch định hướng lại hoạt động kinh doanh của mình để thích ứng với AI, 2/3 có kế hoạch tuyển dụng nhân tài có các kỹ năng AI cụ thể, trong khi 40% dự đoán sẽ cắt giảm lực lượng lao động của họ khi AI có thể tự động hóa các nhiệm vụ. (còn tiếp)

Lời khuyên cho sinh viên

Bà Nguyễn Bích Vân, Trưởng phòng Nhân sự Navigos Group, nhận định AI đang bùng nổ và làm thay đổi sâu sắc thị trường lao động. "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà mọi sự thay đổi diễn ra nhanh hơn. Công nghệ, đặc biệt là AI, đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong hầu hết mọi ngành nghề. Nhiều công việc quen thuộc dần bị thay thế, đồng thời xuất hiện vô vàn công việc mới. Trong bối cảnh đó, sinh viên nói riêng, người lao động nói chung không thể chỉ học để biết mà cần học để làm, học để thích nghi và học để phát triển bền vững", bà Vân nói.

Theo bà Vân, sinh viên dù thuộc bất kỳ chuyên ngành nào cũng cần có nền tảng công nghệ cơ bản: hiểu về dữ liệu, biết cách sử dụng công cụ số và có tư duy số hóa. Các bạn cần biết làm việc với AI đồng thời hiểu được giới hạn, rủi ro và đạo đức của việc sử dụng AI.

"Khả năng học tập suốt đời được coi là yếu tố sống còn, giúp người lao động có lợi thế cạnh tranh trong quá trình sự nghiệp của mình. Công nghệ và kiến thức liên tục cập nhật, tư duy phát triển sẽ là kim chỉ nam giúp sinh viên có khả năng nhận biết những điểm còn yếu, còn thiếu cũng như những kỹ năng của tương lai để tự học từ mọi nền tảng. Việc rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi, phản biện lập luận, phân tích dữ liệu và giải quyết vấn đề sáng tạo sẽ luôn hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra quyết định đúng đắn", bà Vân lưu ý.

Bên cạnh đó, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, cụ thể là trình bày, lắng nghe, truyền đạt ý tưởng rõ ràng sẽ giúp sinh viên trở thành nhân tố kết nối trong bất kỳ tổ chức nào. Đặc biệt, bà Vân cho rằng mỗi sinh viên hãy sớm có tâm thế "khởi nghiệp". Đó không nhất thiết là thành lập công ty mà còn là dám chủ động dẫn dắt hành trình sự nghiệp của mình, luôn sẵn sàng thay đổi, không ngừng học hỏi, làm chủ kỹ năng và tự tạo ra giá trị cho bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào để từ đó tìm ra hướng đi phù hợp giữa một thế giới luôn biến động.

Nguồn: https://thanhnien.vn/ky-nang-nguoi-lao-dong-can-trang-bi-thoi-ai-185250430190034224.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm