Vừa sản xuất, vừa chiến đấu
Sau Hiệp định Geneve 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong khi nhân dân miền Bắc tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng hậu phương lớn để chi viện cho tiền tuyến miền Nam, năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện là thành quả những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hà Nội bị phá hủy.
Trong điều kiện đó, quân dân Hà Nội đã nhanh chóng chuyển hướng “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa chi viện tiền tuyến miền Nam. Hà Nội đã phát động thành công các phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” trong các tầng lớp nhân dân, từ đó phát huy tối đa sức mạnh của Thủ đô, tạo ra của cải vật chất xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho chiến trường.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, Hà Nội đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở 688 đầu mối, có quy mô từ trung đội đến tiểu đoàn. 6 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 384 đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng; tổ chức 92 trận địa trực chiến bằng các loại súng máy phòng không, 4 đại pháo 100mm; 1.122 tổ “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” trang bị các loại súng trường; 414 trạm quan sát, 36 đài quan sát, 95 cơ sở thông tin điện thoại; 157 đơn vị dân quân tự vệ hiệp đồng chiến đấu với 123 trận địa của bộ đội pháo phòng không [1].
Đặc biệt, năm 1972, chỉ trong 30 giờ đồng hồ, Hà Nội đã sơ tán trên 24 vạn người già, trẻ em ra khỏi thành phố, tổ chức lực lượng chiến đấu dày đặc, nhiều tầng, nhiều hướng, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cùng với đó, nhân dân Hà Nội dấy lên các phong trào thi đua như, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”, công nhân “vững tay búa, chắc tay súng”, nông dân “chắc tay súng, vững tay cày”..., góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương [2].
Với cựu chiến binh Đặng Minh Thành, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ký ức của những năm tháng chiến đấu vì độc tập, tự do của dân tộc dù đã qua 50 năm nhưng vẫn in đậm trong tâm trí ông bởi ông là thành viên của phong trào “gác bút nghiên lên đường ra trận” của sinh viên Hà Nội lúc bấy giờ. Cựu chiến binh Đặng Minh Thành nhớ lại: “Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách, thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ. Hưởng ứng phong trào, tôi là một trong số hơn 500 tân binh là sinh viên Trường Đại học Bách khoa nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn bộ binh 320, tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Lào, chiến trường Tây Nguyên, đánh xuống Sài Gòn giải phóng miền Nam cho tới ngày 30-4-1975”.
Mặc dù phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh phá hoại, nhưng đến năm 1975, Hà Nội đã xây dựng được 232 xí nghiệp quốc doanh và 411 hợp tác xã thủ công nghiệp. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt được mức cao hơn so với năm 1960: Thu nhập quốc dân sản xuất gấp 2,4 lần; giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,5 lần; giá trị sản lượng nông nghiệp gấp 1,4 lần; sản lượng lương thực quy thóc gấp 1,2 lần; tổng đàn lợn gấp 2,3 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa gấp 3,2 lần. Mạng lưới thương nghiệp mở rộng nhanh chóng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất thời chiến.
Từ năm 1965 đến 1975, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào sử dụng 320 công trình phục vụ sản xuất, 58 công trình phúc lợi, 36 công trình văn hóa, giáo dục. Giao thông được bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống. Cũng giai đoạn này, Hà Nội đã xây dựng hàng chục cây cầu cho xe cơ giới, làm thêm 620km đường cấp phối và 1.850km đường liên thôn, liên xã. Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã vận chuyển được 26,7 triệu tấn hàng hóa, 652 triệu hành khách; xây dựng, đưa vào sử dụng 13 bệnh viện, 96 bệnh xá, 4 nhà hộ sinh quận, tăng thêm 3.447 giường bệnh và 2.357 cán bộ y tế.
Kết quả của Hà Nội trong xây dựng và bảo vệ hậu phương không chỉ giúp thành phố đứng vững trước khói bom lửa đạn, mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao đối với đồng bào miền Nam. Đặc biệt, chiến thắng của Hà Nội trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc để cách mạng miền Nam từng bước giành thắng lợi, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
“Quân không thiếu một người”
Cùng với xây dựng và bảo vệ hậu phương, trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội tiến hành tổng cộng 29 đợt tuyển quân, động viên 86.061 thanh niên, quân dự bị, bổ sung cho các quân binh chủng và trực tiếp chi viện cho các chiến trường. So với chỉ tiêu được giao, đạt 102,7% và so với dân số thành phố, đạt 7,04%. Tỷ lệ động viên so với dân số, độ tuổi lao động và sự phân bổ động viên trong từng khu vực là phù hợp, bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” [3].
Điểm cần nhấn mạnh, chất lượng quân đội Hà Nội động viên cho chiến trường đạt cao. Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã động viên được 5.107 đảng viên, 36.425 đoàn viên, 31.396 dân quân tự vệ, 4.296 quân dự bị, 362 kỹ sư, 537 trung cấp kỹ thuật, 3.354 thợ các loại, 657 sĩ quan dự bị, 465 cán bộ từ cấp trung đội đến trung đoàn và một số cán bộ dân chính… bổ sung cho các đơn vị [4].
Công tác động viên tuyển quân của Hà Nội đã hoàn thành thắng lợi, bảo đảm 4 yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian và chính sách, góp phần xây dựng quân binh chủng kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, trong những năm tiến hành động viên lớn (1965, 1968, 1972, 1975), Hà Nội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuyệt đại đa số thanh niên Hà Nội lên đường chiến đấu đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó có 8 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.781 đồng chí được phong dũng sĩ, 2.663 đồng chí được phong là chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ thi đua, 15.846 huân chương, 9.281 huy chương, 35.930 bằng và giấy khen. Đã có 11.561 người con ưu tú của Thủ đô hy sinh anh dũng trên chiến trường miền Nam; hơn 700 gia đình trong hàng vạn gia đình liệt sĩ có từ 2 đến 5 con là liệt sĩ; cùng với đó là gần 7.000 thương binh không tiếc máu xương cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam [5].
Họ là đại diện cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng thời kỳ chống Mỹ. Sự dũng cảm, hy sinh của các chiến sĩ năm xưa vẫn là nguồn cảm hứng mãnh liệt, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay sống có hoài bão, lý tưởng, luôn mong mỏi cống hiến sức lực, tài năng của mình để gìn giữ hòa bình cũng như thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
(Còn nữa)
----------
[1] Lê Đình Sỹ (chủ biên), Thăng Long - Hà Nội, những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm, Nxb Hà Nội, 2010, tr.568.
[2] Lê Đình Sỹ (chủ biên), Thăng Long - Hà Nội, những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm, Nxb Hà Nội, 2010, tr.568.
[3] Thành ủy Hà Nội, Hồ sơ Hội nghị thường trực thành ủy bàn về tổ chức tổng kết công tác vận động tuyển quân trong 10 năm chống Mỹ cứu nước, họp ngày 17-9-1977, Hồ sơ số 34, khóa VII từ 3/6/1977 - 10/2/1980.
[4] Thành ủy Hà Nội, Hồ sơ Hội nghị thường trực thành ủy bàn về tổ chức tổng kết công tác vận động tuyển quân trong 10 năm chống Mỹ cứu nước, họp ngày 17-9-1977, Hồ sơ số 34, Khóa VII từ 3/6/1977 - 10/2/1980.
[5] Thành ủy Hà Nội, Hồ sơ Hội nghị thường trực thành ủy bàn về tổ chức tổng kết công tác vận động tuyển quân trong 10 năm chống Mỹ cứu nước, họp ngày 17-9-1977, Hồ sơ số 34, Khóa VII từ 3/6/1977 - 10/2/1980.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-thu-do-ha-noi-hau-phuong-lon-tron-nghia-ven-tinh-bai-2-bao-ve-tot-hau-phuong-699532.html
Bình luận (0)