Lúc ngang qua, chị dừng lại cạnh cây lim xẹt đổ nghiêng ra đường và vòng tay ôm cây “Chào em cây, em giỏi lắm, cố lên nghe!”. Tôi ngạc nhiên và cười nắc nẻ trước hành động của chị, nhưng chị không đùa chút nào: “Xin giới thiệu với em, đây là em Lim Xẹt, bạn của chị”. Rồi chị đưa tay vẫy hai cây bên cạnh: “Xin chào hai bạn hàng xóm” và quay ra cười với tôi: “Cũng phải chào hàng xóm kẻo các em ấy buồn”. Ngay lúc ấy, tôi thấy không chỉ miệng chị cười mà mắt chị cũng cười, cả con người chị cũng cười, nó vui vẻ, nó hạnh phúc làm sao.

Lim xẹt “bạn” của chị là một cây không còn ngọn nhưng cành lá xanh um. Chị kể rành rẽ như là người chăm cây: “Em ấy bị bão, “đổ dốc” 45° mà vẫn đứng vững cho đến bây giờ. Năm đó bão lớn lắm, cây trong công viên đổ nhiều, cây ni bị gãy đọt, đổ nghiêng chứ không chịu ngã. Khi làm đường đi bộ ven sông Hương, các anh thi công cũng thương, để cây lại nên bây chừ “oai” chưa, nghiêng ra đường thế này, ai đi ngang qua cũng phải vòng tay ôm”.

Tôi cũng bắt chước chị, nghiêng người đi qua cây rồi đưa tay vỗ lên thân cây, cười nói to “Chào Lim Xẹt”. Nếu ai thấy hai chị em tôi lúc ấy chắc sẽ nói người không bình thường. “Nhưng tại sao yêu một cái cây, trò chuyện và vòng tay ôm cây thì không bình thường hả em, chị thấy vui như gặp lại một người bạn. Khoa học đã chứng minh cây cối cũng cảm nhận được tình cảm của con người và giao tiếp với con người đó em!” - chị nói.

Chuyện chị nói làm tôi bỗng nhận ra là người Huế đã chứng minh điều này trước cả các nhà khoa học. Từ rất lâu rồi, người Huế đã yêu cây, xem cây như bạn, thể hiện ở nếp sống, phong tục ngày xưa và còn cho đến hôm nay, đó là khi trong gia đình có người mất thì cây cối trong vườn cũng được cột mảnh vải trắng, xem như là để tang.

Mùa này, lim xẹt ra bông vàng, làm duyên dáng cả một mảng trời xanh, cây lim xẹt bạn của chị từ sau ngày bị bão, chỉ xanh lá mà không ra hoa. Chị nói với tôi: “Hai cây lim xẹt hàng xóm đang nở hoa tưng bừng, đẹp quá nhưng chị vẫn thương cây lim xẹt không hoa này vì với cây, sống được là quý lắm. Có ai biết cây đã vượt qua những đau đớn như thế nào khi bị gãy ngọn, giữ được màu xanh um như thế này cũng là yêu đời lắm rồi. Không hoa thì cũng chẳng sao cả”.

Tôi hỏi: “Làm bạn với một cái cây vui như thế nào chị?”. Chị trả lời không cần suy nghĩ nhiều, như đã đúc kết từ lâu rồi: “Đó là một niềm vui thầm lặng, bình yên lắm em. Chị làm kinh doanh, nhiều khi suy nghĩ căng thẳng, đầu nhức như búa bổ, thuốc gì cũng không khỏi. Rồi hai năm dịch COVID, công việc làm ăn càng đau đầu hơn, chị đi dạo trong công viên, bắt gặp cây này, nhìn cây vừa thương cảm vừa có thêm động lực, có lúc chị ngồi rất lâu bên cây, ngắm cây và cảm thấy được an ủi nhiều lắm. Chị tin bạn cây lim xẹt kiên cường này đã truyền cho chị một nguồn năng lượng mạnh mẽ trong im lặng. Từ đó, chị hay đến thăm cây và xem cây là bạn”.

Chúng tôi ngồi nghỉ trên một ghế đá trong công viên. Những tán lá đan xanh mát dịu trên đầu. Nhìn suốt chiều dài dòng sông, đôi bờ cỏ xanh dịu mềm, hoa lá tưng bừng, thành phố đẹp như tranh. Có đi nhiều nơi, nhìn cỏ cháy trên cánh đồng mới thấy cây xanh ở Huế là một di sản quý giá mà con người bao thế hệ đã nương theo những dòng sông, suối rừng mà trồng cây, chăm chút, giữ gìn. Làm bạn với một cái cây, đó là cách mở lòng mình ra với thiên nhiên, bình yên trong thiên nhiên, cũng là cách con người làm bạn với quê hương như người xưa đã từng: “Nghêu ngao vui thú yên hà/Mai là bạn cũ, hạc là người quen” (Nguyễn Du).

Nguyễn Khoa Diệu Hà

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/lam-ban-voi-cay-153130.html