Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa yêu thương từ những “bữa cơm 0 đồng”

Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, vẫn còn đó những nghĩa cử thầm lặng lan tỏa lòng yêu thương. Đó là những “Bữa cơm 0 đồng”, “Bếp ăn từ thiện”, những mô hình đậm tính nhân văn, không chỉ tiếp thêm nghị lực sống mà còn sưởi ấm biết bao mảnh đời bất hạnh, khó khăn.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng26/07/2025

Hội viên Chi hội Phụ nữ An Thị 2 (phường An Hải) trao tận tay những suất cơm 0 đồng đến người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TIẾN DŨNG
Hội viên Chi hội Phụ nữ An Thị 2 (phường An Hải) trao tận tay những suất cơm 0 đồng đến người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TIẾN DŨNG

Gom yêu thương trao người khó

Tại phường An Hải, vào ngày 25 hằng tháng, căn bếp nhỏ của Chi hội Phụ nữ An Thị 2 lại đỏ lửa từ sáng sớm.

Gần 10 chị em hội viên và tình nguyện viên tất bật đi chợ, sơ chế nguyên liệu, nấu từng nồi cơm, món mặn, món xào... để chuẩn bị hơn 250 suất cơm nóng hổi được đóng hộp chu đáo, trao tận tay người lao động nghèo, người khuyết tật, người lang thang cơ nhỡ trong khu vực.

Gần 8 năm qua, mô hình “Bữa cơm 0 đồng” tại đây bền bỉ duy trì từ sự gom góp đầy yêu thương của hội viên, các nhà hảo tâm và cả những khoản nhỏ thu được từ việc bán ve chai.

Với bà con khó khăn, những hộp cơm nóng không chỉ là bữa ăn miễn phí mà còn là sự sẻ chia ấm áp, là nguồn động viên tinh thần để vượt qua chuỗi ngày chật vật mưu sinh.

Không riêng phường An Hải, mô hình “Bữa cơm 0 đồng” còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố. Tại số 114 đường Tôn Đản (phường An Khê), mỗi trưa thứ Tư hằng tuần, nhóm thiện nguyện gồm 7 thành viên do anh Thái Bá Huy khởi xướng lại cùng nhau chuẩn bị hơn 100 suất cơm miễn phí gửi đến người có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi phần ăn còn có cả trái cây tráng miệng, được chăm chút kỹ lưỡng như bữa cơm gia đình.

Chia sẻ về hành trình của mình, anh Huy bộc bạch: “Giữa nhịp sống tất bật nơi phố thị, những suất cơm giản dị ấy như một nhịp cầu yêu thương tiếp sức cho những mảnh đời còn vất vả”.

Ngược vào cực Nam thành phố, tại xã Núi Thành, mô hình “Bếp chay 0 đồng” do Chi hội Phụ nữ Khối phố 5 phối hợp với Ban Từ thiện chùa Minh Tân thực hiện đã và đang trở thành điểm sáng trong công tác an sinh.

Vào các ngày mùng một và rằm hằng tháng, căn bếp của chùa Minh Tân đỏ lửa từ sáng sớm. Mỗi dịp như vậy, khoảng 100 - 150 suất cơm chay với các món như bún, mỳ, phở, súp được chuẩn bị cẩn thận rồi trao tận tay người nghèo, lao động xa quê.

Mỗi thành viên trong nhóm thiện nguyện đều làm việc bằng tất cả tấm lòng. “Ai cũng tự giác, vui vẻ, coi đó là niềm vui của mình”, chị Lê Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khối phố 5 chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Núi Thành, đây là mô hình thiết thực, nhân văn, mang đậm tinh thần tương thân tương ái. Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục vận động mở rộng mô hình ra các khối phố khác, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, mạnh thường quân chung tay góp sức để mô hình ngày càng phát triển.

Điểm sáng nhân văn

Cùng với các bữa cơm miễn phí cho người nghèo, mô hình “Bếp ăn từ thiện” tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cũng là điểm sáng đầy tính nhân văn.

Nhóm thiện nguyện Thiện Duyên Đà Nẵng hỗ trợ thực phẩm cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: N.Q

Được triển khai từ năm 2017 bởi Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, bếp ăn đặt trước cổng bệnh viện nhằm cung cấp những suất cơm miễn phí, đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, không người thân chăm sóc.

Theo ông Võ Văn Đức, người phụ trách bếp ăn từ thiện, mỗi ngày bếp phục vụ khoảng 70 suất ăn và đảm bảo mỗi suất ăn có giá trị tương đương 20.000 đồng.

Thực đơn được thay đổi thường xuyên, từ cơm, bún, mỳ, cháo... để bệnh nhân đỡ ngán, đồng thời đủ chất dinh dưỡng và đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trung bình mỗi năm, bếp cung cấp khoảng 24.500 suất ăn miễn phí. Toàn bộ kinh phí duy trì đến từ sự ủng hộ của các tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm.

Đặc biệt, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Tâm thần cũng tự nguyện đóng góp công sức và kinh phí để cùng nhau duy trì bếp ăn đều đặn mỗi ngày. Bệnh viện còn dành kinh phí sửa chữa, nâng cấp bếp sạch sẽ, khang trang để phục vụ tốt hơn cho người bệnh.

“Chúng tôi giao cho các khoa, phòng chủ động rà soát hoàn cảnh bệnh nhân để kịp thời hỗ trợ. Mỗi suất cơm không chỉ giúp bệnh nhân no bụng, đủ chất mà còn là sự tiếp sức quan trọng để họ an tâm điều trị”, bác sĩ CKII Trần Nguyên Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết.

Bên cạnh sự đóng góp của y bác sĩ, không thể không nhắc đến những cá nhân, tổ chức đồng hành bền bỉ cùng bếp ăn, như Thượng tọa Thích Thông Quang (chùa Liên Trì, phường Sơn Trà) hỗ trợ nhu yếu phẩm và kinh phí trả công cho người nấu ăn; nhóm Thiện Duyên Đà Nẵng thường xuyên hỗ trợ dụng cụ nấu ăn, cung cấp thực phẩm trị giá hơn 2 triệu đồng mỗi tháng; bà Phan Thị Sáu (phường Sơn Trà) mỗi tháng tặng 1 tạ cá… Tất cả đều vì một mục tiêu chung chăm lo tốt hơn cho người bệnh nghèo.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng nói: Từ những bếp ăn nhỏ giữa lòng phố thị đến những suất cơm chan chứa nghĩa tình trong bệnh viện, mô hình “Bữa cơm 0 đồng”, “Bếp ăn từ thiện” đang âm thầm chạm đến trái tim của nhiều người.

Những nghĩa cử nhân ái ấy như dòng nước mát lành, tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho những phận đời kém may mắn, góp phần làm cho thành phố trở nên nhân văn và ấm áp hơn.

Thời gian đến, hội sẽ tiếp tục đồng hành với bệnh viện để duy trì bếp ăn từ thiện và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.

Nguồn: https://baodanang.vn/lan-toa-yeu-thuong-tu-nhung-bua-com-0-dong-3297932.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm