
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Quảng Nam, tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi
Theo ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I năm 2025, nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trên tuyến biên giới đất liền nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, rượu, nguyên liệu thuốc lá, dược liệu (sâm), ngoại tệ, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh, đường cát, quặng, vàng…
Tuyến biển, cảng biển nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm động vật hoang dã, đường cát, rượu, xăng dầu, than, khoáng sản, phân bón, hàng hóa nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống... trên vùng biển, cảng biển các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang...
Tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển ma túy, tiền tệ, hàng hóa có giá trị cao như rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... diễn ra ở hầu hết cảng hàng không và bưu chính quốc tế. Nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ châu Âu qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào Việt Nam.
Trong nội địa tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ... tiếp tục diễn ra. Hoạt động mua bán trái phép hóa đơn với số lượng lớn vẫn diễn ra ở một số tỉnh, thành phố.

“Một số phương thức, thủ đoạn mới là lợi dụng các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktok Shop, Lazada, Tiki... và sử dụng các trang mạng xã hội, công cụ livestream, các đối tượng quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với đa dạng các mặt hàng.
Đồng thời, lợi dụng loại hình bưu chính đa dạng và chính sách thông thoáng về xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng gọn nhẹ dễ vận chuyển” - ông Lê Thanh Hải nói.
Bắt giữ 30.651 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Trong quý I, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm, giảm 0,77% so với cùng kỳ. Trong đó, bắt giữ 6.754 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 22.774 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.113 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.616,7 tỷ đồng (tăng 59,45% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.328 vụ, 2.046 đối tượng.
Ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm pháp
Dự báo trong thời gian tới, tình hình an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây tác động tiêu cực đến sự phát triển và hồi phục của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng, song do các yếu tố bất lợi từ bên ngoài sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội; giá cả, cung ứng các mặt hàng thiết yếu tiếp tục tiềm ẩn nhiều biến động.
Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả, vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba.
Việc lợi dụng xu thế thương mại điện tử, mua bán qua các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh... ngày càng gia tăng. Đối tượng sẽ tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Trước dự báo này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II là tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố nhanh chóng rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu tăng cường giáo dục cán bộ, công chức, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ngan-chan-hieu-qua-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-3153301.html
Bình luận (0)