Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin ở Bắc Kạn

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Bắc Kạn có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân17/04/2025

Tháng 2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn. Tháng 2/2023, Tỉnh ủy Bắc Kạn tiếp tục ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khối dân vận cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Thông qua triển khai các giải pháp cụ thể theo yêu cầu của Chỉ thị số 15 và Đề án số 06, chất lượng công tác dân vận tại Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực.

Cải cách hành chính được Bắc Kạn xác định là lĩnh vực chủ chốt, thể hiện rõ và cụ thể hóa nhất phương châm “dân biết, dân kiểm tra”. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “không chờ”; thực hiện trả kết quả ngay sau khi thủ tục hành chính được giải quyết, không để đến hạn mới trả thông qua sử dụng các hình thức như nhắn tin, gọi điện, trả qua bưu điện…

Chị Lý Thị Cảnh, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) vừa thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước công dân. Vì lý do gia đình, sau khi đến bộ phận một cửa thực hiện xong thủ tục, chị phải xuống Hà Nội ở cùng con gái. “Chỉ sau thời gian ngắn tôi đã được cán bộ công an tại bộ phận một cửa của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh gọi điện thông báo đã có căn cước công dân. Nghe lý do của tôi, cán bộ công an trực đã ghi lại địa chỉ ở Hà Nội và gửi căn cước công dân cho tôi theo đường bưu điện”, chị Cảnh cho biết.

Nhiều năm nay, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn) tổ chức đội công tác liên ngành “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Hằng năm, đơn vị triển khai hai đợt công tác, mỗi đợt có 25 cán bộ, chiến sĩ đến các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn để giúp dân làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, xóa nhà tạm…

Thiếu tá Vương Văn Thành, Trợ lý Ban Dân vận (Phòng Chính trị) cho biết, các tổ công tác đều có chiến sĩ là người dân tộc, biết tiếng dân tộc. Ngoài hoạt động hỗ trợ xây dựng hạ tầng, các tổ tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật để bà con hiểu, nắm rõ và thực hiện.

Theo ông Vừ A Ngài, Trưởng thôn Tà Han (Xuân Lạc), bộ đội xuống giúp dân từ việc nhỏ như hướng dẫn trồng rau, nuôi gà tới việc lớn như san ủi, xây nhà mới. Dân trong thôn được hướng dẫn, giải thích về quy định của pháp luật; luôn tin tưởng cán bộ và bộ đội.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 15, việc xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo dõi, phụ trách các xã, thị trấn, dự sinh hoạt chi bộ cơ sở để kịp thời thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Trung ương và của tỉnh đến cơ sở.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 15, việc xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt.

Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung lựa chọn, xác định nhiệm vụ, nội dung cụ thể trong xây dựng mô hình dân vận khéo. Các mô hình phải gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; gắn với chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Số lượng các mô hình dân vận khéo tăng so với mục tiêu đề ra. Tỉnh hiện có 1.006 mô hình dân vận khéo trong xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đoàn viên, hội viên; 2.086 mô hình trong cải cách hành chính, xây dựng công sở, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; 4.380 mô hình trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; 142 mô hình trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết cộng đồng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Thực hiện nguyên tắc “có làm, có kiểm tra, giám sát”, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện kiểm tra, giám sát công tác dân vận gắn với kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Những việc khó ở Bắc Kạn, như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố, sáp nhập các xã đều được nhân dân ủng hộ, bảo đảm thời gian, tiến độ, không có khiếu kiện tập trung đông người.

Theo đồng chí Ma Nhật Hoài, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn, việc thực hiện Chỉ thị số 15 đã nâng cao chất lượng công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đội ngũ cán bộ, công chức được phân công phụ trách công tác dân vận bảo đảm về số lượng và chất lượng; thực hiện tốt phong cách “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ kinh tế-xã hội.

Nguồn: https://nhandan.vn/nghe-dan-noi-noi-dan-hieu-lam-dan-tin-o-bac-kan-post873017.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm