Cán bộ, nhân dân xóm Khe Quân, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) xem thông tin sáp nhập các đơn vị hành chính được niêm yết tại nhà văn hóa xóm. |
Theo dự thảo Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, Thái Nguyên sẽ giảm trên 68% số đơn vị hành chính cấp xã (từ 172 xã, phường, thị trấn hiện nay được sắp xếp còn 55 xã, phường). Đây được xem là phương án tối ưu trên cơ sở cân nhắc, tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng, vừa bảo đảm phù hợp với bối cảnh, xu hướng phát triển chung, vừa đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Từng vùng, từng không gian đều được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn với tư duy mới, giá trị mới, tạo không gian, động lực mới cho địa phương tiếp tục phát triển bứt phá…
Cụ thể, với TP. Thái Nguyên được điều chỉnh từ 32 phường, xã xuống còn 8 đơn vị hành chính, gồm 6 phường và 2 xã. TP. Phổ Yên dự kiến thành lập 4 phường, 1 xã trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 17/18 đơn vị hành chính cấp xã hiện có (riêng xã Phúc Tân sáp nhập với đơn vị hành chính khác của huyện Đại Từ để thành lập 1 xã mới). TP. Sông Công điều chỉnh từ 10 xã, phường xuống còn 3 đơn vị. Huyện Đại Từ có 27 xã, thị trấn điều chỉnh xuống còn 9 xã. Huyện Phú Bình từ 20 xã, thị trấn điều chỉnh xuống còn 5 xã. Huyện Võ Nhai từ 15 xã, thị trấn điều chỉnh xuống còn 7 xã. Huyện Đồng Hỷ từ 14 xã, thị trấn điều chỉnh xuống còn 6 xã. Huyện Phú Lương dự kiến thành lập 4 xã trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 14 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Định Hóa từ 21 xã, thị trấn điều chỉnh xuống còn 8 đơn vị.
Việc sắp xếp, đặt tên và trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp được thực hiện theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương… Do đó, hầu hết người dân trong tỉnh đều đồng tình ủng hộ chủ trương này.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, đảng viên, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là bước tiến quan trọng trong tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, với tư duy và tầm nhìn mới, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả lần này còn “phá” được rào cản về địa giới hành chính giữa các địa phương; tận dụng, phát huy được ưu thế, tiềm năng, thuận lợi trong quản lý và mở rộng không gian phát triển. - ông Nguyễn Văn Hoạt
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, người dân cũng bày tỏ những mong muốn rất thực tế. Bà Dương Thị Hưởng, xóm Hòa Thịnh, xã Thượng Đình (Phú Bình), cho hay: Mong rằng khi quá trình sắp xếp hoàn tất, bộ máy hành chính mới sẽ vận hành hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi về hộ tịch và chế độ chính sách của người dân sau sáp nhập.
Tổ dân phố Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) triển khai lấy ý kiến tại nhà cử tri. |
Còn bà Đồng Thị Thắm, xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) thì cho rằng: Sau sắp xếp, Thái Nguyên giảm đáng kể số lượng đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, quy mô các xã sau sáp nhập sẽ lớn hơn, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Dù vậy, việc lựa chọn vị trí trung tâm hành chính của các địa phương bên cạnh thực hiện theo đúng quy định, phù hợp điều kiện tự nhiên… nên xem xét kỹ về điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm kết nối giao thông, kết nối vùng và phù hợp với tình hình phân bố dân cư, giáo dục, y tế… Đáng nói, tổ chức bộ máy sau sắp xếp ngoài việc tinh gọn, khoa học thì nên lựa chọn thật kỹ đội ngũ cán bộ theo các tiêu chí quy định.
Chúng ta đều nhận thức rất rõ rằng, sau sáp nhập sẽ giảm bộ máy cồng kềnh, giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Do đó, đại đa số người dân tại các huyện, thành phố trong tỉnh đều mong việc sắp xếp này sớm đi vào thực hiện.
Về phương án sáp nhập cấp tỉnh giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn, sau sáp nhập sẽ mang tên tỉnh Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 8.375km2, dân số gần 1,8 triệu người. Theo đó, Thái Nguyên sẽ có 92 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 77 phường và 15 xã), trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên.
Bà Ma Thị Uyên, cán bộ hưu trí, quê ở huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), hiện sinh sống tại tổ 8, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), bày tỏ: Là người sinh ra và lớn lên tại Chợ Đồn, tôi rất quan tâm đến sự phát triển lâu dài, bền vững của địa phương. Tôi hoàn toàn đồng thuận với phương án sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Việc sáp nhập không chỉ là giải pháp về mặt tổ chức hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế vùng miền.
Đặc biệt, trong bối cảnh Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, kinh tế - xã hội, thì việc hợp nhất với Thái Nguyên - trung tâm phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nhân dân. - bà Ma Thị Uyên
Cùng chung suy nghĩ với bà Uyên, ông Ma Doãn Nam, ở xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương), cho hay: Tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hợp nhất sẽ tạo thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức bộ máy sẽ được tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Có thể khẳng định, Thái Nguyên đang thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chủ trương sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Dù thời gian lấy ý kiến chỉ diễn ra trong 2 ngày, nhưng nhiều địa phương như: Đại Từ, Phú Bình, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên… đã cơ bản hoàn thành trong ngày 18-4. Một số địa phương còn lại hoàn tất việc lấy ý kiến trong ngày 19-4. Theo đó, phương án sắp xếp của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Thực tế này cho thấy, Thái Nguyên đã sẵn sàng cho việc thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền cấp xã và sáp nhập 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn về chung một “nhà”.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/nguoi-dan-dong-thuan-cao-voi-cac-phuong-an-sap-xep-cua-tinh-92c1f42/
Bình luận (0)